Bên trong tàu xuyên Việt giá hơn 200 triệu đồng mỗi khách

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Bên trong tàu xuyên Việt giá hơn 200 triệu đồng mỗi khách
Đoàn tàu với 10 toa ngủ, 2 nhà hàng được thiết kế với tiêu chuẩn 5 sao, đưa du khách vào hành trình trải nghiệm văn hóa dọc ba miền Việt Nam.

Chuyến tàu SJourney nhận nhiều chú ý thời gian qua với mức giá hơn 8.600 USD (khoảng 219 triệu đồng) mỗi người cho hành trình xuyên Việt 8 ngày 7 đêm.
Trong hình là đoàn tàu mang ký hiệu SE61 tại khu vực đường ray số 4, ga Hà Nội. Đây là chuyến tàu độc lập, tốc độ khoảng 40 km/h, phù hợp cho khách thư giãn, ngắm cảnh suốt hành trình và không bị ồn như tàu khách truyền thống.
Đoàn 18 khách đầu tiên đã kết thúc hành trình TP HCM - Hà Nội trưa 25/12, đoàn mới khởi hành chiều cùng ngày. Hiện tại, khách của chuyến tàu đều là người nước ngoài.

Thân tàu và logo được cách điệu với tông đỏ bã trầu cùng vàng kim loại, lấy cảm hứng từ màu đỏ vàng đặc trưng cho hình ảnh Việt Nam.

Lối đi trên tàu đủ cho hai người để tối ưu diện tích phòng ngủ. Nội thất được thiết kế theo phong cách Indochine (Đông Dương), gây ấn tượng với khách khi vừa đặt chân lên.

Tàu có 13 toa, gồm 10 toa ngủ, một toa bếp và hai toa nhà hàng ở hai đầu, đảm bảo khách không phải đi quá xa để dùng bữa. Nhà hàng cung cấp nhiều lựa chọn ẩm thực từ Á tới Âu, có thể phục vụ kiểu cao cấp hay gọi theo thực đơn.
Ông Phan Trọng Thắng (ảnh), Giám đốc điều hành SJourney, nói đã đi khảo sát nhiều chuyến tàu cao cấp trên thế giới trước khi đưa đoàn tàu vào hoạt động. Thông qua hành trình 8 ngày 7 đêm trên tàu, ông muốn khẳng định với du khách quốc tế về khả năng sáng tạo những sản phẩm du lịch đẳng cấp của Việt Nam.
"Toàn bộ chi tiết trên tàu là độc bản, không trùng lặp bất kỳ sản phẩm nào khác trên thế giới", ông nói.

Đơn vị tổ chức muốn du khách cảm nhận về văn hóa Việt Nam qua từng chi tiết nhỏ. Đồ nội thất được sản xuất từ các làng nghề địa phương như mây tre, bàn ghế gỗ. Tất cả được xử lý tỉ mỉ để đảm bảo chất lượng.
"Chúng tôi muốn biến chuyến tàu thành phòng trưng bày lịch sử Việt Nam chuyển động qua từng đồ trang trí thủ công tới những trải nghiệm trên hành trình", đại diện đơn vị tổ chức nói.

Bộ bàn ghế gỗ trên tàu được đặt từ một làng nghề ở Hà Nội.


Không gian phòng ngủ hai giường đơn với diện tích 10 m2. Du khách có thể để một vali cỡ đại bên trong hộc giường.

Không gian phòng giường đôi.
Các đồ dùng như chăn, ga, gối đạt tiêu chuẩn sử dụng trong những cơ sở lưu trú 5 sao - theo đại diện đơn vị tổ chức.

Mỗi phòng đều có phòng tắm riêng với những gam màu trầm, hài hòa với nội thất chung trên tàu. Cửa lùa tránh rung lắc, va đập khi di chuyển để đảm bảo an toàn cho khách.


Khu vực phòng chờ cho khách tại ga Hà Nội. Khi tới nơi, du khách được chào đón bằng những tiết mục truyền thống như đàn, múa lân.
Hành trình xuyên Việt có thể bắt đầu từ Hà Nội hoặc TP HCM, dừng ở các điểm gồm Ninh Bình, Quảng Bình, Huế, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết. Ở mỗi nơi, du khách đều có những trải nghiệm ẩm thực, văn hóa đậm chất địa phương trước khi lên tàu tới điểm tiếp theo.
Tại Hội An, du khách sẽ ngồi xe jeep ngắm cảnh thôn quê yên bình và khám phá một số làng nghề thủ công truyền thống. Tới Nha Trang, đoàn sẽ lên du thuyền ngắm vịnh trong ngày và dùng bữa trưa kiểu địa phương trên tàu.

Du khách (áo xanh) trong đoàn 12 người khởi hành chiều 25/12 chụp hình cùng đội tiếp đón trước khi lên tàu.
"Khách trong đoàn đầu tiên đều hài lòng với trải nghiệm trên chuyến tàu", ông Thắng nói, cho biết hạnh phúc khi nhìn khách quyến luyến con tàu lúc hành trình kết thúc. Tuy nhiên, đơn vị tự thấy chuyến đầu khởi hành còn một số thiếu sót trong khâu phục vụ món ăn.
 
Bên trên