Bánh cam, bánh còng, 1 đồng 2 cái

Hải Vy

Well-known member
Nếu sự đợi chờ của tuổi thơ thời thiếu thốn nhưng vô lo được đáp lại bằng cái dáng thẳng tưng của chú bán bánh cam, bánh còng đội mâm bánh vàng ruộm óng ả ngay đầu ngõ thì đó chính xác là món bánh hạnh phúc.

Bánh cam, bánh còng có lẽ sinh ra là để dành cho nhau, không bao giờ chịu cảnh “lẻ bạn”
Bánh cam, bánh còng có lẽ sinh ra là để dành cho nhau, không bao giờ chịu cảnh “lẻ bạn”
Cái cớ của sự mong chờ trẻ thơ

Tôi dám chắc rằng nếu ai đã từng trải qua một tuổi thơ đi kèm sự ngóng trông chờ đợi những cái bánh cam, bánh còng thì hẳn đã có một tuổi thơ thật đẹp đẽ, tròn đầy.


Tôi từng háo hức chờ đợi chú bán bánh, cam, bánh còng như một người quen. Giọng chú có hôm khàn đục vì dầm mưa dãi nắng nhưng vẫn vang vang đầu ngõ như một lời hứa uy tín với tụi nhỏ. “Ai bánh cam, bánh còng đây… Bánh cam, bánh còng 1 đồng 2 cái đây…”. Chú bán bánh - một hình ảnh thân thuộc của con nít xóm tôi những năm đầu thập niên 1980 - giờ đã thành một kỷ niệm đẹp trong trí nhớ.

Tuổi thơ của tôi và bao người cùng trang lứa thật may mắn vì gần như được thưởng thức trọn vẹn những thức quà vặt dân dã ngon lành. Cái ngon của những món bánh ấy mãi đến bây giờ, không từ ngữ nào diễn tả nổi. Giữa bao nhiêu thứ đồ ăn hiện đại ngon lành và phong phú đến mức thừa mứa, chắc chắn những món quà vặt tuổi thơ đã ít nhiều mai một. Có những món ăn tuổi thơ bằng cách nào đó đã biến mất một cách kỳ lạ, không để lại dấu vết.

May mắn thay, bánh cam, bánh còng nay vẫn còn thấp thoáng đâu đó giữa cuộc sống bộn bề. Thỉnh thoảng, mâm bánh ấy xuất hiện giữa buổi chợ đông làm dấy lên bao nỗi bồi hồi cho những ai từng si mê món bánh “nhà quê”.

Bộ đôi hoàn hảo

Bánh cam, bánh còng - thứ bánh chiên làm bằng bột được áo một lớp nước đường vàng ruộm sóng sánh bên ngoài - từng hiện diện ở nhiều vùng miền. Ở Sài Gòn bây giờ vẫn còn những xe bánh cam bán dạo ngoài đường.

Gọi là bánh cam vì hình dáng cái bánh tròn trịa, lại có màu cam chứ kỳ thực bánh không hề có hương vị của trái cam. Còn bánh còng thì được tạo hình vòng tròn, rỗng ở giữa, một phần cũng giống chiếc còng nên “chết tên”. Bánh cam đầy đặn hơn vì có phần nhân là đậu xanh quết nhuyễn, bánh còng thì không nhân.

Bánh cam làm kỳ công hơn các loại bánh chiên khác như bánh tiêu, bánh quẩy... Chỉ riêng phần vỏ bánh cũng phải tính toán tỉ lệ pha trộn bột nếp, bột gạo. Có người lại cho thêm bột khoai lang sao cho vỏ bánh dẻo mềm vừa đủ. Nhiều bột gạo quá bánh chiên xong bị cứng. Nhiều bột nếp thì bánh nhão. Phần nhân đậu xanh nếu sên không khéo sẽ bị chua, bánh nhanh thiu.

Khâu tạo hình bánh có lẽ là nhàn nhã nhất: ngắt một cục bột, vo tròn rồi ép dẹp trong lòng bàn tay. Lại ngắt một cục đậu nhỏ hơn, đặt vào giữa viên bột, túm lại, vo tròn sao cho vỏ ôm trọn phần nhân. Vo bánh xong, lăn bánh qua lớp mè rồi thả vào chảo dầu sôi, chiên cho bánh nổi, vàng đều 2 mặt. Sau đó, người ta thắng nước đường đến khi sánh lại, óng ánh màu vàng nâu. Bánh chiên xong sẽ được áo một mặt qua lớp đường này. Lớp đường áo mặt bánh chính là thứ hấp dẫn mắt nhìn. Nó cứ óng ánh khơi gợi cơn thèm, nhất là dưới ánh nắng mai.

Một cái bánh cam ngon phải cầm vừa vặn trong lòng bàn tay. Cắn một miếng, vỏ bánh ngoài giòn trong mềm dẻo. Cắn thêm miếng thứ hai, đụng ngay phần nhân đậu thơm bùi. Cái nết ăn bánh cam của tôi hơi khác, tôi luôn táy máy gỡ hẳn phần nước đường bên ngoài để ăn riêng. Lớp đường ấy khô cứng lại như kẹo, nhai rộp rộp thật thú vị.

Bánh cam, bánh còng có lẽ sinh ra là để dành cho nhau. Không ai bán riêng bánh cam, càng không bán riêng bánh còng. Người mua cũng vậy, lúc nào cũng mua một cặp cái này cái kia, như thể sợ chúng “lẻ bạn”. Đến cái bánh thôi mà cũng như có tình có nghĩa. Nó đẹp từ những điều ngỡ quá đỗi bình thường.

Đội bánh đi buôn

Những mâm bánh cam, bánh còng ngày càng hiếm giữa Sài Gòn
Những mâm bánh cam, bánh còng ngày càng hiếm giữa Sài Gòn
Người ta không rõ bánh cam, bánh còng ra đời từ khi nào. Nhiều thập niên trước, bánh cam, bánh còng được xếp chồng lên nhau trên một mâm nhôm, vun lên như chóp nón. Một mâm bánh được xếp khéo léo có thể để đến 40-50 cái. Với mâm bánh lớn và cồng kềnh như vậy, người bán không thể bưng bê hoặc kẹp nách. Họ chỉ còn cách đội trên đầu, rong ruổi khắp các ngả đường, len lỏi tận những ngõ sâu hẻm xa để bán.

Mâm bánh nặng nên đa phần người bán là đàn ông mới đội nổi. Họ di chuyển liên tục kèm tiếng rao quen thuộc. Những người đàn ông đội bánh đi buôn mà tôi gặp có một điểm chung là ưa mặc áo tay dài có 2 túi hộp trước ngực. Tiền bán có khi được khách tiện tay nhét giùm vô túi áo, khi họ loay hoay với mâm bánh nặng trĩu trên đầu.

Cái mâm bánh đẹp đẽ đầy khêu gợi ấy đi khắp nẻo đường mà chưa hề rơi vãi hay đổ. Những người đội bánh đi buôn uyển chuyển, điệu nghệ chẳng khác nào nghệ sĩ xiếc. Họ giữ thẳng lưng, đầu, cổ đều phối hợp nhịp nhàng để cân bằng, giữ cho mâm bánh đứng yên suốt quãng đường di chuyển.

Thứ bánh quê với cái giá “rẻ rề” không thể giúp họ giàu có hay khá giả. Có lẽ lòng yêu nghề đã giúp họ gắn bó với những con đường đi qua đi lại cả đời đến mức “rạc giò”. Một cái nghề muôn phần cực khổ, đổ biết bao mồ hôi để đổi lấy niềm vui bé mọn qua ngày.

Bánh cam được tạp chí du lịch Mỹ CNN Travel bình chọn trong top 30 món bánh chiên ngon nhất thế giới
Bánh cam được tạp chí du lịch Mỹ CNN Travel bình chọn trong top 30 món bánh chiên ngon nhất thế giới
Thời đó, cùng với bán cam, bánh còng thì bánh bông lan, bánh thuẫn cũng có hình thức “đội bánh đi buôn” tương tự. Nghĩ lại, hình thức này gần giống với cách tiếp thị hiện đại. Thay vì ngồi một chỗ chờ khách đến mua, “đội bánh đi buôn” giúp người bán linh hoạt hơn khi tiếp cận được nhiều khách mua ở nhiều nơi.

Bây giờ, rất khó để bắt gặp lại hình ảnh bán buôn độc đáo trên. Dường như nó là hình ảnh đại diện cho thuở cơ hàn. Nếu có vô tình gặp lại, không chừng ta chỉ thấy xót xa.

Lớp trẻ ngày nay không mặn mà với loại bánh này vì khá ngọt. Tôi từng chạy theo một xe bánh cam, mua cho bằng được cặp bánh cam, bánh còng rồi trĩu lòng nghe người bán tâm sự. Khách của xe bánh cam đa phần mua cho đỡ nhớ, chứ ăn thì chẳng bao nhiêu. Trung niên hết rồi, bánh cam, bánh còng chiên xong để lâu thì lớp nước đường áo bên ngoài bị cứng, ai răng yếu thì đành chịu thua. Có lẽ cũng vì lý do này mà ở miệt Tri Tôn (An Giang), người dân địa phương nảy ra sáng kiến ăn kèm bánh cam với… bánh canh. Miếng bánh cam được bẻ ra, nhúng vô nước lèo của tô bánh canh, ăn kèm như một loại “toping” khiến du khách ngỡ ngàng.

Mấy ai ngờ rằng một món bánh từng quen thuộc suốt bao nhiêu năm, nay đành nép mình lặng lẽ như vậy. Tuy nhiên, cái sự ngậm ngùi xem ra cũng giảm bớt vài phần khi đọc được tin vui. Tháng 5/2022, tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ - CNN Travel công bố danh sách 30 món chiên ngon nhất thế giới, trong đó món bánh cam của Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 18.

Tính ra, món bánh tuổi thơ này đã vượt khỏi những ngõ nhỏ, những chợ quê để rồi được ghi nhận trên thế giới. Biết đâu việc này lại mở ra cơ hội cho món bánh ấy được quay trở lại thời hoàng kim như trước. Vui chứ sao không!

Trần Huyền Trang
Nguồn ảnh: Internet

Tablet Plaza cảm ơn bạn đã đọc bài sưu tầm.
Em bán: Samsung A14 128G LTE 3.190.000 đ
Mua ngay: https://tabletplaza.vn/dien-thoai/samsung-galaxy-a14/
Liên hệ: 0947.711.881 (Zalo và Whatsapp)
 
Bên trên