Bảo tàng Lịch sử Quân sự đông nghịt khách ngày mở cửa

tran hương

Well-known member
Bảo tàng Lịch sử Quân sự đông nghịt khách ngày mở cửa
Hà Nội Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới bắt đầu mở cửa sáng nay, thu hút hàng nghìn khách tham quan, tương tác.
30

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa miễn phí phục vụ khách tham quan tại địa điểm mới Km 6+500 Đại Lộ Thăng Long, thuộc hai phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, từ sáng 1/11.
Bảo tàng được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng từ năm 2019 trên diện tích 386.600 m2, nổi bật với tòa tháp Chiến thắng cao 45 m ở sân trước. Khối nhà chính có 4 tầng nổi, một tầng trệt.
Tổng mức đầu tư công trình khoảng 2.500 tỷ đồng.

Bảo tàng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân dù nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 20 km và mở cửa trong ngày đi làm. Nhiều người đến từ sáng sớm.

Khu trưng bày hiện vật bên ngoài bảo tàng với nhiều xe tăng, máy bay thu hút sự quan tâm của khách ngay khi bước vào.


Bên trong bảo tàng đặt màn hình lớn, nơi khách tham quan có thể xem thuyết minh lịch sử các đời vua có công dựng nước.

Hàng trăm học sinh Trường tiểu học Đại Hưng, Gia Lâm, được trường đăng ký đến tham quan bảo tàng.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều khí tài quân sự.

4 bảo vật quốc gia gồm máy bay tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 4324, MiG-21 mang số hiệu 5121, xe tăng T-54B mang số hiệu 843 và Bản đồ Quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong ảnh là xe tăng 843 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2. Trong kháng chiến chống Mỹ, tăng 843 đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, sau đó tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày 30/4/1975, 843 dẫn đầu đội hình vào Sài Gòn, trên đường đến dinh Độc Lập đã bắn cháy ba xe tăng và bọc thép của địch, húc vào cổng phụ của dinh Độc Lập.


Ông Hoàng Văn Hỏi, đến từ Kiến An, Hải Phòng, cho biết cùng đoàn gần 100 người đi từ 4h đến tham quan. Vị cựu chiến binh cho biết xúc động khi được xem lại lịch sử quân đội Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
"Không gian trưng bày chiến dịch Điện Biên Phủ ấn tượng, làm tôi nhớ đến những kỷ niệm thời chiến đấu của mình", ông Hỏi nói.

Cao A Đi và Vàng A Tường người Hà Nhì, sinh viên năm 4 trường ĐH Công nghiệp, tham quan khu vực trưng bày các loại vũ khí thô sơ. "Sắp xếp ở đây làm cho người xem dễ hiểu khi đi theo mốc trình tự thời gian, có những thứ không có trong sách vở", A Đi nói.

Học sinh được nghe và biết thêm và lịch sử của thành Cổ Loa.
Bảo tàng mới được xây dựng với thiết kế hiện đại. Kiến trúc Bảo tàng không chỉ là một công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh, mà còn tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về lịch sử, quân sự.


Khu vực tái hiện trận chiến bảo vệ Thủ đô được nhiều khách trải nghiệm.

Hình ảnh các chiến sỹ giải phóng quân được tái hiện bằng tranh sinh động trong bảo tàng.
Nhiều bạn trẻ dừng lại tại đây nghe câu chuyện về những anh hùng, các chiến công lừng lẫy của cha ông.

Khu vực tương tác với sa bàn 3D kết hợp thuyết minh bằng phim, âm thanh và ánh sáng về chiến dịch Điện Biên Phủ. Du khách chứng kiến các loại máy bay Pháp thả dù trên bầu trời Điện Biên cũng như diễn biến trận pháo kích của quân đội hai bên.
Bảo tàng áp dụng nhiều phương pháp trưng bày mới, kết hợp với các công nghệ sa bàn 3D mapping; thiết bị màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh; thuyết minh tự động audioguide và sử dụng QR tra cứu thông tin hiện vật, hình ảnh. Hơn 60 video giới thiệu về chiến dịch, trận đánh và các nhân vật lịch sử mang đến cho khách trải nghiệm hoàn toàn mới.
Để đến bảo tàng, khách tham quan có thể đi các tuyến xe buýt: 71B, 74, 87, 88, 107, 157, E05, E07 và E09.
 
Bên trên