Bí quyết bảo quản thức ăn thừa không lo hỏng

Phuong Nam

Well-known member
Nguyên tắc chung khi bảo quản thức ăn thừa
1681387036002.png


1. Nơi bảo quản thức ăn thừa
Mọi loại thức ăn thừa đều cần được bảo quản trong tủ lạnh trong vòng hai giờ sau khi nấu. Nguyên tắc này rất quan trọng để giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của các loại vi khuẩn có hại vào thức ăn.

2. Dụng cụ bảo quản thức ăn thừa
Thức ăn thừa cần được bảo quản trong các hộp chứa nông rồi bọc kín hoặc đậy kín. Dụng cụ này sẽ giúp thức ăn thừa được làm lạnh nhanh hơn. Bạn hãy đầu tư mua hộp tốt để tích trữ và bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh.

3. Thời điểm nên cất thức ăn thừa
Đừng đợi thức ăn nguội hoàn toàn mới cho vào tủ lạnh. Bạn nên cho vào tủ lạnh sớm, kể cả khi thức ăn vẫn còn hơi ấm. Làm như vậy sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.

4. Nhiệt độ an toàn để hâm lại thức ăn thừa
Thức ăn thừa cần được bảo quản ở nhiệt độ dưới 5°C và hâm nóng tới nhiệt độ ít nhất là 60°C. Bảo quản ở nhiệt độ trên 5ºC hay hâm nóng thức ăn thừa ở nhiệt độ thấp hơn 60°C đều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn và nhân lên.


5. Quy tắc chung để bảo quản thức ăn trong tủ lạnh

Khi bảo quản nhiều loại thức ăn trong tủ lạnh, các loại nấm mốc, mùi và thức ăn hỏng có thể gây ảnh hưởng tới các thức ăn khác nên bạn cần tuyệt đối chú ý các điểm sau:
• Chia nhỏ đồ ăn: Bạn chia thức ăn thừa vào những hộp đựng nhỏ và bằng phẳng để đồ ăn có thể được nhanh chóng làm lạnh. Một số bào tử vi khuẩn, nấm vẫn sống sót trong quá trình nấu có thể tiếp tục sinh sôi nếu thức ăn được giữ ở nhiệt độ phòng đủ lâu.
• Cất đồ ăn vào tủ lạnh sớm: Trong vòng 2 giờ sau khi nấu, thức ăn cần được bảo quản trong tủ lạnh. Những tủ lạnh thiết kế hiện đại ngày nay cho phép làm lạnh thức ăn kể cả khi chúng còn nóng hoặc ấm, vì vậy bạn không cần phải chờ cho tới khi thức ăn nguội hoàn toàn.
• Không nên bảo quản đồ ăn trong hộp kim loại: Bạn không nên bảo quản nước sốt hay các loại đồ hộp còn thừa trong tủ lạnh. Một khi hộp kim loại được mở ra, kim loại còn sót lại trên vành hộp có thể ảnh hưởng tới thức ăn và khiến đồ ăn có vị kim loại.
• Dọn trống tủ lạnh thường xuyên: Bạn không nên để tủ lạnh quá đầy. Khí lạnh cần có không gian để lưu thông giúp thực phẩm trong tủ được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp và không bị hỏng.

Cách bảo quản từng loại thức ăn thừa
1681387042852.png

1. Cách bảo quản thịt
Bạn giữ tất cả thịt, cá và gia cầm tươi sống trong các túi kín khi mua ở cửa hàng về. Nếu bạn mua thịt ở siêu thị và đã có sẵn bọc, bạn đừng gỡ bọc này ra để bọc lại. Việc bọc lại thịt sẽ làm tăng nguy cơ thịt tiếp xúc với các loại vi khuẩn có hại.
Sau khi nấu, các món thịt cần được bảo quản trong tủ lạnh không quá 2 ngày. Thịt thừa nên được hâm nóng trên 75°C. Ngoài ra, bạn nên bảo quản thịt thừa trong nước sốt, ví dụ như nước sốt mì ống hoặc súp. Điều này giúp giữ ẩm cho thịt và giữ hương vị của thịt tốt hơn sau khi rã đông.

2. Cách bảo quản cơm
Cơm là thức ăn thừa cần được bảo quản cẩn thận vì món này có thể dẫn tới ngộ độc thực phẩm nếu không được bảo quản đúng cách. Cơm cần được bảo quản trong tủ lạnh 1 giờ sau khi nấu và không nên giữ trong tủ lạnh quá 6 ngày. Bạn hãy hâm cơm ở nhiệt độ cao hơn 60°C trước khi sử dụng.

3. Cách bảo quản rau và hoa quả
Sau khi nấu rau, bạn cần làm nguội rau về nhiệt độ phòng trước khi đóng kín và dự trữ trong tủ lạnh. Rau thừa chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh trong thời gian ngắn và nên ăn trong vòng 2 ngày. Đối với rau đông lạnh, bạn luộc rau sau đó cho vào nước lạnh, để ráo nước và cho vào túi đông lạnh.
Bạn nên bảo quản riêng từng loại hoa quả và rau như táo chung với táo, cà rốt với cà rốt… Các loại hoa quả và rau dễ bị khô nên được bảo quản trong các túi nhựa có đục lỗ hoặc không được đậy kín để duy trì một môi trường ẩm nhưng vẫn cho phép không khí lưu thông.
Bạn lưu ý không rửa hoa quả và rau trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Việc rửa hoa quả có thể khiến chúng bị hỏng nhanh hơn.

4. Bảo quản bánh mì


Việc bảo quản bánh mì trong ngăn mát không đảm việc giữ bánh mì được lâu nên bạn hãy cất ở ngăn đá. Bạn nên cho bánh mì vào 1 chiếc túi chuyên dùng để dự trữ đồ ăn, điều này giúp bảo quản bánh mì tới vài tháng đấy.
Nếu bạn muốn làm nóng bánh mì mềm hoặc bánh mì giòn, bạn hãy rắc một chút nước lên bánh mì rồi nướng trong lò với nhiệt độ thấp trước khi ăn. Những chiếc bánh mì sẽ vẫn giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng.

5. Bảo quản các sản phẩm từ sữa
Nếu thức ăn thừa là phô mai, bạn không nên bảo quản trong túi ni lông vì sẽ khiến chất béo và dầu bám vào túi gây ảnh hưởng tới hương vị. Cách tốt nhất để bảo quản phô mai là nạo phô mai vào tô/hộp, bọc bằng màng bọc thực phẩm và cất trong ngăn lạnh. Cách này sẽ giúp bạn rã đông phô mai tốt hơn và có thể bảo quản phô mai thêm 2–3 tháng.
Đối với phô mai mới mua ở cửa hàng về, bạn để nguyên trong bao bì nếu chưa dùng ngay.
Bạn nên bảo quản phô mai cũng như các sản phẩm từ sữa khác như sữa chua, kem trong các hộp đựng của chúng. Bạn không nên cho sữa hoặc kem đang ăn dở vào lại hộp hoặc bình chứa cũ. Thay vào đó, bạn cho kem thừa vào bình có đậy chặt nắp hoặc dùng giấy bọc thực phẩm bọc tô kem thừa nhé.
Khi chọn mua sữa, bạn hãy chọn các loại sữa được đựng trong chai nhựa thay vì hộp giấy và chỉ nên dùng sữa vẫn còn hạn sử dụng.

6. Cách bảo quản mì ống
Nếu thức ăn thừa là mì ống, bạn có thể bảo quản một cách an toàn trong tủ lạnh khoảng từ 3–5 ngày và có thể giữ trong ngăn đá tới 8 tháng.
Bạn nhỏ một vài giọt dầu ôliu vào mì ống trước khi để trong hộp chứa kín giúp ngăn ngừa mì ống dính vào nhau và bị khô. Sau khi rã đông mì ống đông lạnh, bạn chờ một chút rồi mới đun lại mì trong nước để làm nóng.
Từng loại thức ăn thừa sẽ có thời gian bảo quản và cách bảo quản riêng. Bạn hãy tìm hiểu để bảo quản thức ăn thừa của mình đúng hơn. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được một lượng thức ăn khá lớn đấy.
 
Bên trên