Lừa đảo qua mạng: Thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường

Nguyễn May

Well-known member
(CATP) Thời gian gần đây, ngành chức năng liên tục phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo qua mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường, trong đó mới nhất là thủ đoạn sử dụng AI (là tên viết tắt của trí tuệ nhân tạo hoặc trí thông minh nhân tạo) để giả giọng người thân lừa tiền, hay chiêu lừa giả danh giáo viên, nhân viên trong trường gọi điện thoại cho phụ huynh học sinh yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí cho con đang cấp cứu tại bệnh viện… Các chiêu lừa đảo như gọi điện thoại hoặc giả danh văn bản của các cơ quan chức năng gửi cho nạn nhân để đe dọa hòng chiếm đoạt tài sản tuy không mới và đã được cảnh báo nhiều, nhưng đánh vào tâm lý hoang mang, lo sợ của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo đã rất tinh vi, dẫn dắt nạn nhân sập bẫy.

Cần nhanh chóng báo Công an


Trưa 12-3-2023, anh V. ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM phản ánh đến Chuyên đề Công an TPHCM trường hợp ông T. ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM (là anh em họ của ông V.) bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng. Hoàn cảnh của ông T. lại hết sức éo le, vốn là người làm ăn kinh doanh buôn bán, vợ ông vừa mất, trong khi chuyện đau buồn của gia đình chưa nguôi ngoai thì các đối tượng lừa đảo nhắm vào ông. Các đối tượng lừa đảo liên tục gọi vào điện thoại di động ông T. hù dọa, sau đó chúng gửi hàng loạt văn bản rất "oách" qua Zalo... khiến ông T. bấn loạn. Chưa xác minh gì với các cơ quan chức năng cũng như không chia sẻ với ai, ông T. âm thầm làm theo chỉ dẫn của những kẻ xấu. Vì quá nhẹ dạ, cả tin vào các "văn bản giả mạo", khiến ông T. sập bẫy lừa kiểu cũ rích.

Do ít xem tin tức, thiếu quan tâm đến những thông tin cảnh giác về cách thức các loại tội phạm lừa đảo thường dùng (đã được thông tin thường xuyên trên các phương tiện truyền thông) nên ông T. mất cảnh giác, không biết gì các kiểu lừa đảo thường gặp, cho đến khi bị hăm dọa từ điện thoại, rồi thông qua văn bản giả mạo đề ngày 10-3-2023 mang tên "Chính phủ” nhưng lại là "Quyết định điều tra bổ sung" mà các đối tượng lừa đảo gửi ông T. nêu những thông tin liên quan đến tài sản của ông T. cần "thẩm tra, thẩm định", khiến ông này hoảng loạn.

Trong văn bản giả mạo viết rõ họ, tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư ngụ cũng như tài sản do ông T. làm chủ... rồi "Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát tạm giữ, niêm phong tài sản và thi hành án. Sau khi thi hành lệnh tạm giữ tài sản trong thời gian thụ án". Chưa dừng lại ở đó, khi thấy ông T. lo sợ, hoảng loạn và bắt đầu sập bẫy lừa, các đối tượng lừa đảo đẩy kiểu hù dọa lên "cao trào", liên tục gửi các văn bản giả mạo đến ông T. Đối với những người có kiến thức về pháp luật thì sẽ biết ngay văn bản lủng củng, sai be bét và vô lý này là giả mạo, lừa đảo. Nhưng đối với một người suốt ngày lo làm ăn, buôn bán, ít hiểu biết về luật pháp, ít quan tâm đến thông tin thời sự, đến những thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, đã được cảnh báo lâu nay như ông T., khiến ông này càng tin sái cổ.


Công an TPHCM bắt băng nhóm lừa đảo qua điện thoại...

Với chiêu lừa gửi văn bản giả mạo mang tên "Chính phủ” qua Zalo, rồi Quyết định hoàn trả... qua các ngân hàng số tiền 1,2 tỉ đồng tạm giữ của ông T., rồi ngân hàng này sẽ "bồi thường" cho ông T. lên tới 100 triệu đồng, ngân hàng khác cũng "bồi thường" 280 triệu đồng cho ông T., làm cho nạn nhân càng tin rằng mình chẳng liên quan gì đến vụ án hình sự nào cả, cho nên không những được hoàn trả số tiền 1,2 tỷ đồng, mà còn được 2 ngân hàng bồi thường 380 triệu đồng "theo quyết định" giả mạo, thêm cả "chi phí tổng hợp" lên đến 168 triệu đồng nữa. Nắm được tâm lý lo sợ của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo còn đánh trúng vào lòng tham của con người. Xem văn bản lừa đảo các đối tượng gửi, ông T. như người "cõi trên", nghĩ không những được hoàn trả tiền tỷ, mà tính sơ cũng "kiếm được" hơn nửa tỷ đồng(!?).

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an TPHCM mới đây đấu tranh 02 chuyên án, triệt phá 02 nhóm đối tượng sử dụng mạng internet lừa đảo, mạo danh ngân hàng, tổ chức tín dụng để chiếm đoạt tài sản của hơn 10.000 người dân trên cả nước, bắt giữ, khởi tố 10 đối tượng, thu giữ 109 máy tính, 67 laptop, 02 xe ô tô cùng nhiều vật chứng. Kết quả đấu tranh chuyên án đã phản ánh công tác hiệp đồng tác chiến tích cực, hiệu quả giữa các đơn vị nghiệp vụ thuộc cơ quan Bộ với Công an các địa phương, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, răn đe, phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao, ổn định tình hình an ninh, trật tự, củng cố niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân.
Điều đáng nói là sau khi chuyển 1,2 tỷ đồng, thấy quá dễ dàng, ông T. tiếp tục bị bọn lừa đảo tung chiêu lừa tiếp. Qua Zalo, ông T. không tài nào liên lạc được với những số máy đã gửi thông tin cho mình, mà thụ động chờ các đối tượng lừa đảo gọi vào máy của mình. Tuy nhiên, vì mặc cảm, ông T. khăng khăng không đi trình báo Công an. Ngay cả khi chúng tôi thực hiện bài viết cảnh giác này, vào lúc 15 giờ 30 chiều 12-3-2023, điện thoại của ông T. tiếp tục nhận cuộc gọi hối thúc chuyển tiếp cho chúng 2 tỷ đồng vào tài khoản mà bọn chúng đưa cho ông T. để "lo vụ việc cũng như kiểm tra thẩm định vì nghi can là ông T. liên quan vụ án hình sự... rồi sẽ chuyển trả lại". Do vậy, khi biết vụ việc, ông V. đã khuyên ông T. cần dừng ngay việc bị dính bẫy lừa liên tiếp, tránh "tiền mất tật mang". Đồng thời phải đến Công an địa phương trình báo vụ lừa đảo, để sau này Cơ quan điều tra phá án sẽ lấy lại tiền bị mất và cũng là để cảnh báo cho người dân những thủ đoạn lừa đảo tinh vi cần tránh.

Đề phòng chiêu lừa cắt ghép hình ảnh và giọng nói

Với rất nhiều kiểu lừa đảo, đặc biệt là đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu thông tin cũng như ít hiểu biết, như trường hợp nhận được cuộc gọi, thậm chí nạn nhân còn nghe được cả giọng nói và thấy được hình ảnh qua video call của người thân, nhưng vẫn bị lừa tiền. Đó là do bọn lừa đảo sử dụng công nghệ để lừa người dân.

Theo phản ánh, hiện nay công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI (artificial intelligence) giúp ích được rất nhiều trong đời sống, tuy nhiên những kẻ xấu đã lợi dụng công nghệ AI để tạo ra hình ảnh sao chép giọng nói. Từ việc chiếm đoạt tài khoản Facebook, Instagram... rồi nghiên cứu tin nhắn, cách xưng hô, lịch sử giao dịch... để tạo ra những cuộc gọi giả và lừa tiền người thân, gia đình của tài khoản bị hack hoặc gọi điện trực tiếp cho bị hại để dựng lên những tình huống khẩn cấp cần chuyển tiền. Theo phản ánh của người dân, đã có rất nhiều vụ việc tương tự trên thế giới và hiện ở Việt Nam cũng đã xuất hiện. Điểm chung của những thủ đoạn trên đó là "tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu, người thân phạm tội bị cơ quan chức năng bắt giữ, đang cần tiền để giải quyết. Đang khó khăn trong công việc cần một khoản tiền để giải quyết nhanh rồi sẽ trả lại sau...".
 
Bên trên