Bỏ dở hai năm đại học để du học Việt Nam

Lê Trần Chiêu

Well-known member
Biết đến Việt Nam qua bài học Lịch sử năm lớp 8, khi thấy có học bổng du học Việt Nam, Oraiden bỏ ngang hai năm đại học tại Mozambique để ứng tuyển.

Oraiden Manuel Sabonete, 23 tuổi, sinh viên năm thứ ba ngành Kỹ thuật điện của Đại học Bách khoa Hà Nội, gây ấn tượng với thầy cô, bạn bè về khả năng học các môn về lịch sử, kinh tế, chính trị Việt Nam.

Chàng trai Mozambique có thể say sưa nói hàng giờ về mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Mozambique hay chia sẻ về những cuộc thi từng tham gia như sinh viên nghiên cứu khoa học hay hùng biện tiếng Việt.

"Lịch sử Việt Nam là một trong những lý do khiến mình đến đây và mình đã có những trải nghiệm thú vị khi là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội", Oraiden chia sẻ.

Oraiden đến Đại học Bách khoa Hà Nội hôm 10/11. Ảnh: Dương Tâm

Oraiden trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội hôm 10/11. Ảnh: Dương Tâm

Mozambique - nơi Oraiden sinh ra và lớn lên nằm ở Đông Nam châu Phi. Đỗ ngành Máy tính của đại học có tiếng tại quê nhà, Oraiden được bố mẹ hỗ trợ hết mình dù họ đã ly hôn, mỗi người có phải chăm lo cho 4-5 người con riêng. Không muốn trở thành gánh nặng của bố mẹ, nam sinh tìm hiểu các loại học bổng Chính phủ cấp để không phải trả học phí.

Đến năm thứ hai đại học, khi đọc được thông tin về học bổng du học Việt Nam, Oraiden quyết định nộp hồ sơ ngay bởi đã biết đến Việt Nam qua chương trình lịch sử nước ngoài năm lớp 8. Trong mắt Oraiden khi đó, Việt Nam là "quốc gia xuất khẩu gạo nổi tiếng, con người rất bất khuất, kiên cường trong các cuộc đấu tranh chống Pháp, Mỹ".

Nhờ học giỏi ở thời phổ thông, điểm môn tiếng Anh hay Vật lý luôn đạt gần tuyệt đối, Oraiden vượt qua nhiều bạn khác, trúng tuyển ngành Kỹ thuật điện của Đại học Bách khoa Hà Nội.

"Lúc biết mình sẽ sang Việt Nam, bố mẹ còn nói Việt Nam có chiến tranh đó. Nhưng mình bảo Không, đó chỉ là lịch sử thôi. Hiện Việt Nam là một trong những nơi an toàn nhất", Oraiden nhớ lại.

Đặt chân đến Việt Nam năm 2020, Oraiden có một năm học tiếng Việt ở trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên. Vừa vào trường, Oraiden đã phải học bài "Bạn làm nghề gì" bởi vào chậm một tháng. Các bài học cơ bản về thanh, dấu cũng đã được dạy trước đó. Việc phải học kết hợp trực tuyến và trực tiếp do Covid-19 cũng khiến chàng trai Mozambique gặp khó khăn.

Thông thạo tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Anh, Oraiden thấy tiếng Việt khác biệt từ ngữ pháp đến cách phát âm. Ngoài hai buổi sáng - chiều học ở trường, Oraiden tận dụng mọi thời gian để tự học.

"May mắn người Việt rất thích giao tiếp với người nước ngoài", Oraiden nói. Nam sinh thường tìm đến người lớn tuổi và các bạn nhỏ để hỏi và được chỉ dẫn tận tình.

Oraiden quan niệm học ngoại ngữ không được sợ sai nên không ngại bắt chuyện. Cậu còn xin đi dạy ở trung tâm tiếng Anh để vừa cải thiện khả năng tiếng Việt, vừa có thêm thu nhập.

Thời gian ở ký túc xá, Oraiden và bạn cùng phòng tiếp tục học tiếng Việt thông qua các câu đố. Hôm học đến trang phục, các bạn cùng hỏi "Áo dài là gì?", "Mặc áo dài dịp nào?" rồi cùng trả lời để cải thiện phát âm và ngữ pháp.

Cuối khóa học tiếng Việt, Oraiden phải thi 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Chỉ đạt 7,5 điểm Viết do nhầm lẫn các thanh như huyền - sắc nhưng Oraiden đạt 10 kỹ năng Nói.

"Hiện các thiết bị có chế độ tự sửa lỗi chính tả nên phần viết mình không gặp nhiều khó khăn nữa", Oraiden nói.

Oraiden (áo dài) trong cuộc thi hùng biện tiếng Việt cuối tháng 10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Oraiden mặc áo dài trong cuộc thi hùng biện tiếng Việt cuối tháng 10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau khi hoàn thành chương trình tiếng Việt, Oraiden đến Đại học Bách khoa Hà Nội. Dù đã giao tiếp được, việc học ở Bách khoa vẫn là thử thách lớn.

"Lúc ở Mozambique, học Giải tích không mấy khó khăn. Sang Việt Nam, mình thấy môn này khó quá", Oraiden nói, cho biết phải nhờ các bạn hỗ trợ thêm. Ngoài học ở trường, nam sinh dành 3-4 tiếng mỗi ngày để tự học.

Sang năm thứ hai, Oraiden cùng nhóm bạn tham gia nghiên cứu khoa học với đề tài "Quan hệ kinh tế Việt Nam - Mozambique từ chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam".

Cô Nguyễn Thị Phương Dung, giảng viên khoa Lý luận Chính trị, cho biết đề tài này của nhóm Oraiden có hai bài báo được công bố trên tạp chí khoa học và được Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng Đại sứ quán Mozambique tại Việt Nam xác nhận về tính ứng dụng.

Đề tài cũng giúp nhóm Oraiden đạt giải nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp đại học năm 2021 và được đề xuất tham gia Giải thưởng Khoa học Công nghệ cấp Bộ.

"Cũng từ nghiên cứu đó, Oraiden được truyền cảm hứng và thêm yêu thích tìm hiểu đường lối, chủ trương của Đảng, về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Em tích cực tham gia hoạt động sinh hoạt ngoại khóa của khoa Lý luận chính trị và Câu lạc bộ Lý luận trẻ của Bách khoa", cô Dung nói. Nữ giảng viên cũng đánh giá nam sinh người Mozambique có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực sử dụng công cụ số hóa để tạo ra những sản phẩm tốt.

Oraiden cho biết thường tìm hiểu về Việt Nam bằng cách đọc sách trên thư viện trường hoặc xem video trên Youtube. Năm nay, Oraiden cùng cô Dung thực hiện hai tác phẩm hưởng ứng cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Sản phẩm dự thi với chủ đề "Ý nghĩa đường lối ngoại giao cây tre của Đảng trong ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống" đã đạt giải nhất thể loại tạp chí và giải nhì thể loại video của Thành ủy Hà Nội. Bài tạp chí sau đó đạt giải triển vọng tại vòng chung khảo toàn quốc.

Oraiden và cô Phương Dung nhận giải thưởng cuộc thi Chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Oraiden và cô Dung nhận giải thưởng cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cấp Thành uỷ Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuối tháng 10 vừa qua, Oraiden cùng hai sinh viên Lào và Campuchia đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội dự cuộc thi hùng biện tiếng Việt do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Trong phần của mình, Oraiden nói về mối quan hệ giữa Việt Nam và Mozambique, con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc Viettel đã đến phủ sóng các vùng nông thôn ở quê hương Mozambique.

Ngoài học và tham gia các hoạt động ở trường, Oraiden duy trì dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non mỗi tuần một buổi để có thêm thu nhập. Nam sinh cũng đóng một vai nhỏ trong "Đào, Phở và Piano" - bộ phim 20 tỷ đồng về Hà Nội do Nhà nước đặt hàng.

Oraiden cho biết thời gian tới sẽ tập trung cho việc học vì nhìn nhận kiến thức học được tại Việt Nam cần thiết để trở về, tham gia vào ngành công nghiệp năng lượng tại Mozambique.
 
Bên trên