Cách Làm Sữa Chua Dẻo Mịn, Thơm Ngon, Đơn Giản Tại Nhà

Thanh Trương

Well-known member
Cách Làm Sữa Chua Dẻo Mịn, Thơm Ngon, Đơn Giản Tại Nhà

Sữa chua là món ăn giải nhiệt mùa hè rất tốt cho sức khỏe. Bạn có thể ăn kèm sữa chua với trân châu, các loại thạch, ngũ cốc hay dầm với trái cây cũng rất ngon… Sau đây, cách làm sữa chua đơn giản mà thành phẩm lại dẻo mịn, thơm ngon và đặc biệt không dăm đá, đảm bảo bạn sẽ thực hiện thành công ngay tại nhà.
Vị chua ngọt thanh mát của sữa chua

Vị chua ngọt thanh mát của sữa chua sẽ kích thích vị giác để bạn ăn uống ngon miệng hơn. Ảnh: Internet
Nếu bạn đã thử cách làm yaourt truyền thống vài lần nhưng lại bị tách nước, không đông hoặc chảy nhớt thì hy vọng một số bí quyết nho nhỏ trong bài viết này sẽ giúp bạn làm “một phát ăn ngay” trong lần tới. Sữa chua tự làm không những tiết kiệm mà còn yên tâm là không chứa chất bảo quản.

Cách Làm Sữa Chua (Yaourt) Tại Nhà Sánh Mịn
Nguyên Liệu
  • Sữa tươi: 1 lít
  • Sữa đặc: 190g (1/2 lon)
  • Sữa chua cái: 1 hộp
  • Dụng cụ: nồi, muỗng khuấy, thùng ủ, rây lọc, hũ đựng sữa chua…
Các Bước Thực Hiện
Nấu Sữa
Đầu tiên, bạn cho 190g sữa đặc vào nồi đã chuẩn bị. Tiếp theo cho 1 lít sữa tươi không đường vào khuấy đều nhẹ nhàng cho hỗn hợp hòa quyện. Bắc nồi sữa lên bếp đun với lửa vừa, vừa đun vừa khuấy để tránh sữa bị cháy dưới đáy nồi.
Đun đến khi thấy có hơi nước bốc lên là sữa đã đủ nóng, tắt bếp để sữa nguội về khoảng 40 – 45 độ C. Bạn có thể kiểm tra bằng nhiệt kế hoặc nhỏ vài giọt lên cổ tay, thấy sữa còn ấm là được.
đun sữa sẽ giúp diệt vi khuẩn

Công đoạn đun sữa sẽ giúp diệt vi khuẩn có hại, hạn chế tách nước ở sữa chua thành phẩm. Ảnh: Internet
Thêm Sữa Chua Cái
Hoà sữa chua cái vào nồi sữa rồi khuấy đều nhẹ tay. Bạn nên khuấy theo một chiều và nhẹ nhàng thì sữa sẽ mịn và ngon.
Nên sử dụng sữa chua cái còn mới

Nên sử dụng sữa chua cái còn mới. Ảnh: Internet
Lọc Hỗn Hợp Sữa Chua
Để sữa chua được mịn, mượt hơn sau khi ủ, bạn nên lọc hỗn hợp sữa qua rây cho tan đều và vớt hết bọt. Sau đó rót hỗn hợp vào các hũ đựng đã chuẩn bị, đậy kín nắp.
 lọc hỗn hợp sữa qua rây

Việc lọc hỗn hợp sữa qua rây sẽ giúp thành phẩm mịn, mượt hơn. Ảnh: Internet
Ủ Sữa Chua
Ủ bằng thùng xốp: Xếp các hũ sữa chua vào thùng xốp. Pha nước ủ với tỷ lệ 2 nước nóng : 1 nước nguội, rót nước vào thùng sao cho ngập tới 2/3 hũ đựng sữa chua. Đậy kín nắp thùng và ủ sữa chua trong 8 tiếng.
Ủ thùng xốp

Ủ thùng xốp là cách ủ sữa chua đơn giản nhất. Ảnh: Internet
Ủ bằng nồi cơm điện: Bật nồi cơm ở chế độ ủ (warm) 30 phút rồi ngắt điện, cho một ít nước nóng 40 – 50 độ vào nồi và xếp các hũ sữa chua vào. Sau một thời gian, khi nhiệt độ và nước trong nồi nguội bớt thì thay nước nóng mới.
Ủ bằng lò nướng/nồi chiên không dầu: Làm nóng lò/nồi ở 70 – 80 độ trong 5 phút, sau đó xếp hũ sữa chua vào.
  • Đối với lò nướng: Sau 2 tiếng ủ thì làm nóng lò lại ở 50 độ C trong khoảng 2 – 3 phút rồi tắt lò. Ủ thêm 2 tiếng nữa là sữa chua sẽ đặc lại. Tổng cộng thời gian ủ là 4 tiếng.
  • Đối với nồi chiên không dầu: Sau khi ủ 1 tiếng thì bật nồi ở nhiệt độ thấp nhất khoảng 5 phút rồi tắt đi. Cứ lặp lại như vậy trong 4 – 5 giờ đầu.
Thành Phẩm
Sữa chua sau khi ủ khoảng 8 tiếng, thành phẩm sẽ dẻo mịn, đặc sánh và úp ngược thoải mái. Đặc biệt là để ngăn đông cũng không bị dăm đá.
Để món sữa chua mát lạnh hơn, sau khi ủ xong bạn nên để sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 tiếng rồi thưởng thức nhé.
Sữa chua đặc mịn

Sữa chua đặc mịn, không nhớt, vị chua ngọt vừa phải, úp ngược mà không đổ. Ảnh: Internet
Lưu Ý Khi Ủ Sữa Chua
  • Nên ủ ở nơi ấm áp, nếu trời nắng có thể đem thùng ủ ra sân phơi. Nhiệt độ thích hợp để men hoạt động tốt và mạnh nhất trong khoảng từ 32 – 48 độ C.
  • Không nên ủ với nhiệt độ quá cao (trên 54 độ C).
  • Trong quá trình ủ không nên di chuyển thùng/nồi ủ hoặc lắc mạnh hũ đựng sữa chua vì có thể làm ảnh hưởng đến quá trình đông đặc của sữa, dẫn đến việc sữa chua bị vữa hoặc tách nước.
Công Dụng Của Sữa Chua
Sữa chua chứa hàm lượng giá trị dinh dưỡng đáng kể. Trong 100g sữa chua có chứa khoảng 100kcal, chất đường (15,4g), chất đạm (3,1g), chất béo (3g), canxi và các vitamin A, D, E…
Từ lâu, sữa chua luôn được xem là thực phẩm tốt cho sức khỏe, phù hợp với mọi lứa tuổi. Những công dụng tiêu biểu của sữa chua có thể kể đến như:
  • Cung cấp các chủng vi khuẩn sống có lợi cho hoạt động ruột, hỗ trợ tiêu hóa.
  • Tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể nhờ chứa nguồn vitamin D dồi dào.
  • Hỗ trợ giảm cân, giảm mỡ bụng để bạn có một vòng eo lý tưởng.
  • Phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả nhờ khoáng chất kali có trong sữa chua giúp loại bỏ lượng muối dư thừa trong cơ thể.
  • Bảo vệ răng miệng: sữa chua có chứa các khoáng chất canxi và phốt pho rất cần thiết để tạo khoáng cho răng.
  • Bổ sung canxi giúp xương và răng chắc khỏe.
  • Giúp làm đẹp da từ bên trong, giảm viêm nhiễm và cải thiện tình trạng mụn trứng cá.
Bí Quyết Để Làm Sữa Chua Ngon Mịn
Luôn tiệt trùng các dụng cụ làm sữa chua. Bạn có thể đun một nồi nước sôi rồi cho các dụng cụ vào đun trong 30 giây để loại bỏ vi khuẩn. Sau khi tiệt trùng thì vớt dụng cụ ra rổ, để ráo.
Hũ đựng phải sạch sẽ

Hũ đựng phải sạch sẽ, khô ráo thì sữa chua mới không bị hỏng. Ảnh: Internet
Nên đun sữa ở lửa vừa cho nóng đến khoảng 80 – 85 độ rồi để nguội về khoảng 40 – 45 độ C. Không nên đun sôi vì có thể khiến sữa bị mất chất.
Sữa chua cái dùng làm men nên dùng loại không đường và phải để ở nhiệt độ phòng khoảng 2 tiếng cho bớt lạnh.
Trộn đều men với hỗn hợp sữa sao cho hòa tan hết, không để men bị vón cục. Tránh khuấy mạnh tay làm yếu hoạt động của men.
Không cho men vào khi sữa còn quá nóng sẽ làm men bị chết, dẫn đến việc sữa chua bị tách nước, loãng thậm chí không đạt được độ chua như mong muốn. Nhưng cũng không nên để sữa quá nguội sẽ khiến men hoạt động không tốt.
Cách Thưởng Thức Và Bảo Quản
Sữa chua kết hợp với ngũ cốc và các loại quả, hạt như: yến mạch, hạnh nhân, óc chó, dâu tây, việt quất, kiwi… sẽ đem lại cho bạn một bữa sáng nhanh chóng, tiện lợi nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng.
Bạn cũng có thể ăn kèm sữa chua với nếp cẩm, chè cốm, các loại topping như: trân châu, thạch, sương sáo, nha đam, hạt đác… cũng rất ngon miệng.
Một số loại bánh thích hợp dùng kèm với sữa chua là bánh táo, bánh pancake chuối, bánh khoai lang.
Kết hợp nhiều loại topping

Kết hợp nhiều loại topping để món sữa chua giàu dinh dưỡng hơn. Ảnh: Internet
Sữa chua sau khi làm xong nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, việc này sẽ làm cho quá trình lên men chậm lại, khi ăn không bị chua quá. Nhiệt độ trong tủ lạnh sẽ giúp bảo quản sữa chua từ 2 – 3 tuần.
Lưu Ý Khi Sử Dụng Sữa Chua
  • Thời điểm tốt nhất để ăn sữa chua là sau bữa chính khoảng 2 tiếng. Lúc này, dạ dày sẽ tạo ra môi trường phù hợp để lợi khuẩn trong sữa chua hoạt động, góp phần giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả.
  • Không nên ăn sữa chua khi bụng đói.
  • Hạn chế để sữa chua bị đông đá trong thời gian dài vì sẽ khiến các lợi khuẩn trong sữa chua bị tiêu diệt ở nhiệt độ quá lạnh.
 
Bên trên