Bảng xếp hạng đại học của Việt Nam có chính xác?

Thanh Thúy

Well-known member
Đầu năm 2023, bảng xếp hạng đại học (ĐH) VN của một công ty giáo dục được công bố với nhóm thực hiện gồm nhiều chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ thông tin và cộng tác viên.


Theo thông tin trên trang web Bảng xếp hạng ĐH VN (VNUR), bảng xếp hạng được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động của Công ty TNHH phi lợi nhuận Vietnam Education Index, với nhóm thực hiện bao gồm: GS Nguyễn Lộc, nguyên cán bộ nghiên cứu, Viện Khoa học giáo dục VN; thạc sĩ Nguyễn Vinh San, chuyên gia đo lường và đánh giá trong giáo dục, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng; TS Châu Dương Quang, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội và chương trình nghiên cứu giáo dục ĐH (PROPHE) tại ĐH SUNY Albany (Mỹ); PGS-TS Nguyễn Thị Lan Phương, chuyên gia đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục VN.
Vậy 100 trường ĐH VN trong bảng xếp hạng này được nhìn nhận như thế nào?
Bảng xếp hạng VNUR ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Bảng xếp hạng VNUR
CHỤP MÀN HÌNH
Dùng dữ liệu từ website trường và các nguồn công khai khác


Theo nhóm nghiên cứu, VNUR 2023 đã tiến hành rà soát 237 cơ sở giáo dục ĐH của VN thông qua việc xử lý dữ liệu gồm các báo cáo 3 công khai, đề án tuyển sinh, dữ liệu về xếp hạng, kiểm định, thứ hạng vào năm 2022 của Bộ GD-ĐT, QS, THE, QS Stars, UPM, dữ liệu của Web of Science trong giai đoạn 5 năm (2018 - 2022), dữ liệu về hoạt động khoa học công nghệ và sáng chế của Bộ KH-CN cùng nhiều thông tin được tham khảo có chọn lọc trên các trang web liên quan.

Tổng cộng 191 trường có đầy đủ số liệu để thực hiện xếp hạng. Việc xếp hạng được thực hiện thông qua chỉ số với 6 tiêu chuẩn gồm chất lượng được công nhận (30%), dạy học (25%), công bố bài báo khoa học (20%), nhiệm vụ khoa học công nghệ và sáng chế (10%), chất lượng người học (10%), cơ sở vật chất (5%).
Mỗi tiêu chuẩn lại có một số tiêu chí với một trọng số cụ thể. Chẳng hạn ở tiêu chuẩn chất lượng được công nhận có tiêu chí thứ hạng (ranking) toàn cầu hoặc khu vực (8%), kiểm định cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế (6%), kiểm định cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước (4%)... Ở tiêu chuẩn dạy học có tiêu chí tỷ lệ số lượng sinh viên trên một giảng viên (chiếm 13%) và tỷ lệ số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ trên tổng số giảng viên (12%). Ở tiêu chuẩn chất lượng người học có tiêu chí điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào (8%) và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (2%).
Bảng xếp hạng đại học của Việt Nam có chính xác? - Ảnh 2.
Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM. ĐH này đứng thứ hai trong bảng xếp hạng VNUR 2023
NHẬT THỊNH
Có định hướng được cho học sinh chọn trường phù hợp ?
Theo nhóm thực hiện VNUR, bảng xếp hạng này dùng để định hướng cho học sinh phổ thông cùng với phụ huynh của VN và nước ngoài có thể chọn trường ĐH VN phù hợp để theo học. Lãnh đạo các trường ĐH cũng có thể dùng VNUR để đánh giá mức độ cạnh tranh của mình với các trường ĐH khác trong nước, từ đó đưa ra các quyết định quản lý phù hợp để cải thiện toàn diện tính cạnh tranh của trường.
Được biết, nhóm này đã công bố bảng xếp hạng trên sau hơn 2 năm làm việc. "Bảng xếp hạng VNUR 2023 là kết quả bước đầu của nhóm thực hiện. Nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh trong các phiên bản tiếp theo để phù hợp với thực tiễn giáo dục ĐH VN", những người thực hiện VNUR chia sẻ.
Tại bảng xếp hạng được công bố này, ĐH Quốc gia Hà Nội đứng vị trí số 1 và ĐH Quốc gia TP.HCM vị trí số 2; số 3 thuộc về Trường ĐH Tôn Đức Thắng; tiếp đến là ĐH Bách khoa Hà Nội (4); Trường ĐH Duy Tân (5); ĐH Kinh tế TP.HCM (6); Trường ĐH Cần Thơ (7); Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (8); ĐH Đà Nẵng (9); ĐH Huế (10)...
Có thể thấy, rất nhiều trường ĐH lâu đời và chất lượng đào tạo được xã hội công nhận, tuyển sinh đầu vào cũng nằm trong "tốp" nhưng thứ hạng lại tương đối thấp như Trường ĐH Y Hà Nội (29), Học viện Ngoại giao (49), Trường ĐH Y Dược TP.HCM (50), Trường ĐH Luật Hà Nội (52); trong khi nhiều trường non trẻ hơn, tuyển sinh đầu vào nằm ở tốp giữa hay tốp dưới nhưng lại ở thứ hạng cao hơn. Nếu nhìn vào thứ hạng này, rất có thể học sinh và phụ huynh sẽ "tưởng" Trường ĐH Y Hà Nội hay Y Dược TP.HCM không tốt bằng các trường đứng trước.
Bảng xếp hạng đại học của Việt Nam có chính xác? - Ảnh 3.
Theo bảng xếp hạng VNUR 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội xếp vị trí thứ 4
TƯ LIỆU
Cần một bảng xếp hạng có độ tin cậy cao
GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận định: "VN rất nên có một bảng xếp hạng uy tín, của một tổ chức được nhà nước công nhận hoặc của cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện. Những tiêu chuẩn, tiêu chí với trọng số của mỗi tiêu chí phải thật khoa học, được phản biện và kiểm chứng chứ không thể chủ quan theo một nhóm. Bởi kết quả của bảng xếp hạng là vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của một trường, đến cách nhìn của học sinh, phụ huynh và xã hội".

Theo GS-TS Hà, bảng xếp hạng VNUR chắc chắn cũng được thực hiện công phu, tuy nhiên độ tin cậy ra sao, dữ liệu có đủ chính xác hay không cũng cần xem xét kỹ lưỡng vì với những thông tin các trường công bố trên trang web, không phải trường nào cũng công khai chính xác 100%.
Từ đó ông Hà đề xuất: "Cần có một tổ chức uy tín, hoặc một cơ quan nhà nước xếp hạng dựa vào dữ liệu thực của các trường; đồng thời phương pháp thống kê để xếp hạng phải chính xác, khoa học. Bên cạnh đó, nên có các bảng xếp hạng theo định hướng khác nhau, ví dụ hướng hàn lâm hay hướng ứng dụng để dễ dàng đối sánh. Nếu một bảng xếp hạng mà trọng số tập trung vào nghiên cứu khoa học thì một trường theo hướng ứng dụng chắc chắn sẽ không thể có thứ hạng cao".
 
Bên trên