Bác sĩ Nhật viết sách gợi ý cách bảo vệ sức khỏe

Ngô Nguyễn Anh Thư

Well-known member
Hai sách y học thường thức của bác sĩ Nhật Toshio Akitsu - về các bệnh hiểm nghèo con người thường mắc phải, xuất bản trong nước.

Làm sao để không mắc ung thư

Bìa sách Làm sao để không mắc ung thư của tác giả Toshio Akitsu (Như Nữ dịch). Ảnh: Quảng Văn books

Bìa sách "Làm sao để không mắc ung thư" của tác giả Toshio Akitsu (Như Nữ dịch). Ảnh: Quảng Văn

Sách dài 216 trang, gồm 35 câu hỏi, năm chương, đề cập các phương pháp phòng tránh và phân loại ung thư da, vòm họng, thanh quản, tuyến giáp, phổi, dạ dày, đại tràng. Tác giả cho rằng 90% bệnh ung thư có thể phòng tránh và quan trọng là nắm bắt được nguyên do khởi phát.

Ở chương đầu tiên, Toshio Akitsu nói về ung thư di truyền. Tác giả viết: "Tùy vào giới tính, bệnh mạn tính, tình trạng thể chất của từng người mà nguy cơ mắc ung thư do di truyền sẽ khác nhau. Có ba loại ung thư có nguy cơ di truyền cao, là ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt". Theo tác giả, cần biết người thân mất vì loại ung thư nào, nỗ lực tầm soát để phát hiện sớm và có phác đồ điều trị rõ ràng.

Trong hai chương tiếp theo, bác sĩ Toshio Akitsu chỉ ra các thói quen gây bệnh ở con người. Tác giả viết: "Các phương pháp ăn một bữa một ngày hay hạn chế đường đều rất khó để mọi người thực hiện lâu dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới bệnh tật. Nếu bạn nghĩ đến sức khỏe của bản thân, hãy thực hiện các phương pháp chăm sóc giúp ổn định thần kinh tự chủ như yoga, khí công".


Ở các chương cuối, Toshio Akitsu so sánh giữa phẫu thuật và xạ trị. Theo bác sĩ, phẫu thuật là phương pháp dùng dao mổ để cắt bỏ ung thư, xạ trị thì sử dụng tia chiếu xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. "Điều trị ung thư dạ dày, đại tràng cần đến phương pháp phẫu thuật. Ngược lại, điều trị ung thư não, phổi, thanh quản là thế mạnh của xạ trị. Mọi người cần cân nhắc nguyện vọng của bản thân, mong muốn của gia đình và thảo luận trực tiếp với bác sĩ để đưa ra quyết định", Toshio Akitsu viết.

Thông qua cuốn sách, tác giả gửi gắm thông điệp hướng bạn đọc sống lành mạnh, không sợ hãi khi đối diện với bệnh hiểm nghèo: "Mọi người nên thảo luận với bác sĩ đáng tin cậy để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất. Nếu đối diện với bệnh ung thư một cách vững vàng, bạn chắc chắn sẽ thấy được con đường hướng về phía trước", tác giả viết.

Những ngộ nhận "vì sức khỏe"

Bìa sách Những ngộ nhận vì sức khỏe của tác giả Toshio Akitsu (Hoàng Thị Thu Hà dịch). Ảnh: Sakura books

Sách "Những ngộ nhận vì sức khỏe" của tác giả Toshio Akitsu do Hoàng Thị Thu Hà dịch. Ảnh: Quảng Văn

Sách dài 223 trang, năm chương, gồm 35 câu hỏi liên quan đến sức khỏe con người về chủ đề Y tế, Thuốc, Phương pháp rèn luyện sức khỏe, Ăn uống, Sinh hoạt hàng ngày. Bác sĩ Toshio Akitsu chỉ ra các vấn đề liên quan thói quen sinh hoạt, vận động thường ngày của con người. Nếu không hiểu kỹ, chúng ta sẽ luôn mặc định đó là những thói quen tốt song ở một số điều kiện cụ thể, nó lại đang gây hại cho sức khỏe.

Một số câu hỏi được tác giả đặt ra như: "Ngày chỉ ăn một bữa" và "Không ăn tinh bột", "Chạy bộ vào sáng sớm" và "Đi bộ vào buổi tối", thói quen nào là tốt?

Tác giả cho rằng: "Việc uống hơn hai lít nước hàng ngày chỉ tốt đối với những người có nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Còn những người khác nếu làm vậy sẽ khiến môi trường đường ruột xấu đi do thu nạp quá nhiều nước và có khả năng dẫn đến ung thư".

Cuối sách, tác giả kể câu chuyện về một ông cụ ngoài 80 tuổi, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, nhưng sau khi khám, sức khỏe của ông không có gì bất thường. Bệnh nhân này cho biết thường xuyên so sánh thể lực với người trẻ, khiến bản thân lo lắng. Thông qua câu chuyện, bác sĩ gửi gắm thông điệp: Hãy biết ơn sức khỏe hiện tại, đừng so sánh, thường xuyên làm các xét nghiệm cần thiết và tin vào sức đề kháng của cơ thể.

Ở lời giới thiệu, bác sĩ Ngô Đức Hùng - Khoa cấp cứu của bệnh viên Bạch Mai - ví cuốn sách giống chuyên viên tư vấn chăm sóc sức khỏe: "Những câu hỏi thường ngày được bác sĩ Toshio Akitsu giải đáp dễ hiểu, có dữ liệu xác thực. Nội dung sách phần nào giúp bạn đọc trang bị kiến thức cơ bản về cơ thể, để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất. Tôi hy vọng sau khi đọc xong cuốn sách, nhiều người sẽ không bị cuốn vào những xu hướng phản khoa học khi tìm cách bảo vệ sức khỏe".

Toshio Akitsu, 69 tuổi, tốt nghiệp khoa Kỹ thuật - đại học Osaka. Sau đó, ông tiếp tục thi vào khoa Y - đại học Wakayama. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Akitsu vào làm tại khoa Tim mạch của trường. Ông tập trung nghiên cứu các lĩnh vực đặt ống thông tim, siêu âm doppler tim (chẩn đoán hình ảnh vật thể chuyển động bằng đầu dò phát - nhận sóng siêu âm).

Tác giả từng công tác tại bệnh viện Tokyo Rosai. Hiện tại, bác sĩ Akitsu tham gia chương trình truyền hình Phòng khám nơi bạn tìm được bác sĩ cho mình - Công tắc sức khỏe của kênh truyền hình TV Tokyo.
 
Bên trên