Nguy cơ và hệ lụy từ chủ nghĩa ‘phân biệt tài năng’

Hải Vy

Well-known member
Một hiểm họa đang lộ rõ là sự phân biệt tài năng nhân danh ‘chế độ nhân tài’ đã được học giả Michael Sandel đề cập trong cuốn ‘Tính chuyên chế của chế độ nhân tài. Lợi ích chung sẽ ra sao?’
Mọi sự phân biệt - cho dù là khía cạnh nào, trong xã hội loài người cũng là nguồn cơn của bất công, xung đột và bi kịch trên quy mô lớn. Phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt tôn giáo, phân biệt ngoại hình… đều đang hiện hữu bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của những con người tiến bộ muốn hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.
Không thể phủ nhận những bước tiến vượt bậc chúng ta đã đạt được từ nỗ lực gỡ bỏ ảnh hưởng độc hại của các hình thức phân biệt bất công trong xã hội.
Thế nhưng, đời sống không ngừng vận động và luôn xuất hiện các hình thức phân biệt mới, có thể khó nhận ra hơn nhưng mức độ tiêu cực cũng như hệ lụy tạo ra ghê gớm không kém. Một trong những hiểm họa ngấm ngầm đang thể hiện hậu quả ngày càng rõ là sự phân biệt tài năng nhân danh “chế độ nhân tài” - một điều tưởng chừng vô lý nhưng lại rất thực tế được học giả Michael Sandel đề cập tới trong cuốn sách Tính chuyên chế của chế độ nhân tài. Lợi ích chung sẽ ra sao? (The tyranny of merit. What’s become of the common good?)
'Tính chuyên chế của chế độ nhân tài' nêu bật thực tế đáng buồn tại Mỹ và là bài học tham khảo cho nhiều quốc gia khác.
Sử dụng con người theo năng lực, trọng dụng tài năng về nguyên tắc là điều sáng suốt, được đề cao từ cổ chí kim trong mọi nền văn hóa, văn minh của nhân loại. Nhưng có lẽ thực tế luôn có độ chênh so với lý tưởng. Và trong chủ đề “trọng dụng nhân tài”, Michael Sandel đã nhìn ra độ chênh đó, không chỉ hiện hữu mà còn rất nghiêm trọng, từ cái nhìn phản biện gay gắt nhưng khách quan của mình.
Trong Tính chuyên chế của chế độ nhân tài, tác giả nêu bật thực tế đáng buồn tại nước Mỹ, nơi ông tập trung phân tích “chế độ nhân tài” giờ đây chỉ còn là tấm lá chắn che đậy cho một hình thức phân biệt đối xử; khi mà tiêu chí đánh giá thế nào là nhân tài bị đông cứng lại với sự thành công về học vấn tại các trường đại học danh giá hàng đầu. Đây là thứ tiêu chí ngày càng xa xỉ và nằm ngoài tầm với của đa số người Mỹ.
Theo Michael Sandel, có tới hai phần ba người Mỹ không có bằng cấp từ cử nhân hay tương đương trở lên. Thay vì cổ vũ cho sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận và vươn lên thông qua sự nỗ lực của mỗi người thì “chế độ nhân tài” đang trở thành đặc quyền của thiểu số có vị trí thuận lợi và liên tục củng cố, duy trì vị trí đặc lợi này không chỉ cho bản thân mà cả con cái họ. Nó trở thành nguyên nhân đào sâu hố ngăn cách xã hội, triệt tiêu cơ hội dịch chuyển lên các nấc thang cao hơn của những người có xuất phát điểm bất lợi.
“Chế độ nhân tài” độc đoán đã hợp thức hóa sự bất bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển bản thân bằng cách quy trách nhiệm cho những người thuộc tầng lớp thu nhập thấp là nguyên nhân gây ra sự thua thiệt của chính mình; hạ thấp ý nghĩa, giá trị của sự cần cù, cống hiến cho xã hội. Trong khi lại tôn vinh thái quá những người làm giàu trước hết cho cá nhân họ, nhiều khi bất chấp tổn hại gây ra cho cộng đồng.
Từ phân tích thực tế đó, Michael Sandel liên hệ sự đứt gãy nội tại các mối quan hệ, các giá trị truyền thống tại Mỹ do chế độ nhân tài chuyên chế gây ra ngày càng trầm trọng. Lợi ích của giới tinh hoa không những xa rời phần còn lại, mà thậm chí xa rời lợi ích quốc gia, còn chính phủ Mỹ thì gần như không có động thái nào điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng một cách hiệu quả.
Hệ quả đáng ngại nhất là số đông “chậm chân” đang chìm đắm vào tâm trạng bế tắc, tự ti của những kẻ thua cuộc, bất mãn và phẫn nộ trước sự cao ngạo của thiểu số thành đạt luôn giữ chắc đặc quyền. Hơn bao giờ hết, sự trở lại với nguyên tắc công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục, đào tạo cơ bản; trong việc được thừa nhận, đánh giá đúng sự cống hiến của cá nhân với cộng đồng chính là điều cần thiết giúp cho mỗi người đều có tiếng nói, chỗ đứng và cơ hội được sống tử tế.
Với bối cảnh toàn cầu hóa sâu sắc, những gì Michael Sandel đề cập tới trong Tính chuyên chế của chế độ nhân tài. Lợi ích chung sẽ ra sao? về thực tế xã hội Mỹ cũng có thể là bài học tham khảo cho mỗi quốc gia để tránh khỏi những hệ quả tiêu cực do sự phân biệt đối xử về năng lực dưới danh nghĩa “chế độ nhân tài”.
Lê Đình Chi
Tablet Plaza cảm ơn bạn đã đọc bài sưu tầm.
Em bán: Samsung A34 128G 5G: 5.990.000 đ
Mua ngay: https://tabletplaza.vn/dien-thoai/samsung-galaxy-a34-5g-128gb/
Liên hệ: 0947.711.881 (Zalo và Whatsapp)
 
Bên trên