Màn hình game tần số quét 165 Hz giá rẻ

Quang Minh

Well-known member
T-Wolf TW-F27IFHD sử dụng tấm nền IPS tần số quét cao trong tầm giá 3 triệu đồng, viền mỏng nhưng cách bố trí dây kết nối chưa hợp lý.
8

Thị trường màn hình game giá dưới 5 triệu đồng đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam với sự góp mặt từ nhiều thương hiệu lớn như LG, Acer, Gigabyte đến các hãng ít tên tuổi hơn như HKC, AOC, Dahua hay T-Wolf. Người dùng không khó tìm màn hình tần số quét 165 Hz ở phân khúc giá 3 triệu đồng, nhưng đa số đều nhỏ 23,8 inch hoặc sử dụng tấm nền VA. TW-F27IFHD là model hiếm hoi trong phân khúc có kích thước 27 inch, tấm nền IPS. Đây cũng là mẫu có tần số quét cao nhất trong dải sản phẩm của T-Wolf tại Việt Nam.

TW-F27IFHD có độ phân giải vẫn dừng ở Full HD - thông số khó đòi hỏi nhiều hơn ở tầm giá. Thời gian phản hồi 1 ms, tần số quét 165 Hz tối ưu cho game thủ, hỗ trợ công nghệ Freesync Premium Pro HDR, giảm hiện tượng xé hình và tự động điều chỉnh thích ứng sự chênh lệch giữa tốc độ khung hình của card đồ họa và màn hình.

So với các đối thủ, việc sử dụng tấm nền IPS cho khả năng hiển thị màu sắc tốt, góc nhìn rộng 178 độ và tuổi thọ cũng cao hơn tấm nền VA. Nhược điểm của IPS thường là tần số quét thấp so với VA hay TN, nhưng với 165 Hz, sản phẩm đủ đáp ứng cho game thủ với mức chi phí bỏ ra. Các thông số khác của màn hình gồm độ tương phản 1.000:1 và độ sáng ở mức trung bình 350 cd/m2.


Giao diện điều khiển của màn hình T-Wolf có thể hiển thị các thông số đầu vào của kết nối hiện tại. Người dùng có lựa chọn tiếng Việt bên cạnh tiếng Anh nhưng phông chữ chưa đẹp, đặc biệt với từ có dấu. Bù lại, giao diện dễ dùng và quan sát được tổng thể các cài đặt. Sản phẩm có chế độ riêng cho game với các thay đổi về màu sắc, tần số quét cho phù hợp với đầu vào.

TW-F27IFHD có viền khá mỏng, dày hơn một chút ở cạnh dưới và kiểu chân góc cạnh nhưng không đậm chất game thủ giống các model cùng phân khúc như LG 27GQ50F-B, HKC MG27F4 hay Dahua DHI-LM27-E230C. Phần chân cũng được kết nối cố định, không thể xoay dọc hay đổi góc, tăng hạ chiều cao.

Các nút bấm cứng ở dưới màn hình, dễ thao tác hơn một số model sử dụng nút cảm ứng. Phần viền gia công khá tốt, cùng mặt phẳng với màn hình bên trong cho cảm giác hiện đại.


TW-F27IFHD được làm mỏng ở phần trên trong khi dồn hết linh kiện xuống dưới. Sản phẩm có độ mỏng tốt một phần do đưa bộ đổi nguồn ra bên ngoài thay vì cắm điện 220 V trực tiếp. Thiết kế màn hình của T-Wolf khá bắt mắt nhưng chưa thực sự linh hoạt do chỉ có thao tác điều chỉnh độ nghiêng màn hình.

Mặt sau với hai phần lưới hai bên hông thoạt nhìn giống hệ thống loa ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là phần thiết kế tạo điểm nhấn, thoát nhiệt và màn hình cũng không có loa tích hợp. Sản phẩm tương thích với các giá đỡ dùng chuẩn ngàm VESA 75 x 75 mm.
Trước

Bấm để lật ảnh sau/trước
Sau


Có nhiều ưu điểm về thông số nhưng TW-F27IFHD gây khó hiểu với phần thiết kế cổng kết nối. Màn hình hỗ trợ hai cổng HDMI, một cổng Display Port, một giắc cắm tai nghe và giắc cắm nguồn bên dưới. Khi cắm, phần dây nguồn và HDMI rất dễ bị lộ ra ngoài, giảm tính thẩm mỹ. Nếu đề cao sự gọn gàng, người dùng sẽ phải chọn các mẫu dây HDMI với đầu gập trong khi vấn đề không thể giải quyết với chính giắc nguồn đi kèm của T-Wolf.
TW-F27IFHD có giá 4,2 triệu đồng nhưng giá thực mua tại các hệ thống máy tính là hơn 3 triệu đồng, rẻ hơn một chút so với HKC MG27F4, E-Dra EGM27F2 hay VSP IP2703S với cùng các thông số chính.
 
Bên trên