3 lý do không nên uống cà phê khi bụng đói

TRUONGTRINH

Well-known member
Bạn có nguy cơ gặp các vấn đề về tiêu hóa, tăng nồng độ hormone căng thẳng, lo lắng, bồn chồn, tim đập nhanh nếu uống cà phê khi bụng đói.


Với nhiều người, cà phê giúp tỉnh táo, giảm mệt mỏi. Nhiều nghiên cứu đã xác định caffeine trong cà phê giúp cải thiện tâm trạng, chức năng não. Trong một số trường hợp, loại đồ uống này có thể thúc đẩy giảm cân, bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh như tiểu đường, Alzheimer và bệnh tim.

Một số người có thói quen nhâm nhi ly cà phê vào buổi sáng. Tuy nhiên, uống cà phê khi bụng đói có thể gây hại cho sức khỏe, dẫn tới các vấn đề về tiêu hóa, hormone căng thẳng hay hồi hộp, tim đập nhanh...


Cà phê kích thích sản xuất axit dạ dày. Ảnh: Freepik


Cà phê kích thích sản xuất axit dạ dày, không nên uống lúc đói. Ảnh: Freepik


Vấn đề tiêu hóa

Cà phê chứa nhiều loại axit khác nhau chẳng hạn như chlorogenic, N-alkyl-5-hydroxytryptamine, các hợp chất này đều làm tăng sản xuất axit dạ dày. Axit dạ dày có vai trò phân hủy thức ăn, giúp thức ăn di chuyển dễ dàng qua đường ruột và các chất dinh dưỡng hấp thụ vào cơ thể tốt hơn. Sự gia tăng axit dạ dày làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.

Vị đắng của cà phê cũng có thể kích thích sản xuất axit dạ dày. Do đó, uống cà phê khi bụng đói làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn đường ruột như hội chứng ruột kích thích (IBS). Cà phê còn gây ra chứng ợ nóng, loét, buồn nôn, trào ngược axit, khó tiêu... vì lúc này trong bụng không có thức ăn nào giúp ngăn axit làm hỏng niêm mạc dạ dày.

Nếu bạn gặp các vấn đề về tiêu hóa sau khi uống cà phê khi bụng đói nhưng không gặp phải tình trạng này khi đã ăn đầy đủ, nên cân nhắc điều chỉnh lượng cà phê và thời điểm uống phù hợp.

Tăng nồng độ hormone căng thẳng

Cortisol được sản xuất bởi tuyến thượng thận, giúp điều chỉnh trao đổi chất, huyết áp và lượng đường trong máu. Tuy nhiên, cortisol nếu được sản xuất quá mức quá dễ gây ra các vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim, loãng xương.

Thông thường mức độ cortisol đạt đỉnh tự nhiên vào khoảng thời gian bạn thức dậy, giảm dần trong ngày và đạt đỉnh trở lại trong giai đoạn đầu của giấc ngủ buổi tối. Cà phê có tác dụng kích thích sản xuất cortisol. Vì vậy, một số người uống cà phê khi đói nhận thấy nồng độ hormone căng thẳng cortisol tăng cao.

Việc tăng hormone căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến não. Lượng cortisol dư thừa sẽ gây viêm. Khi các tế bào miễn dịch giảm nhạy cảm với các hiệu ứng hormone, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường, Alzheimer và ung thư. Một hậu quả khác của tăng hormone căng thẳng mạn tính là gây tăng cân không kiểm soát.

Các tác dụng phụ tiềm ẩn khác

Uống cà phê khi đói có thể làm thay đổi chất hóa học trong não, gây lo lắng, bồn chồn, tim đập nhanh, hoảng loạn. Nhiều người thường bị đau đầu, đau nửa đầu và huyết áp cao nếu uống cà phê khi chưa ăn gì.

Các chuyên gia khuyến cáo mọi người chỉ nên uống khoảng 400 ml cà phê mỗi ngày và ăn no trước khi thưởng thức loại đồ uống này. Một số món ăn có thể kết hợp với cà phê đó là sữa chua, trứng chiên, bánh mì kẹp thịt, bánh mỳ chuối, bánh nướng...

Anh Chi (Theo Healthline)
 
Bên trên