Ba cách chặn cuộc gọi rác trên điện thoại

Từ Minh Quân

Well-known member
Nhiều người tìm đến phần mềm chặn cuộc gọi rác để tránh bị làm phiền, dù việc sử dụng cũng có một số bất cập.

Chị Anh Thơ (Hưng Yên) cho biết rất hài lòng sau khi cài ứng dụng nhận diện cuộc gọi rác. Khi số lạ gọi đến, phần mềm sẽ hiển thị thông báo đó có thể là sim chuyên được dùng để mời chào bất động sản, tín dụng, chứng khoán... "Tôi tiết kiệm thời gian cũng như tránh rơi vào trạng thái bực bội khi phải nghe các cuộc gọi kiểu này", chị nói.

Trong khi đó, anh Ngọc Hùng (Hà Nội) cho biết đã cài ứng dụng TrueCaller hơn một năm. Tuy nhiên, tháng trước, khi nhân viên phụ trách giải quyết khiếu nại từ Shopee liên hệ với anh, ứng dụng lại hiển thị là "lừa đảo Shopee". "Rất may, sàn thương mại gửi thông báo về việc thuê bao nhiều lần không liên lạc được, nếu không khiếu nại về đơn hàng của tôi đã bị hủy", anh Hùng kể.

Theo chuyên gia công nghệ Đoàn Hoàng Sơn, các ứng dụng chặn cuộc gọi rác như TrueCaller có nhiều ưu điểm, nhưng cũng khó lọc chính xác hoàn toàn nên sẽ gây ra rắc rối nhất định trong quá trình sử dụng. Ví dụ, trong một số trường hợp, phần mềm chặn nhầm cuộc gọi của các shipper. Bên cạnh đó, các trang công nghệ lớn trên thế giới cũng nhiều lần đặt dấu hỏi về tính bảo mật. Các dịch vụ chặn cuộc gọi rác của bên thứ ba đều yêu cầu nhiều quyền truy cập dữ liệu như danh bạ, lịch sử cuộc gọi, tin nhắn của người dùng.

Ông Sơn cho biết hiện có nhiều dịch vụ, phần mềm chặn cuộc gọi, tin nhắn rác với ưu và nhược điểm riêng, có thể chia thành ba cách như sau:

Đăng ký danh sách không quảng cáo của Cục An toàn Thông tin

Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai hệ thống quản lý danh sách không quảng cáo (DNC), cho phép mọi thuê bao có thể đăng ký không nhận cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo.

Cách thứ nhất, soạn tin DK DNC gửi 5656 để được đưa vào danh sách không nhận quảng cáo.

Cách thứ hai, vào website khongquangcao.ais.gov.vn. Ở mục Quản lý danh sách không quảng cáo, nhập số điện thoại của mình và bấm Đăng ký. Hệ thống sẽ gửi tin nhắn chứa OTP về số thuê bao để xác nhận. Người dùng nhập mã OTP này, sau đó hệ thống sẽ thông báo lại kết quả xử lý.

Người dân cũng có thể truy cập trang web để phản ánh các số phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác. Các số bị chặn qua hệ thống của Cục là chính xác do đã được xác minh, nhưng hầu hết đều là số đã đăng ký dịch vụ quảng cáo từ trước. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu do người dùng báo cáo không cao. Theo ông Sơn, trên thực tế, các cuộc gọi mời chào, lừa đảo hiện nay liên tục được thay số điện thoại nên tình trạng bỏ sót khá lớn.

Tính năng tự động nhận diện cuộc gọi rác tích hợp sẵn trong hệ điều hành Android. Ảnh: Tuấn Hưng

Tính năng tự động nhận diện cuộc gọi rác tích hợp sẵn trong hệ điều hành Android. Ảnh: Tuấn Hưng

Dịch vụ chặn cuộc gọi có sẵn trên điện thoại

Với Android, Google trang bị sẵn công cụ Caller ID & Spam Protection. Công ty cho biết tính năng này sử dụng dữ liệu danh bạ được chia sẻ từ nhà mạng và từ cộng đồng để định danh số điện thoại gọi đến thiết bị của người dùng. Do đó, nhiều người sẽ thấy cuộc gọi đến hiển thị tên công ty, cửa hàng dù họ chưa từng lưu vào danh bạ. Dựa vào thông tin người gọi được cung cấp, chủ sở hữu có thể chọn nghe hoặc từ chối để tránh bị làm phiền.

Với riêng điện thoại Samsung, hãng có thêm dịch vụ Smart Call bên cạnh Caller ID & Spam Protection của Google. Tính năng này do Samsung hợp tác với Hiya - công ty Mỹ nổi tiếng trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ xác định và chặn cuộc gọi không mong muốn. Bên cạnh dữ liệu đóng góp từ người dùng và nhà mạng, Smart Call sử dụng AI để tự động dự đoán một cuộc gọi có thể là spam. Nhiều người dùng đánh giá Smart Call lọc cuộc gọi rác hiệu quả hơn so với Caller ID & Spam Protection.

Dịch vụ tích hợp sẵn như trên có độ bảo mật cao do không đòi quyền truy cập danh bạ, tin nhắn. Hệ thống cũng chỉ ghi nhận thông tin khi người dùng báo một cuộc gọi đến là spam.

Trong khi đó, iPhone không có tính năng chặn cuộc gọi rác tích hợp sẵn trên hệ điều hành như Android. Máy chỉ có Caller ID hiển thị tên doanh nghiệp, người gọi đến nếu các đơn vị này có đăng ký định danh với nhà cung cấp cơ sở dữ liệu danh bạ cho nhà mạng. Từ iOS 16.2, iPhone bổ sung tính năng lọc tin nhắn rác dành cho người dùng Việt. Tuy nhiên, sau bốn tháng hoạt động, nhiều người cho biết điện thoại Apple gần như không lọc được tin rác nào.

Dịch vụ chặn cuộc gọi, tin nhắn bên thứ ba

Hiện nay, có nhiều ứng dụng cung cấp tính năng thông báo cuộc gọi, tin nhắn rác như SMS Shield, Hiya, VeroSMS hay phổ biến tại Việt Nam là TrueCaller. Ngoài nhà mạng, ứng dụng xây dựng cơ sở dữ liệu thông qua đóng góp từ người dùng. Do sử dụng được cả trên iPhone và điện thoại Android, nguồn dữ liệu từ cộng đồng của các phần mềm như TrueCaller rất phong phú. Nhờ đó, ứng dụng hoạt động hiệu quả trong việc định danh cuộc gọi mời chào dịch vụ, lừa đảo hơn so với tính năng tích hợp sẵn trên Android.

Tuy nhiên, do phụ thuộc vào dữ liệu báo cáo từ người dùng và không được xác minh, phần mềm sẽ hiển thị sai số điện thoại gọi đến trong nhiều trường hợp, như tình huống của anh Ngọc Hùng. Trong phần hướng dẫn sử dụng, ứng dụng cũng đề cập điều này và chỉ hỗ trợ phát hiện cuộc gọi rác, chứ không thực hiện chặn trực tiếp.

Bên cạnh đó, ứng dụng bên thứ ba cũng gây lo ngại về tính bảo mật. "Nếu phải sử dụng app chặn cuộc gọi, tin nhắn rác, người dùng nên chọn giải pháp từ các nhà phát triển uy tín. Tốt nhất không nên chọn chia sẻ tên cá nhân trong cài đặt của các phần mềm như TrueCaller", ông Sơn nói.
 
Bên trên