50% phụ nữ làm công nghệ bỏ việc trước tuổi 35

TRUONGTRINH

Well-known member
Tỷ lệ phụ nữ làm công nghệ bỏ việc cao gấp 2,5 lần so với các ngành khác. Họ cũng ít được tin tưởng và nhận về khoản tiền lương thấp hơn đồng nghiệp nam.

Sáng 11/3, Hội thảo phụ nữ trong lĩnh vực Khoa học dữ liệu (Women in Data Science 2023 - WiDS) vừa được tổ chức tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một sự kiện dành riêng cho những người phụ nữ làm trong ngành khoa học dữ liệu.
Hội thảo là một phần trong chuỗi sự kiện do cộng đồng Woman in Data Science Hanoi (WiDS Hanoi) phối hợp cùng Viettel tổ chức nhằm định hướng, hỗ trợ đào tạo và truyền cảm hứng cho phụ nữ Việt Nam tham gia vào ngành khoa học dữ liệu.
Thống kê của Zippia cho thấy, tính đến năm 2022, phụ nữ chỉ chiếm 28% lực lượng lao động ngành công nghệ; phụ nữ làm quản lý chiếm 15,51%.
Theo số liệu của Explodingtopics, tỷ lệ phụ nữ trong tất cả các ngành nghề liên quan đến công nghệ đã giảm trong 2 năm qua. Mặc dù có quyền tiếp cận bình đẳng, tỷ lệ phụ nữ theo đuổi các môn học STEM trong giáo dục đại học đang giảm và chỉ đạt được 18% bằng cấp mới về khoa học máy tính.
Đáng chú ý, hơn 50% phụ nữ thuộc lĩnh vực công nghệ báo cáo về tình trạng bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử hoặc quấy rối tình dục trong môi trường do nam giới thống trị. Riêng mảng phần mềm, lao động nữ chỉ được trả lương tương đương 93% so với lao động nam.
Bà Nguyễn Trần Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu (Tổng Công ty Viễn thông Viettel) chia sẻ những khó khăn của phụ nữ trong việc theo đuổi ngành công nghệ. Ảnh: Trọng Đạt
Theo báo cáo của Accenture và Girls Who Code, có tới hơn 50% phụ nữ làm trong ngành công nghệ được khảo sát từ bỏ công việc của mình trước tuổi 35. Tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần so với các ngành khác.
Những số liệu trên cho thấy trong lĩnh vực công nghệ, tình trạng bất bình đẳng về giới vẫn diễn ra khá trầm trọng. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các công ty có sự đa dạng về lực lượng lao động sẽ hoạt động sáng tạo và hiệu quả hơn.
Có nhiều rào cản đối với phụ nữ khi tham gia vào lĩnh vực công nghệ như ít có cơ hội thăng tiến so với đồng nghiệp nam hay tác động của văn hóa làm thêm giờ,...
Xuất thân từ một kỹ sư phần mềm, bà Nguyễn Trần Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu (Tổng Công ty Viễn thông Viettel) cho rằng, rào cản của phụ nữ khi tham gia vào lĩnh vực công nghệ còn đến từ sự thiếu tin tưởng của cấp trên và đồng nghiệp, đặc biệt là đồng nghiệp nam giới.
“Đây cũng là lý do tôi quyết định mang WiD về Việt Nam để lan tỏa thông điệp về việc trao quyền, trao cơ hội nhiều hơn cho những người phụ nữ làm công nghệ, giúp họ tự tin hơn trong con đường nghiên cứu chuyên sâu của mình”, bà Nguyễn Trần Ngọc Linh chia sẻ.
PGS.TS Lương Chi Mai – nguyên phó Viện trưởng Viện CNTT (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) giới thiệu về các xu hướng phát triển của ngành dữ liệu nhằm định hướng cho phái nữ. Ảnh: Trọng Đạt
Tại hội thảo Women in Data Science 2023, các chuyên gia đã đưa ra nhiều định hướng giúp các bạn nữ nắm bắt được những xu hướng mới trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình; đồng thời cổ vũ, khơi gợi và tiếp thêm niềm tin cho họ trong việc theo đuổi ngành khoa học dữ liệu.
Cuối chương trình là lễ trao giải cho các đội thi Việt Nam tham dự WiDS Datathon 2023 - cuộc thi thường niên do WiDS tổ chức. Năm nay, WiDS Datathon 2023 thu hút hơn 600 đội tham gia.
Trong số này, đội thi đến từ trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội với 4 thành viên gồm: Trần Thuỳ Dương (SN 2003), Trần Văn Đức (SN 2002), Nguyễn Thái Bình (SN 2000) và Trần Thùy Dung (SN 2003) đã xếp hạng 13, lọt top 2% thế giới.
 
Bên trên