Bằng chứng sao Hỏa từng có đại dương

THANHLINH

Well-known member
Nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu do robot Chúc Dung của Trung Quốc thu thập chỉ ra, một đại dương cổ xưa từng tồn tại trên sao Hỏa.


Bản đồ đường đi của robot Chúc Dung và địa hình nơi nó di chuyển. Ảnh: China Media Group
Bản đồ đường đi của Chúc Dung và địa hình nơi robot di chuyển. Ảnh: China Media Group

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Xiao Long tại Trường Khoa học Trái Đất thuộc Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc (Vũ Hán), tiến hành phân tích kỹ dữ liệu khoa học mà các camera gắn trên robot Chúc Dung thu thập được. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí học thuật National Science Review hôm 18/5.
Robot Chúc Dung hạ cánh vào ngày 15/5/2021 tại vùng đồng bằng rộng lớn Utopia Planitia ở bán cầu bắc sao Hỏa. Theo nghiên cứu, địa điểm này nằm trong Hệ tầng Vastitas Borealis (VBF), nơi có phần rìa ngoài với những đặc điểm giống như đường bờ biển, tạo cơ hội xác minh sự tồn tại của trầm tích biển cổ đại.
Dù nghiên cứu trước đây từng tìm thấy bằng chứng về sự hiện diện của một đại dương ở vùng đất thấp phía bắc sao Hỏa, việc thiếu dữ liệu tại chỗ của VBF khiến điều này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Nhờ Chúc Dung, các nhà nghiên cứu giờ có thể tiến hành phân tích tại chỗ đầu tiên về VBF.
Trong hành trình dài khoảng 1.921 m sau khi hạ cánh, Chúc Dung đã đi về phía nam, hướng tới nơi có thể là bờ biển, khám phá các đặc điểm trên bề mặt của VBF. Robot triển khai những hệ thống phân tích và chụp ảnh khác nhau để quan sát nhiều mỏm đá và đá bề mặt. Trong số đó, các camera địa hình và định vị đã thu được 106 bộ ảnh toàn cảnh, ghi lại chi tiết cấu trúc trầm tích bề mặt và đặc điểm của nhiều loại đá.
Xem xét hình ảnh do camera của Chúc Dung gửi về, nhóm nghiên cứu nhận thấy những tảng đá tại đây có nhiều đặc điểm khác biệt đáng kể so với đá núi lửa thường thấy trên bề mặt sao Hỏa hoặc trầm tích điển hình do gió tạo nên, nhưng lại gần giống những gì có trong môi trường biển nông năng lượng thấp. Họ cho biết, các cấu trúc và đặc điểm trầm tích trong đá bề mặt cho thấy VBF hình thành trong môi trường biển, cung cấp bằng chứng trực tiếp về sự tồn tại của đại dương cổ xưa trên sao Hỏa.
Phát hiện mới cung cấp thông tin giúp định hình lại lịch sử sao Hỏa. "Việc thám hiểm kỹ lưỡng và lấy mẫu khu vực trong tương lai sẽ giúp chúng tôi hiểu thêm về khả năng sao Hỏa chứa sự sống và việc bảo tồn các dấu vết sự sống ở đó", Xiao cho biết.
Robot Chúc Dung nằm trong nhiệm vụ Thiên Vấn 1, nghĩa là "những câu hỏi tới thiên đường", bao gồm cả một trạm đổ bộ và một tàu quỹ đạo. Robot 6 bánh này nặng 240 kg, mang theo 6 công cụ khoa học để nghiên cứu địa chất và khí hậu ở khu vực Utopia Planitia. Với nhiệm vụ này, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới vận hành thành công robot trên sao Hỏa, chỉ sau Mỹ.
Chúc Dung chạy bằng năng lượng Mặt Trời, chuyển sang trạng thái ngủ đông vào tháng 5/2022 do bão bụi và điều kiện lạnh giá trên sao Hỏa. Theo dự kiến, nó cần thức dậy vào khoảng tháng 12/2022, khi mùa đông ở bắc bán cầu của sao Hỏa kết thúc và ánh Mặt Trời trở nên dồi dào hơn, nhưng đến nay robot vẫn im lặng. Zhang Rongqiao, trưởng thiết kế chương trình khám phá sao Hỏa của Trung Quốc, hôm 25/4 cho biết, nhiều khả năng robot không thể sản xuất đủ điện để thức dậy do cát bụi phủ kín pin Mặt Trời.
 
Bên trên