Ấm lòng ở Chùa Bánh xèo

Võ Xuân Trường

Well-known member
Ấm lòng ở Chùa Bánh xèo

Những ai lần đầu đến Thiền Viện Đông Lai (còn gọi là Chùa Bánh Xèo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) hẳn sẽ vô cùng bất ngờ khi chứng kiến thợ đổ bánh xèo điêu luyện một lượt 10 cái. Nơi đây phục vụ hàng nghìn chiếc bánh xèo chay miễn phí cho khách thập phương.
Ấm lòng ở Chùa Bánh xèo


Các thợ đổ bánh xèo một lượt 10 cái đều đặn và điêu luyện tại Chùa Bánh Xèo (xã Xuân Hòa, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Ảnh: Tạ Quang


Nơi ra lò hàng nghìn chiếc bánh xèo mỗi ngày
Bước vào khu vực nhà bếp của Chùa Bánh Xèo, những làn khói nghi ngút tỏa ra, cả một không gian bếp thơm lừng hương vị bánh xèo, một món ăn dân giã miền Tây Nam Bộ.
Theo quan sát, nơi ra lò hàng nghìn chiếc bánh xèo chay mỗi ngày là một gian bếp nhỏ chưa đầy 10m2. Bếp có 3 cụm lò, mỗi cụm có 10 bếp lửa đặt chảo. Những đôi tay thoăn thoắt cùng gương mặt ướt đẫm mồ hôi, người thợ cứ làm liên tục, hễ người này mệt thì đổi ca sang cho người khác.
Là người gắn bó với bếp bánh xèo gần 20 năm, ông Đào Quốc Hận (xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, An Giang) cho biết, trước đây ông chạy xe ôm mưu sinh thường xuyên chở khách đi chùa này, thấy công việc ý nghĩa nên ông đã xin vào chùa đổ bánh xèo những lúc rảnh. Bây giờ khi con cái có công việc ổn định, ông xin vào chùa làm tình nguyện viên đổ bánh mỗi ngày.
Dù đổ một lúc 10 cái nhưng những chiếc bánh “ra lò” luôn vàng ươm và không bị khét cái nào. Ảnh: Tạ Quang
Dù đổ một lúc 10 cái nhưng những chiếc bánh “ra lò” luôn vàng ươm và không bị khét cái nào. Ảnh: Tạ Quang
Theo ông Hận, đội ngũ làm bánh xèo có hơn 20 thành viên, trong đó phụ nữ sẽ gọt rau củ, xào nhân bánh và lau dọn dĩa... Còn nam giới trực tiếp đổ bánh, pha bột, chẻ củi. Trước đây mỗi người chỉ đổ một lượt 2 chảo rồi lên 5 chảo nhưng do khách đến mỗi lúc một đông nên hiện giờ đã tăng lên 10 chảo.
Được biết, ngày thường thì có 2 thợ nấu sẽ đổ bánh cùng một lúc, mỗi người đổ một lượt 10 chảo. Còn vào những ngày đông khách như tháng Giêng, lễ Vu lan hoặc rằm tháng Mười thì phải 3 thợ đổ bánh cùng lúc mới kịp phục vụ bà con.
Với kinh nghiệm đổ bánh xèo 13 năm tại chùa, anh Hồ Văn Nhẫn (thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên) chia sẻ, công việc này không khó, chủ yếu làm lâu thì quen tay. Quan trọng là khi múc bột phải xoay đều để bột lan ra rồi đặt lên bếp và phải biết canh cho lửa cháy liên tục khoảng 2-3 phút thì nhấc bếp.
"Mỗi ngày tôi vào chùa từ 5h30 sáng để bắt đầu công việc và đến khoảng 6h30 tối hết khách thì ngưng. Do số lượng khách quá đông nên chúng tôi không thể đếm được chính xác số lượng bánh mà chỉ ước lượng bằng cây bột. Chúng tôi sử dụng khoảng từ 30 - 200kg bột tùy vào ngày thường hay ngày rằm và lễ lớn, tương đương với đổ hàng nghìn chiếc bánh xèo mỗi ngày” - anh Nhẫn cho biết thêm.
Ấm lòng du khách thập phương
Giữa không gian nhà bếp nhỏ hẹp, cứ lần lượt từng vị khách xếp hàng bước vào và bưng ra những dĩa bánh xèo nóng hổi, thơm lừng và giòn rụm rồi tiến vào khu nhà ăn. Đôi lúc khách đông quá bánh không đổ kịp thì họ phải đợi khoảng 5 - 10 phút để đến lượt.
Cầm trên tay miếng bánh vàng ươm, bà Nguyễn Thị Lành (du khách huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) tươi cười nói: "Gia đình chúng tôi gồm 13 người từ Sóc Trăng lên đây viếng Chùa, vào đây mới biết là được ăn bánh xèo chay miễn phí, bánh rất thơm, nhân được làm từ đậu xanh, nấm mèo, đậu hũ và củ sắn, nước chấm thì đậm đà, đặc biệt ở đây còn phục vụ rau sống đa dạng đủ loại nên ăn kèm rất ngon và vừa miệng".
Những chiếc bánh thơm ngon, nóng hổi được trao tận tay các thực khách.  Ảnh: Tạ Quang
Những chiếc bánh thơm ngon, nóng hổi được trao tận tay các thực khách. Ảnh: Tạ Quang
Ngồi tại nhà ăn, anh Nguyễn Hồng Nhật (du khách TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: Từ lâu tôi đã nghe bạn bè kể và xem trên mạng xã hội chia sẻ ở Chùa này có đổ bánh xèo 10 cái một lúc và có đãi bánh xèo chay miễn phí. Hôm nay gia đình chúng tôi có dịp về ghé viếng chùa và ăn bánh xèo thì thấy thật đúng như lời đồn, được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân đổ bánh xèo rất điêu luyện nên tôi rất cảm phục.
Theo anh Hồ Văn Nhẫn, khách tới viếng chùa và ăn bánh xèo thì tùy tâm họ cúng dường, rồi các thầy dùng số tiền đó để mua dụng cụ và nguyên liệu làm bánh xèo phục vụ bà con, toàn bộ kinh phí đổ bánh xèo là do các phật tử thập phương đóng góp để duy trì hoạt động.
Dẫu làm công việc không lương, lại trong một không gian bếp chật hẹp, nóng nực, cực nhọc và vất vả, nhưng trong từng ánh mắt, nụ cười của những người thợ vẫn luôn niềm nở, thân thiện và chan hòa sự ân cần, yêu thương với mọi người.
 
Bên trên