4 phiên bản bánh canh phải một lần ăn thử ở Huế

Thanh Tuấn

Well-known member
Bánh canh Nam Phổ

Bánh canh Nam Phổ là một trong những món ăn đường phố quen thuộc ở Huế, có nguồn gốc từ làng Nam Phổ (Phú Thượng, Phú Vang, Huế).

Quá trình chế biến thứ nước dùng đặc sệt của bánh canh Nam Phổ hết sức cầu kỳ, tốn công hơn các loại bánh canh sử dụng nước dùng dạng lỏng. Điều tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn này là phần nước dùng sử dụng vỏ tôm tươi luộc cùng xương heo, thêm nước mắm và mắm ruốc để tạo mùi vị đặc trưng.

Bánh canh Nam Phổ có nước dùng đặc sệt. Ảnh: Thuỳ Dung
Bánh canh Nam Phổ có nước dùng đặc sệt. Ảnh: Thuỳ Dung
Phần mọc tôm beo béo, sợi bánh canh mềm dẻo làm bằng bột lọc, kết hợp cùng nước dùng sền sệt, sánh đưa đẩy vị giác vô cùng.

Một số quán bánh canh Nam Phổ ngon tại Huế nằm trên đường Bà Triệu, Phạm Hồng Thái, chợ Đông Ba... Giá mỗi bát bánh canh từ 25 - 35.000 đồng.

Bánh canh cua rời

Bánh canh cua rời được biến tấu từ món bánh canh truyền thống. Món ăn này không sử dụng các nguyên liệu đặc trưng như thịt heo, huyết... mà thay bằng thịt cua và chả cua. Cua phải chọn loại to, tươi sống, chắc thịt.

Phần nước dùng được nêm nếm vừa ăn, có vị ngọt tự nhiên, đậm đà từ gạch cua ninh với xương, cuốn hút đến khó cưỡng. Sợi bánh canh được làm từ bột gạo, thái thành từng sợi nhỏ nên có độ dai và dẻo.

Bánh canh Cua Rời được biến tấu mang một nét riêng. Ảnh: Foody
Bánh canh cua rời được biến tấu mang một nét riêng. Ảnh: Foody
Trong tiết trời mùa thu mát mẻ, một tô bánh canh cua rời khiến thực khách phải xuýt xoa khen ngợi. Trên đường Phạm Hồng Thái ở thành phố Huế có vài quán bánh canh cua rời, giá từ 35.000 - 45.000 đồng/bát.

Bánh canh cá lóc

Bánh canh cá lóc ở Huế có cách chế biến hơi khác với các vùng miền khác. Phần thịt cá được ướp chung với mắm ruốc, nêm nếm thêm gia vị vừa ăn, để cho ngấm trong khoảng 2 tiếng rồi mới đem chiên vàng.

Món ăn này gồm sợi bánh canh làm từ bột gạo mềm dai, dẻo. Nước dùng hầm xương ống heo với phần đầu, xương của cá lóc, nên có vị đậm đà ngọt thanh.

Bánh canh cá lóc là một trong những món ăn phổ biến ở các tỉnh miền Trung. Ảnh: Mỹ Tho
Bánh canh cá lóc là một trong những món ăn phổ biến ở các tỉnh miền Trung. Ảnh: Mỹ Tho
Một bánh canh cá lóc bốc hơi nghi ngút, ăn kèm các loại rau sống tươi ngon tổng thể tạo nên hương vị tuyệt vời.

Ở Huế, một số hàng bánh canh cá lóc ngon nằm trên đường Dương Văn An, Điện Biên Phủ, Đinh Công Tráng... Giá mỗi bát từ 35.000 - 40.000 đồng/bát.

Bánh canh bột lộn

Bánh canh bột lộn là món ăn giản dị, xuất phát từ những vùng quê xa xôi và chỉ duy nhất ở Huế mới có. Bột lộn là thứ bột “thừa” trong quá trình làm bột lọc. Tuy nhiên, bột lộn dài hơn, hương vị chua hơn và có màu hơi khác so với bột lọc.

Gọi là bột lộn vì nó mang nghĩa là sự lẫn lộn, pha trộn giữa màu trắng tinh của bột lọc nước cuối và màu đen lợn cợn do không được lọc kỹ. Bột lộn được cắt thành những hình vuông nhỏ vừa ăn, nhằm giảm bớt độ dai.

Một tô bánh canh bột lộn sẽ gồm huyết, da heo, trứng cút, sợi bánh canh bột lộn và chả viên làm từ thịt heo xay trộn chung với thịt của con rạm. Ảnh: Foody
Một tô bánh canh bột lộn sẽ gồm huyết, da heo, trứng cút, sợi bánh canh bột lộn và chả viên làm từ thịt heo xay trộn chung với thịt của con rạm. Ảnh: Foody
Nước dùng cho món bánh canh bột lộn cũng hơi khác so với các món bánh canh khác, đó là phải sử dụng con rạm (hay còn gọi là con đam) được bắt ở những đồng ruộng. Con rạm khi nấu cùng xương heo, thịt nạc sẽ tạo ra hương vị ngọt thanh lạ miệng.

Bánh canh bột lộn không quá phổ biến, không có nhiều nơi bán. Đầu đường vào chợ Cống (đường Bà Triệu, Xuân Phú, TP. Huế) có 2 gánh hàng nhỏ bán bánh canh bột lộn, giá chỉ từ 5.000 đồng - 20.000 đồng/bát.
 
Bên trên