‘Hơn 30 tuổi, tôi vẫn mơ bị cô giáo gọi lên kiểm tra bài cũ’

Lê Trần Chiêu

Well-known member
Dù đã đi làm hơn chục năm, chị Hải vẫn nhớ như in những ngày còn học cấp 2, mỗi lần vào đầu tiết luôn nơm nớp lo sợ bị cô giáo kiểm tra bài cũ. Cho đến tận bây giờ, khi nằm ngủ mơ về thời học sinh, thi thoảng chị vẫn giật mình vì ám ảnh.

Theo ông Hiếu điều này gây áp lực, căng thẳng cho học sinh khi đến trường cũng như không mang lại kết quả trong học tập. Yêu cầu này nhận được không ít sự đồng tình.

“Ngày xưa, mỗi lần cô giáo giở sổ rà cây bút để gọi tên học sinh lên bảng kiểm tra bài cũ, tôi lại thấy lo lắng, áp lực đến đau bụng”, chị Minh Hải (sinh năm 1989, Hà Nội) nhớ lại.

Mỗi lần như thế, chị thường tìm cách cúi rạp xuống bàn hoặc ẩn sau lưng bạn để cô giáo không nhìn thấy mình. Với thế hệ 8X như chị, ám ảnh nhất là khi không thuộc bài, bị cô giáo ghi vào sổ. Thậm chí, có những bạn vừa không thuộc bài lại không ghi chép bài học tiết trước còn bị bắt quỳ cạnh bảng, cuối tuần sinh hoạt lớp sẽ bị “bêu tên”.

“Thời đi học, tôi cực khổ vì chuyện học hành. Môn học này chưa qua, tâm lý lại lo sợ cho đầu môn học khác. Mỗi lần kiểm tra bài cũ không ai dám nhìn thẳng vào thầy cô. Mặt người nào người nấy lấm lét kiểu gì cũng bị gọi lên bảng trả bài".

Thuộc diện học khá trong lớp nhưng mỗi lần vào đầu các tiết, nhất là môn Lịch sử, chỉ cần cô giáo nhìn qua chị Hải đã thấy sợ. “Có lần cô gọi lên bảng kiểm tra bài cũ, rõ ràng ở nhà mình đã học thuộc, nhưng đứng trước lớp tôi vẫn run cầm cập không nhớ được gì. Song đến khi xin cô cho viết lên bảng, tôi lại viết đủ từng chữ”, chị Hải kể.

Theo chị Hải, việc kiểm tra bài cũ không sai, nhưng hình thức kiểm tra miệng như vậy khiến người học cảm thấy áp lực. Thói quen học tập trong quá khứ cũng khiến nhiều người dù đi làm vẫn rụt rè không dám phát biểu quan điểm của bản thân vì sợ sai.


Giống như chị Hải, anh Đức Hiếu (sinh năm 1990, Thái Bình) cũng ám ảnh mỗi khi nhớ về những lần kiểm tra bài cũ. “Sợ nhất là ánh mắt cô giáo liếc về phía mình hoặc chỉ cần đọc họ, tên đệm đã thấy “rớt tim ra ngoài”. Lớp tôi có mấy người cùng họ và tên đệm. Chỉ đến khi cô đọc qua tên khác mới dám thở phào nhẹ nhõm”, anh Hiếu nhớ lại.

Lên lớp 8, khi đã hiểu cách thức giáo viên kiểm tra bài cũ, anh tìm ra “mánh khóe” để trốn việc hỏi bài. Ngay từ đầu kỳ, khi lượng kiến thức còn ít và dễ, anh thường tranh thủ xung phong được kiểm tra bài cũ trước.

Nhờ vậy, điểm bao giờ cũng cao và khiến giáo viên ấn tượng, nhớ mặt. Những tiết sau vì đã có điểm miệng nên anh không còn thấy lo sợ nữa. Trong trường hợp rà theo danh sách, chẳng may bị gọi lại, khi giáo viên nhìn thấy mặt quen cũng sẽ bỏ qua để gọi người khác.

Cũng có những hôm khác chưa kịp học bài cũ, anh thường tìm lý do làm các công việc giúp lớp như đi giặt giẻ lau bảng, đi bê ghế vào phòng hội đồng… để trốn ra ngoài chờ qua 5 - 10 phút đầu tiết.

Giờ đây khi nhớ lại, anh Hiếu thấy việc kiểm tra bài cũ “vừa vô tác dụng lại gây hại nhiều hơn có lợi”.

“Điều này gây ra căng thẳng và áp lực cho học sinh. Thậm chí nó còn vô dụng vì có những em học thật thuộc bài một hôm, sau đó xung phong lên lấy điểm 9 – 10 rồi ung dung không cần học những buổi sau vì mình đã có điểm. Việc trả bài như vậy cũng không còn ý nghĩa là tạo động lực học hành”.

“Bài cũ nên hỏi, nhưng cần thực hiện theo cách khác”

‘Sổ Nam Tào” là cách chị Ngô Như Ngọc (sinh năm 1987, Hà Nội) gọi tên khi nhắc tới cuốn sổ điểm của giáo viên nhiều năm về trước. Dù giờ đây, khi cũng trở thành cô giáo đứng trên bục giảng, chị Ngọc vẫn ám ảnh với những lần kiểm tra bài cũ.

“Cô giáo mở “sổ Nam Tào”, rà từ trên đến đoạn giữa vần "N" là tim tôi đập loạn xạ. Đến khi cô tiếp tục rà từ dưới lên rồi chấm một phát, cả bọn tiếp tục run cầm cập. Chỉ khi nào cô gấp sổ dạy bài mới, cả lớp mới thở phào nhẹ nhõm”.

Luôn là học sinh giỏi top đầu của lớp nhưng với chị Ngọc, hôm nào chẳng may nhớ nhầm thời khóa biểu, đúng vào môn chưa học bài là lại lo lắng bị cô giáo gọi lên bảng. Vì ám ảnh, đến khi lấy chồng sinh con, chị nhất quyết không đặt tên con có chữ “A” ở đầu danh sách.

Đến khi đi dạy, chị Ngọc nhận thấy việc gọi 2 – 3 học sinh lên trả bài nhưng không thuộc vừa mất thời gian lại khiến thầy cô thêm ức chế. Học sinh cũng sẽ ngại ngùng với bạn, sau đó hình thành tư tưởng học vẹt, học đối phó. Vì thế, chị Ngọc luôn trăn trở làm thế nào để không cần kiểm tra bài cũ vẫn khiến học trò nhớ bài.

“Tôi đã thử thay thế bằng các hoạt động ôn tập khác như chuyển sang thảo luận đầu giờ nhằm giúp học sinh mở rộng và suy luận vấn đề. Nhưng tôi cũng phải chấp nhận thực tế có thể rơi rụng những học sinh lười học, kém ý thức”.

Bản thân chị cũng nhận thấy, cái khó của giáo viên là phải tạo áp lực vừa đủ để học sinh tự học, nhưng vẫn phải tạo sự gần gũi, vui vẻ để tăng sự hứng thú, thu hút tập trung, từ đó sẽ tạo hiệu quả một cách tự nhiên.

“Hiện tại, tôi đang áp dụng cách cho cả lớp cùng tham gia trò chơi trả lời quiz với khoảng 5 – 7 câu hỏi vào đầu giờ và có thưởng. Cách làm này khá hiệu quả khi giúp học sinh vừa nhớ bài cũ, lại khiến không khí đầu buổi học thêm sôi nổi.

Tôi nghĩ rằng, “giáo dục là thắp lửa chứ không phải đổ đầy”, do đó phải kích thích được sự tìm tòi, hứng thú khi học, từ đó các em tự khắc sẽ học thay vì bị ép buộc, gây căng thẳng".

Tablet Plaza cảm ơn bạn đã đọc bài sưu tầm.
Em bán: iPhone 12 pro max 128G : 14.990.000 đ
Mua ngay: https://tabletplaza.vn/dien-thoai/iphone-12-pro-max-128gb-vi/
Liên hệ: 0947.711.881 (Zalo và Whatsapp)
 
Bên trên