10 cách thư giãn ngày hè giúp trẻ thông minh hơn

Minh Thư

Well-known member
Mùa hè là thời gian tuyệt vời để nghỉ ngơi, thư giãn và đây cũng là thời điểm thích hợp để rèn luyện cho trẻ em một số kỹ năng thiết yếu, giúp mở mang kiến thức.


Khuyến khích đọc sách
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đọc sách khiến trẻ em thông minh hơn, mở rộng vốn từ vựng, phát triển kỹ năng viết và cải thiện khả năng suy nghĩ.
Richard Allington, giáo sư ngành giáo dục tại Đại học Tennessee (bang Tennessee, Mỹ) cho biết nếu không muốn chi tiêu một số tiền khổng lồ vào việc mua sách, thì bạn có thể tận dụng thư viện công cộng, điểm bán sách cũ, các trang bán sách online trên mạng… để tìm được quyển sách trẻ yêu thích.


Chơi nhạc cụ
Bất cứ khi nào gặp khó khăn trong việc đưa ra các lý thuyết lớn, thì Albert Einstein, nhà bác học thiên tài người Mỹ gốc Đức, đều chuyển qua chơi piano để thư giãn đầu óc, tìm lại sự tập trung.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng âm nhạc không chỉ nâng cao tư duy não bộ mà còn giúp rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉnh táo, sáng suốt để dễ dàng giải quyết mọi vấn đề.
Tập thể dục cùng trẻ
Nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí Pediatrics chỉ ra rằng cho trẻ thực hiện một số bài tập thể dục cơ bản sau mỗi buổi học trong vòng một năm giúp nâng cao khả năng tập trung trí não, linh hoạt hơn trong việc giải quyết vấn đề.
Những đứa trẻ rèn luyện sức khỏe thường xuyên có điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra thể lực lẫn trí lực.

Tập thể dục chung giúp tình cảm giữa cha mẹ và trẻ thêm gắn bó
Ngủ đủ giấc
Trẻ em có thể không cần phải thức dậy sớm để đi học trong mùa hè, nhưng tất cả đều phải được đi ngủ đúng giờ.
Theo nghiên cứu từ Đại học Tel Aviv (Israel), nếu như một học sinh lớp 6 thiếu ngủ một giờ đồng hồ thì khả năng học tập sẽ chỉ bằng học sinh lớp 4 có giấc ngủ đầy đủ.
Tiến sĩ Avi Sadeh, trưởng nhóm nghiên cứu, nói với tạp chí New York Magazine rằng: “Một giờ của giấc ngủ tương đương với hai năm trưởng thành, phát triển nhận thức”.
Giấc ngủ rất quan trọng, vì thế hãy tạo cho trẻ có được giấc ngủ tốt nhất, góp phần phát triển nhanh về cả thể chất lẫn tinh thần.
tin liên quan
6 thói quen các tỉ phú thường làm trước khi đi ngủ
Chúng ta thường được nghe về vô số những câu chuyện, tấm gương những người thành công. Bí quyết của họ chính là hình thành kỷ luật, thói quen tốt trong đời sống hằng ngày.

Tham gia hoạt động rèn luyện lòng can đảm
Sự kiên trì, bền bỉ giúp ta dễ dàng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Tiến sĩ tâm lý học Angela Lee Duckworth thấy rằng các học sinh đạt được thành tích cao đều là những nguời đã được rèn luyện tính gan góc, đối diện với khó khăn liên tục. Hãy khuyến khích trẻ tập một số môn võ thuật như karate, taekwondo... hoặc chơi trò giải câu đố ô chữ. Điều này sẽ giúp nhận ra được những giá trị của việc đầu tư thời gian và năng lượng cho một mục tiêu lâu dài.
Khi năm học mới gần kề, những đứa trẻ nào đã sẵn sàng cho việc dấn thân, học tập chăm chỉ thì sẽ dễ dàng tiến đến gần thành công hơn.

Bạn bè luôn mang lại những hiệu ứng tích cực

Tìm bạn đồng hành cho trẻ
Một cuộc nghiên cứu về hành vi của sinh viên đại học cung cấp cho các bậc phụ huynh một số lời khuyên khôn ngoan. Theo đó, khi học sinh có GPA (Grade Point Average, điểm trung bình đánh giá sinh viên theo hệ thống giáo dục Mỹ) thấp sống chung phòng với học sinh có GPA cao, thì chúng sẽ được ảnh hưởng những phẩm chất, đức tính tốt, từ đó có tiến bộ rõ rệt trong đời sống sinh hoạt, học tập.
Phương pháp này cũng có hiệu ứng tương tự với trẻ em: việc giao tiếp thường xuyên với những ai thông minh, có phẩm chất đạo đức tốt sẽ giúp ảnh hưởng, hình thành những thói quen tốt, tích cực.
Quan niệm cho rằng trẻ em dễ dàng bị ảnh hưởng bởi môi trường tốt hay xấu luôn đúng đắn, chính xác.
tin liên quan
5 cách để tăng kết nối tình cảm gia đình
Không gì tuyệt vời hơn việc có thể dành thời gian với các thành viên trong gia đình, cùng họ xây dựng, vun đắp và bảo vệ tổ ấm bé nhỏ của mình.

Chơi game
Chơi game có thể giúp trẻ nâng cao khả năng tư duy linh hoạt, phát triển kỹ năng nhận thức. Tuy nhiên, cần biết cách cân bằng giữa việc chơi và tập trung thời gian cho việc học.
Mặt khác, nếu cha mẹ biết cách điều hướng trẻ chơi các trò mang tính thử thách trí tuệ, có mục tiêu cụ thể, thì sẽ có thể phát triển thêm các kỹ năng giải quyết vấn đề, từ đó giải quyết dễ dàng các bài kiểm tra, câu đố.
Học ngôn ngữ mới
Ba tháng hè có thể không đủ, nhưng ba mẹ và trẻ có thể sử dụng một số ứng dụng miễn phí trên thiết bị thông minh để bắt đầu học một ngôn ngữ mới.

Học ngoại ngữ vào mùa hè là ý tưởng không tồi
Nghiên cứu năm 2015 của Đại học Georgetown (thủ đô Washington D.C., Mỹ) đã khám phá ra rằng bộ não của những người nói hai ngôn ngữ trở lên phát triển cao hơn người chỉ nói một ngôn ngữ duy nhất. Trên thực tế, điều đó đồng nghĩa với việc có trí nhớ tốt hơn, khả năng tập trung, tự kiểm soát cao.
Đăng kí khóa học online
Sự tò mò của trẻ em là vô hạn, ba mẹ đôi khi không đủ kiến thức để đáp ứng, giải đáp hết những câu hỏi đầy thú vị, bất ngờ đó.
Các trường đại học như MIT (Mỹ), hay chương trình Khan Academy đều có cung cấp danh mục các bài giảng, khóa học miễn phí, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Nếu một đứa trẻ có thắc mắc về cuộc sống, vũ trụ, hãy hướng dẫn chúng đến học một trong những khóa học online này để có các lời giải đáp thật rõ ràng, chi tiết.

tin liên quan
10 khoảnh khắc đáng yêu của Tổng thống Obama với trẻ em
Những khoảnh khắc đáng yêu khi Tổng thống Mỹ Barack Obama dành thời gian chơi đùa cùng trẻ em sẽ khiến trái tim của bạn tan chảy.
Thoải mái vui chơi
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học sinh Phần Lan dành ít thời gian cho việc học ở trường hơn tất cả các nước phát triển khác. Điều đó phản ánh một nền tảng quan trọng khác trong nền giáo dục nước này.
Theo đó, học sinh chỉ bắt đầu đi học từ năm 7 tuổi. Quan điểm giáo dục ở đây là: trước tuổi thứ bảy, trẻ có thể học được nhiều nhất khi đang chơi đùa, và khi đã đến trường chúng sẽ hoàn toàn thích thú với việc học.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc trì hoãn các hình thức truyền thống của giáo dục tạo điều kiện cho trẻ em có nhiều thời gian để tự rèn luyện suy nghĩ, phát triển trí tuệ, bồi dưỡng cảm xúc.
Bên cạnh đó, những khi học tập quá mệt mỏi, hãy cho phép trẻ được nghỉ ngơi, thư giãn, để duy trì thái độ học tập lành mạnh, tích cực.
 
Bên trên