Ba điều nên cân nhắc trước khi làm thẻ tín dụng

Nguyệt Phan

Well-known member
Thẻ tín dụng làm phát sinh khoản nợ tiêu dùng, cần phân tích trước những mặt lợi và hại khi muốn sử dụng, theo chuyên gia.

Thời gian gần đây, tôi thường nhận được cuộc gọi mời làm thẻ tín dụng từ các ngân hàng. Ban đầu cảm thấy phiền, nhưng nghe họ chào mời liên tục với nhiều ưu đãi, tôi lại thấy khá hấp dẫn.

Một người bạn của tôi cũng dùng 2-3 thẻ tín dụng, từng kể rằng mỗi tháng được hoàn tiền hàng trăm nghìn, được tích điểm đổi quà, tích điểm dặm bay... Liệu tôi có nên làm một thẻ tín dụng cho mình không? Tiêu chí lựa chọn thẻ phù hợp ra sao và cần lưu ý điều gì? Về tình hình tài chính, tôi có lương quanh 25 triệu đồng, không nợ nần và đang có sổ tiết kiệm 500 triệu.

Trang (Hà Nội)

Một số thẻ tín dụng trên thị trường. Ảnh: Tất Đạt


Một số thẻ tín dụng trên thị trường. Ảnh: Tất Đạt

Chuyên gia tư vấn:

Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng bản chất của thẻ tín dụng là một sản phẩm tài chính tiện ích giúp cho việc tiêu dùng được thuận lợi và dễ dàng hơn. Với một hạn mức tối đa được cung cấp hàng tháng, chúng ta không nhất thiết phải có tiền mặt vẫn có thể chi trả một sản phẩm, dịch vụ nào đó, hay nói cách khác là nhà phát hành thẻ cho chúng ta sử dụng tiền của họ và miễn lãi suất trong một thời hạn nhất định.

Hết thời hạn, chúng ta phải hoàn trả lại số tiền, nếu không sẽ bị tính lãi suất ở mức cao, ngoài ra còn có thể bị ảnh hưởng xếp hạng tín dụng. Hệ thống của các tổ chức tín dụng có lưu trữ dữ liệu lịch sử trả nợ để đánh giá "thái độ trả nợ" của một người. Nếu bạn có các khoản nợ quá hạn, điểm tín dụng sẽ bị đánh giá thấp, dẫn tới hệ lụy xấu như không được xét duyệt khoản vay hoặc phải trả lãi suất cao khi vay so với người có điểm tín dụng tốt.

Trong bài này, chúng ta hãy cùng phân tích việc sử dụng thẻ tín dụng ở ba khía cạnh: sự tiện dụng, các chương trình ưu đãi hấp dẫn và phương pháp quản lý chi tiêu.

Sự tiện dụng

Đầu tiên, với thẻ tín dụng, chúng ta không phải mang theo tiền, đổi tiền, giữ tiền lẻ và tránh được một số phiền phức nhất định. Đây là điều ai cũng có thể thấy được.

Thứ hai, thao tác quẹt thẻ vô cùng dễ dàng, nhưng đằng sau lại là lý thuyết về tài chính hành vi thú vị. Nghiên cứu tâm lý cho thấy, tiền bạc là một trong những "tử huyệt cảm xúc" của con người. Đồng thời với cảm giác vui mừng khi sở hữu sản phẩm hoặc dịch vụ yêu thích, việc trả tiền tạo ra sự "mất mát" nhất định trong não bộ. Bởi vậy chúng ta thường cân nhắc, đắn đo khá nhiều khi trả tiền, đặc biệt là tiền mặt.

Tuy nhiên, khi các loại thẻ ra đời, thay vì phải đưa tiền cho người bán, chúng ta chỉ cần quẹt thẻ. Do đó cảm giác "mất mát" giảm đi rất nhiều, chúng ta rút ngắn sự cân nhắc, đắn đo và chi tiền thoải mái hơn, hào phóng hơn. Như vậy, việc dùng thẻ tín dụng có thể là nguyên nhân dẫn đến chi tiêu nhiều hơn, tiết kiệm ít hơn.

Ngoài ra, sự tiện dụng này còn có mặt trái sinh ra do việc làm mất thẻ hoặc mất thông tin bảo mật, khiến kẻ gian có thể sử dụng thẻ để chi tiêu. Việc giải quyết các giao dịch gian lận này luôn mất thời gian và không phải lúc nào chủ thẻ cũng lấy lại được số tiền đã mất.

Các chương trình ưu đãi

Như đã phân tích ở trên, thẻ tín dụng có chức năng quan trọng là kích thích tiêu dùng. Để thực hiện được chức năng trên, trước hết người tiêu dùng cần chấp nhận dùng thẻ. Từ đó, các chương trình miễn phí thường niên và các chương trình hoàn tiền (cashback) được đưa ra để chào mời khách hàng sử dụng.

Thị trường ghi nhận rất nhiều chương trình, nếu được sử dụng một cách hợp lý sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho chủ thẻ như hoàn tiền khi đi siêu thị, đóng học phí, trả phí bảo hiểm, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.

Phương pháp quản lý chi tiêu

Dùng thẻ tín dụng là sử dụng một khoản nợ tiêu dùng. Sẽ có hai loại gồm nợ tốt và nợ xấu, tùy vào mục đích và phương pháp của người sử dụng. Việc quyết định dùng thẻ tín dụng hay không, điều căn bản không nằm ở sự tiện dụng hay các chương trình ưu đãi dành cho thẻ, mà nằm ở phương pháp quản lý chi tiêu.

Ngay khi nhận được thu nhập, việc đầu tiên cần làm là trích ra khoản tiết kiệm hay còn gọi là "trả cho mình" trước khi mang đi chi tiêu, hay còn gọi là "trả cho người khác". Khoản này nhiều hay ít tùy thuộc vào mức thu nhập và số người phụ thuộc. Sau đó, phần dành cho chi tiêu nên được phân loại thành chi tiêu thiết yếu và khoản chi nhu cầu. Chi tiêu thiết yếu là những khoản bắt buộc như tiền học cho con, tiền chợ, tiền nhà, tiền điện nước, tiền bảo hiểm. Khoản chi nhu cầu là các khoản mang tính hưởng thụ như ăn uống bên ngoài, du lịch, làm đẹp, mua sắm các đồ dùng không thiết yếu khác.

Với các khoản chi tiêu thiết yếu, dù chi bằng tiền mặt hay bằng thẻ vẫn không khiến chúng ta "tiêu hoang" hơn. Do đó, bạn có thể dùng thẻ tín dụng, miễn sao nhớ được thời hạn thanh toán (ngân hàng phát hành sẽ có email, tin nhắn nhắc nhở về việc này). Chưa kể, các chương trình ưu đãi của thẻ tập trung khá nhiều vào các khoản chi thiết yếu như đi siêu thị, đóng học phí, đóng bảo hiểm.

Tuy nhiên, càng dễ dàng với chi tiêu thiết yếu bao nhiêu, chúng ta càng phải cẩn trọng bấy nhiêu khi dùng thẻ tín dụng để thanh toán cho các khoản chi hưởng thụ. Một số bí kíp để hạn chế các khoản chi này là định sẵn ngân sách tối đa không vượt quá 15% thu nhập, hoặc chờ đợi thêm một vài ngày để chắc chắn về sản phẩm, dịch vụ chọn mua và dùng tiền mặt thay vì dùng thẻ để hạn chế mua sắm chỉ vì tiện lợi.

Như vậy, nếu là một người quản lý chi tiêu tốt, biết phân bổ ngân sách hợp lý cho chi tiêu thiết yếu và chi tiêu nhu cầu, bạn hoàn toàn có thể tận dụng những lợi thế do thẻ tín dụng mang lại và hạn chế những điểm bất cập của việc dùng thẻ.

Để tạo thành thói quen chi tiêu và trả nợ đúng hạn, bạn nên bắt đầu với một thẻ, hạn mức có thể từ 1-2 lần thu nhập theo tháng của mình. Về việc lựa chọn loại thẻ nào, bạn nên xem khoản chi nào chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách để lựa chọn thẻ có ưu đãi đối với lĩnh vực đó.
 
Bên trên