5 thói quen của bố mẹ tàn phá sự tập trung của con, nên bỏ ngay

Nguyễn Mai

Well-known member
Bệnh mất tập trung ở trẻ em khá phổ biến và ảnh hưởng lớn đến học tập và phát triển não bộ của trẻ.


Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao trẻ lại dễ mất tập trung như vậy mà không nhận ra đôi khi nguyên nhân lại đến từ người lớn.

1. Con mất tập trung vì cha mẹ "tốt bụng" không đúng lúc

Khi trẻ đang nghiêm túc học bài hoặc làm việc gì đó, một số cha mẹ rất sát sao với con cái và luôn tỏ sự quan tâm tới chúng bằng nhưng câu hỏi hay đề nghị đầy "thiện ý" như: con có muốn uống nước không mẹ lấy cho, bài có khó không con? Con làm được mấy bài rồi….

Và khi trẻ nhận được thông tin từ cha mẹ thì khả năng tập trung của trẻ bị ảnh hưởng. Vì vậy mà trẻ không còn có thể hoàn thành một việc tập trung như lúc ban đầu. Theo thời gian, sự tập trung của bọn trẻ sẽ bị phá hủy bởi sự "tốt bụng" của bạn.

5 thói quen của bố mẹ tàn phá sự tập trung của con, nên bỏ ngay - 1

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao trẻ lại dễ mất tập trung như vậy mà không nhận ra đôi khi nguyên nhân lại đến từ thói quen của cha mẹ. Ảnh minh họa

2. Con mất tập trung vì cha mẹ giúp đỡ quá mức

Có phụ huynh mua bộ logo cho con trai. Sợ con không thể hoàn thành nên đã giúp cậu bé lắp ghép cho đến khi thành công. Tưởng khi làm xong, con trai sẽ cảm kích nhưng cậu đã phá tung thành quả của hai bố con. Ông bố tức giận hỏi nguyên nhân, cậu bé nói: "Không cần những thứ không phải do con tự tay làm".

Sự tập trung của trẻ cần được cải thiện dần trong quá trình "khám phá cá nhân". Giúp đỡ quá mức từ cha mẹ đôi khi chỉ làm gián đoạn sự tập trung và làm suy giảm sự quan tâm của trẻ. Người lớn vì quan tâm quá mức mà đôi khi thay trẻ lựa chọn đồ chơi, cách chơi thậm chí là bạn cùng chơi. Hành vi này làm trẻ bị áp lực và mất hứng thú thì không thể chuyên tâm được.

3. Con mất tập trung vì cha mẹ cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử thường xuyên

Cha mẹ muốn có được vài phút giây yên tĩnh, không bị con cái quấy phá, tưởng chừng việc đưa điện thoại cho con chơi rất thích hợp nhưng vô tình gây hại cho con mình.

Một số phụ huynh cho rằng, rõ ràng trẻ rất tập trung khi xem tivi, tại sao lại không có lợi cho sự phát triển khả năng tập trung của trẻ? Trẻ tập trung đến mức không gây ồn ào, vấn đề nằm ở đâu?

Điều này được giải thích là do các nội dung trên thiết bị điện tử quá nhiều màu sắc, tiết tấu nhanh, khiến trẻ khó lòng tập trung vào một điểm lâu. Một khi trẻ say mê vào những thứ có trong điện thoại, chúng thường khó tập trung vào việc học.

4. Bản thân cha mẹ mất tập trung và vô tình trở thành "tấm gương" cho trẻ

Cha mẹ luôn nói rằng con cái của họ không thể tập trung, nhưng họ không phát hiện ra chính bản thân mình cũng đang như vậy. Ví dụ như sau một ngày vất vả, họ muốn lướt mạng, chơi facebook … nhưng cũng muốn gần gũi với con dẫn đến thường xuyên làm song song 2 đến 3 việc cùng lúc.

Một số phụ huynh vừa chơi với con mình vừa theo dõi bạn bè trên điện thoại, nhắn tin với người thân nên không đạt được sự tập trung tuyệt đối và đó chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến bọn trẻ.

Trẻ em bẩm sinh đã có khả năng bắt chước rất mạnh, khi cha mẹ làm gì thì con cái cũng làm theo, chẳng hạn trẻ đang học lại quay ra vẽ vời hay chơi đồ chơi một chút, đang lau nhà lại đứng xem tivi…. Vì vậy, trong việc nuôi dạy con cái, cha mẹ nên làm gương cho trẻ, muốn con tập trung thì phụ huynh cũng cần nghiêm túc khi làm bất cứ việc gì đó.

5 thói quen của bố mẹ tàn phá sự tập trung của con, nên bỏ ngay - 2

Với nhiều phụ huynh, một phút không kiểm tra điện thoại chính là tra tấn. Ảnh minh họa

5. Con mất tập trung vì cha mẹ can thiệp vào các hành động của trẻ

Trong cuộc sống hằng ngày, mọi thứ trẻ làm sẽ góp phần tích lũy khả năng tập trung cho chúng, chẳng hạn như ăn, đọc và chơi đồ chơi. Bởi vì trong khi hoàn thành những hành vi này, trẻ cần sự chú tâm của bản thân và một chút bất cẩn sẽ dẫn đến những sai lệch.

Ví dụ, khi ăn não sẽ điều khiển tay, dùng tay cầm thìa để đưa thức ăn lên miệng. Một bữa ăn đòi hỏi trẻ phải lặp đi lặp lại nhiều lần hành động này, chỉ khi tập trung vào từng hành động thì chúng mới có thể ngày càng làm tốt hơn. Việc tích lũy kinh nghiệm này cũng rất quan trọng đối với trẻ.

Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ sẽ can ngăn con cái, thấy con ăn chậm họ nóng ruột muốn đút con ăn nhanh hơn. Thấy con học bài lâu, họ liên tục mắng nhiếc… không cho con cái cơ hội để tự bản thân chúng làm.

Kỹ năng ăn uống dù sớm hay muộn cũng có thể học được nhưng khả năng tập trung và tiềm thức của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trẻ không biết tập trung vào một việc là như thế nào, chưa nói đến việc chủ động khám phá và tích lũy khả năng.
 
Bên trên