AI giúp Nvidia tiến tới CLB nghìn tỷ USD thế nào

Từ Minh Quân

Well-known member
Cuộc đua AI giúp Nvidia đạt giá trị vốn hóa gần một nghìn tỷ USD nhờ bán chip đắt tiền cho các hệ thống huấn luyện trí tuệ nhân tạo.

Tuần qua, Nvidia báo cáo tài chính quý I/2023, nhắc đến "sự gia tăng đáng kinh ngạc" về nhu cầu chip xử lý cho các hệ thống AI thế hệ mới, đồng thời dự báo sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý tiếp theo. Sau thông báo, vốn hóa thị trường của Nvidia tăng 24% từ 750 tỷ USD lên 935 tỷ USD.

Tính đến cuối 27/5, giá cổ phiếu công ty đạt 390 USD, nâng vốn hóa lên gần 970 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 400 tỷ USD hồi tháng 1.

Chỉ trong 5 tháng, công ty chip Mỹ đã vượt Tesla và Facebook (lần lượt là 584,7 tỷ USD và 647,6 tỷ USD), đồng thời được dự đoán sớm gia nhập CLB nghìn tỷ USD với các "ông lớn" công nghệ Apple, Google, Microsoft và Amazon, cùng công ty dầu mỏ Saudi Aramco.

CEO Nvidia Jensen Huang giới thiệu mẫu GPU Nvidia Volta tại một sự kiện ở Las Vegas năm 2018. Ảnh: Reuters

CEO Nvidia Jensen Huang giới thiệu mẫu GPU Volta tại sự kiện ở Las Vegas năm 2018. Ảnh: Reuters

Nvidia thành lập năm 1993 bởi ba kỹ sư Jensen Huang, Chris Malachowsky và Curtis Priem - những người dự đoán khi máy tính phát triển sẽ cần những bộ xử lý đồ họa (GPU) phức tạp hơn. Ván cược được đền đáp khi đến năm 2000, công ty giành hợp đồng lớn đầu tiên: sản xuất chip cho máy chơi game Xbox của Microsoft.

Kể từ đó, Nvidia được chú ý hơn nhờ các sản phẩm GPU cho máy tính. Khi làn sóng khai thác tiền số diễn ra những năm qua, công ty Mỹ lại tiếp tục hưởng lợi nhờ cơn khát card đồ họa.

Cùng thời gian này, một số công ty trong lĩnh vực AI cũng mua chip của Nvidia để huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Tuy nhiên, hãng chỉ thực sự trở thành ngôi sao sáng từ nửa đầu năm nay khi cơn sốt siêu AI bùng nổ và hàng loạt công ty lớn nhỏ săn tìm hai mẫu chip A100 và H100.

"Việc đào tạo mô hình AI cần đòi hỏi các mẫu chip có khả năng xử lý đồng thời dữ liệu lớn với tần suất cao. Nvidia tình cờ lại là công ty duy nhất đáp ứng được nhu cầu đó", Greg Osuri, người sáng lập công ty tư vấn Akash Networks, nhận xét.

Đa số công ty lớn nhỏ nếu muốn xây dựng mô hình AI tạo sinh đều cần chip của Nvidia. "Khi một doanh nghiệp muốn tìm ra mô hình kinh doanh dựa trên AI, việc đầu tiên là gửi séc cho Jensen", David Luan, cựu kỹ sư Google và là người đồng sáng lập Adept Labs, nói tại sự kiện AI cho startup hồi tháng 3 ở Mỹ, ám chỉ việc phải trả tiền mua chip cho CEO Nvidia Jensen Huang.

Theo Osuri, một bộ tám chip tiên tiến nhất của Nvidia - mức tối thiểu cho một hệ thống đào tạo AI - có thể lên tới 300.000 USD. Nhưng để xây cỗ máy huấn luyện siêu AI sẽ cần hàng nghìn chip. Theo Business Insider, Elon Musk gần đây được cho là đã mua 10.000 chip Nvidia để phục vụ tham vọng AI mới của mình.

Giới chuyên gia đánh giá, Nvidia được lợi kể từ sau khi ChatGPT của OpenAI bùng nổ cuối năm ngoái. Về cơ bản, ChatGPT giống như phát súng khởi động cho cuộc đua vũ trang về AI. Trong cuộc họp với các nhà đầu tư giữa tuần trước, Colette Kress, Giám đốc tài chính Nvidia, gọi sự xuất hiện của ChatGPT là "khoảnh khắc iPhone".

Sự phụ thuộc vào GPU của Nvidia là lý do để giới phân tích tin công ty Mỹ sớm gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ USD thời gian tới. Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, cổ phiếu của hãng đã tăng hơn 2,5 lần.

Dù vậy, tương lai Nvidia sẽ vấp phải sự cạnh tranh lớn vì Google, Microsoft và Amazon đều đã phát triển chip riêng để xử lý dữ liệu AI, giống như cách Apple đã tạo chip cho iPhone, MacBook để không bị phụ thuộc bên thứ ba. Hai đối thủ lớn AMD và Intel cũng đều đã mở rộng dòng GPU.

Tuy nhiên, trong giai đoạn vài năm, Nvidia vẫn sẽ là cái tên thống trị thị trường GPU. Kiến trúc chip của công ty được đánh giá khó bị sao chép vì nó liên quan đến hàng loạt yếu tố như thiết kế phần mềm, thư viện, thuật toán, tích hợp và tối ưu hóa thành một hệ thống duy nhất.

"Tôi nghĩ sự thống trị của Nvidia sẽ còn tiếp tục", CJ Muse, nhà phân tích của công ty nghiên cứu bán dẫn Evercore, nói.
 
Bên trên