Bạo lực học đường - nặng hậu quả, nhẹ giải pháp: Lá chắn nào bảo vệ học sinh ?

Nguyễn May

Well-known member
Ở đâu đó trong các ngôi trường vẫn căng băng rôn, khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “trường học hạnh phúc” nhưng thực tế nhiều học sinh bơ vơ, lạc lõng, không nơi cầu cứu, sẻ chia khi gặp chuyện.

Một chuyên gia giáo dục từng chia sẻ, trường học hiện nay treo rất nhiều khẩu hiệu. Từ ngoài cổng trường đã có dòng chữ: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Trường học hạnh phúc”, “Trẻ em như búp trên cành”… Thế nhưng đằng sau tấm biển hiệu đó vẫn có trường hợp học sinh bị giáo viên đánh, bị dâm ô, bạn bè “xử đẹp” nhau bằng nắm đấm. “Điều tôi thấy lạ lùng hơn nữa là khu vực phòng làm việc của Ban Giám hiệu thường đặt tấm biển “cấm học sinh đi qua lối này”. Làm nhà quản lí, phải gần học sinh để được nghe bằng hai tai những điều các em muốn nói thì chính họ đã đặt một hàng rào, tấm chắn để ngăn cách với các em học sinh”, vị chuyên gia này nói. Thậm chí, một số phụ huynh phản ánh, nhà trường, giáo viên vô cảm khi con họ bị đánh đến “chấn thương sọ não” nhưng nhà trường chỉ thông báo khô khan: Sự việc chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Bạo lực học đường - nặng hậu quả, nhẹ giải pháp: Lá chắn nào bảo vệ học sinh? ảnh 1

Anh Tạ Ngọc Đức từng có đơn phản ánh gửi công an phường Cổ Nhuế 1, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vì có con là học sinh lớp 8 một trường THCS trên địa bàn bị bạn đánh ngay trước cổng trường. Trong đơn anh Đức đề nghị được làm rõ sự việc, làm rõ trách nhiệm của nhà trường buông lỏng quản lí học sinh trong giờ học để dẫn đến sự việc.

Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương Nguyễn Thị Vân Hồng cũng nói rằng, trò bắt nạt trong trường học tệ nhất chính là tẩy chay, kì thị, cô lập một học sinh nào đó để em này đến trường, lớp luôn cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, làm gì cũng bị soi xét, bới móc. “Khi bị tẩy chay trẻ em sẽ cảm thấy tổn thương rất lớn. Nếu không có ai phát hiện, chia sẻ có thể dẫn đến những chuyện đáng tiếc khác”, cô Hồng nhận định.

Cũng theo cô Hồng, trong các vụ việc đáng tiếc, giáo viên vô tâm hoặc có thể một số giáo viên hơi cứng nhắc, hoặc nghĩ đơn giản về mâu thuẫn của trẻ. “Tuy nhiên, học sinh rất nhạy cảm, thầy cô phải là lá chắn đầu tiên. Ở trường, lớp tôi thường dặn học sinh, chỉ cần ai đe doạ hay chạm vào con hãy báo cho hiệu trưởng. Tôi cũng đặt hòm thư ý kiến ngay ở cửa để mỗi ngày các em có thể viết thư nếu điều đó khó nói trực tiếp”, cô Hồng nói.

Từ nạn nhân thành thủ phạm

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Hải Vân, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho hay, tình trạng bạo lực thể chất thường diễn ra ở học sinh cấp 1, cấp 2, bạo lực tinh thần thường xảy ra ở cấp 3. Những học sinh bạo lực với bạn thông thường từng là nạn nhân của những kẻ bắt nạt khác, người không có hình mẫu tích cực, bị cuốn hút hoặc bị ám ảnh bởi video bạo lực…

Còn nạn nhân, hay bị coi là yếu hoặc khác biệt, không phải là thành viên của một nhóm bạn, thường rụt rè, khó kết bạn… Bác sĩ Vân thông tin thêm, một khảo sát gần đây cho thấy hơn 80% học sinh bị bạo lực cho biết, là nạn nhân bị bắt nạt ở trường. Theo bác sĩ Vân, những lỗ hổng của nhà trường vô tình tạo thuận lợi cho sự bắt nạt: không có chính sách rõ ràng và nhất quán về quấy rối hoặc bạo lực, không có sự giám sát đầy đủ, không có nhân viên được đào tạo để xác định những kẻ bắt nạt. Đặc biệt, có nơi còn coi mọi xung đột của học sinh như là vấn đề cá nhân, thầy cô giáo không dành thời gian để theo dõi hành vi bạo lực trong khuôn viên trường…

Bạo lực học đường - nặng hậu quả, nhẹ giải pháp: Lá chắn nào bảo vệ học sinh? ảnh 2
Những buổi sinh hoạt tập thể chống bạo lực học đường rất cần thiết. Ảnh: Huỳnh Thủy

Hơn 10 năm làm nghề, anh Trần Trung Dũng (Giám đốc phân Viện Khoa học an toàn Việt Nam tại Đà Nẵng) nhận ra phần lớn việc bạo lực học đường xuất phát từ gốc rễ gia đình. Những trường hợp đưa con đến, những học sinh tự trải lòng với thầy đều có nỗi đau riêng, từ chính ngôi nhà mình. Anh dẫn chứng một học sinh cấp hai được cô giáo liên hệ “nóng” với anh để nhờ anh can thiệp khi em này có xu hướng bạo lực ngày càng tăng. Trước khi em đến, cô cũng nói nhà em thường xảy ra cãi vã, bố nghiện rượu, liên tục đánh vợ con. Khi gặp em, anh hỏi “ước mơ của em sau này là gì, “đánh nhau”, em đáp không cần suy nghĩ. “Vậy thế mạnh của em là gì”, “đánh nhau!”. Trong đầu em đặc quánh những trận đòn của người cha. Từ nhỏ tới lớn đã tổn thương rất nhiều.

Những trường hợp khác có bề ngoài bặm trợn, mình mẩy xăm kín, tóc tai màu mè, hút thuốc, đeo khuyên, luôn “phùng mang trợn mắt” với người đối diện, nhưng khi tiếp xúc, các em ôm nỗi đau rất lớn. Có bạn bị đánh ở nhà triền miên, có bạn chứng kiến cha mẹ bất hoà, có bạn bị ba mẹ thay thế tình cảm bằng tiền. Nhưng đau lòng nhất, là trường hợp mới đây, một cháu bé 5 tuổi, đang học mẫu giáo bị cô phàn nàn suốt ngày đánh bạn, đến nỗi cả lớp phải sợ. Mẹ bé nói ở nhà bé rất hiền nhưng chẳng hiểu sao lên lớp lại “biến hoá” thành người hung dữ như vậy. Tìm hiểu rất lâu, người mẹ mới oà khóc kể chồng chị thường hay đánh chị, mỗi lần đánh, bé lại chạy ra đỡ cho mẹ, ôm chân ba để ba không tới gần mẹ. Hành vi cha đánh mẹ được bé “tái hiện” trên lớp, để giải tỏa những bức bí, dồn nén mà ở nhà bé không dám làm. Anh và mẹ bé đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức mới thuyết phục được ba bé tới nói chuyện, cùng nhìn nhận thẳng vào vấn đề và bắt đầu sửa sai.

“Những đứa trẻ sống ở môi trường được tiếp cận những điều tốt đẹp hằng ngày, được cha mẹ yêu thương sẽ rất hiếm khi làm tổn thương người khác về thể chất hay tinh thần. Bởi vậy từ trong mỗi gia đình, cha mẹ phải là hình mẫu để con hướng đến”, anh Dũng đúc rút.

Áp lực

Bà Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) cho biết, dù trường học đã thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa nhưng trường có đến 2.400 học sinh nên mỗi ngày đều lo lắng, áp lực. Trên thực tế, cũng đã có trường hợp học sinh đánh nhau, nhà trường phải đứng ra giải quyết.

“Tôi từng có ý kiến với Bộ GD&ĐT, giáo viên đang cùng lúc làm quá nhiều việc. Như hiện nay, giáo viên dạy học, tập huấn chương trình mới, làm chủ nhiệm… Thầy cô tuy rất nỗ lực nhưng không thể ôm hết việc nên ngoài chuyên môn dạy học, nhà trường yêu cầu họ chăm theo dõi, sát sao từng học sinh trong lớp cũng lại quá tải, căng thẳng. Nhà trường có phòng tham vấn tâm lí và ở đó không chỉ tham vấn cho học sinh mà cả giáo viên khi có dấu hiệu cũng cần được chuyên gia tham vấn để cân bằng”, bà Hà nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm, người có nhiều năm trong vai trò Chủ tịch Hội tâm lí giáo dục Hà Nội đánh giá vai trò quan trọng của phòng tham vấn tâm lí học đường. “Trên thực tế, chỉ có một số trường ngoài công lập hợp đồng thuê chuyên gia tâm lí, còn trường công bỏ ngỏ vì không có cán bộ chuyên trách. Khi đó, lại giao nhiệm vụ tham vấn tâm lí cho giáo viên chủ nhiệm trong khi những người này không được đào tạo chuyên sâu, làm việc kiêm nhiệm, không thể hiệu quả. Bộ GD&ĐT cần quyết liệt để đưa quy định trường học có phòng tham vấn tâm lí thành hiện thực, không nên phó mặc cho cơ sở muốn có hay không cũng được”, ông Lâm nói.
 
Bên trên