Bốn cách rèn luyện để đạt mốc 8.5 IELTS Speaking

Phạm Mai

Well-known member
Nguyễn Huyền đạt 8.5 IELTS Speaking sau nhiều lần thi bị chững ở mốc điểm 6.5-7.5 nhờ chủ động tạo ra môi trường thực hành, sắp xếp các chủ đề tương đồng để tập luyện.

Nguyễn Huyền sinh năm 1992, là cựu sinh viên ngành Tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế Luật TP HCM. Cô đạt 8.5 IELTS trong cả ba lần thi năm 2022, trong đó đạt 8.5 IELTS Speaking (Nói).
Huyền học tiếng Anh từ lớp 6, chủ yếu học ngữ pháp. Khi từ Đồng Nai lên TP HCM học đại học, cô nắm chắc ngữ pháp nhưng nói rất tệ. Năm thứ hai, trong một lần ra công viên để nói chuyện với người nước ngoài, Huyền chỉ nói được 5 phút với những câu đơn giản đã chuẩn bị trước.
"Với kỹ năng Speaking IELTS, mình đã phải bắt đầu gần như từ con số 0", Huyền nói, cho biết đạt 7.0 Speaking trong lần đầu thi IELTS vào năm 2014, sau đó rớt xuống 6.5 (năm 2016), rồi 7.5 (năm 2017) trước khi đạt mốc 8.5 ổn định như hiện nay.
Dưới đây là chia sẻ của Huyền về cách luyện kỹ năng Speaking của bài thi IELTS:
1. Đọc to và ghi âm
Huyền cho biết mỗi khi đọc báo hay truyện tiếng Anh, thay vì đọc nhanh bằng mắt, Huyền đọc to thành tiếng.
Ban đầu, Huyền đọc từng từ rời rạc vì chưa biết nối từ, lại quên cách phát âm rất nhiều từ quen thuộc. Sau một thời gian luyện đều đặn, cô biết cách đọc theo từng cụm và nối âm hay vì đọc từng từ đơn lẻ. Ví dụ, Huyền đọc "take care of" (nối caRE Of), "get a hang of it" (nối geT A hang oF It)...
Kết hợp với việc đọc như vậy, Huyền ghi âm phần đọc để nghe lại. Thời gian đầu, cô nhận thấy mình đọc khá cứng, không biết cách nhấn nhá. Để khắc phục, Huyền tập luyện bằng cách lên YouTube nghe các đoạn tiếng Anh yêu thích rồi nhại lại giống giọng điệu của tác giả. Đây là phương pháp luyện nói theo kỹ thuật "Shadowing".
Huyền cho rằng việc luyện tập phải thật đều đặn, ít nhất hãy luyện liên tục trong hai tháng mới thấy được hiệu quả rõ rệt. Lợi ích của việc này, theo Huyền là cô nói trôi chảy và hay hơn, khi nói có ngữ điệu lên xuống, không bị ngang "phè phè" như robot.
Ảnh: Nhân vật cung cấp


Nguyễn Huyền ở nhà tại Đồng Nai, hôm 21/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp
2. Tận dụng tối đa một phút trong phần 2 bài thi Speaking
Trong IELTS Speaking sẽ có 3 phần thi (Part), mỗi phần được chấm theo 4 tiêu chí, gồm phát âm chuẩn; sự trôi chảy và mạch lạc; khả năng dùng từ; ngữ pháp đa dạng và chính xác. Trong đó, Huyền nhận định Part 2 là phần thi quan trọng nhất.
Ở phần thi này, thí sinh sẽ được phát một "cue card" - tấm thẻ có đề tên một chủ đề xác định với 4 gạch đầu dòng gợi ý cùng 60 giây để chuẩn bị.
Chẳng hạn, với chủ đề "Describe one of your best friends" (Mô tả một trong những người bạn tốt nhất của bạn), Huyền nhận được bốn gạch đầu dòng gợi ý:

What this person looks like? (Người này trông như thế nào).
When and where you met this person? (Bạn gặp người này khi nào và ở đâu).
What you do when you are together? (Bạn làm gì khi ở bên nhau?).
And explain why he/she is one of your best friends? (Giải thích tại sao anh ấy/cô ấy là một trong những người bạn thân nhất của bạn?).
Theo Huyền, người thi có thể xây dựng câu trả lời bằng cách trả lời bốn gợi ý này như sau:
What this person looks like? - Tall, black hair (Cao, tóc đen).
When and where you met this person? - Primary school, live next door (Trường tiểu học, nhà bên cạnh).
What you do when you are together? - Love brain-training games, go to favourite coffee shop (Thích các trò chơi rèn luyện trí não, đi đến quán cà phê yêu thích).
And explain why he/she is one of your best friends? - Stay with me through thick and thin, love me for who I am (Ở bên tôi qua mọi thăng trầm, yêu tôi vì chính con người tôi).
Sau đó, Huyền phát triển các thông tin này thành một câu chuyện theo thứ tự thời gian, từ thời thơ ấu, cấp hai, đại học và sau khi tốt nghiệp đại học. Cô nhìn nhận cách này giống như kể một câu chuyện với các tình tiết được sắp xếp logic. Vì thế, người nghe có thể nắm bắt và nhớ được những thông tin mà chúng ta đưa ra.
"Cần tận dụng tối đa một phút chuẩn bị để đưa ra ý tưởng, giúp kéo dài câu trả lời, triển khai được nhiều ý hơn và sắp xếp các ý theo một trình tự logic và thuyết phục hơn", Huyền chia sẻ.
3. Gộp đề
Theo Huyền, đây là mẹo cực kỳ hữu hiệu cho các thí sinh cần ôn thi IELTS trong thời gian ngắn. Huyền chọn lọc và ghép những câu hỏi gần giống nhau, tìm và ghi nhớ từ vựng, các cấu trúc ngữ pháp có liên quan để luyện tập.
"Ví dụ tổng số đề mình đang cần ôn cho kỳ thi IELTS Speaking là 50 đề, khi gộp lại chỉ còn khoảng 25-30 đề. Vậy nên thời gian mình ôn sẽ được tiết kiệm rất nhiều", Huyền nói.
Huyền thường sắp xếp các câu hỏi theo 6 chủ đề chính, như: Person (Người) - Place (Địa điểm) - Object (Đối tượng) - Event (Sự kiện) - Situation và Other topics (Tình huống và chủ đề khác).
Ví dụ, Huyền sẽ gộp 6 câu hỏi sau thành một để nói về chủ đề quản lý tiền: Describe a lesson that you remember well (mô tả một bài học mà bạn ghi nhớ); Describe a useful skill you learned from an older person (mô tả kỹ năng hữu ích mà bạn học được); Describe a skill that was difficult for you to learn (mô tả kỹ năng mà bạn thấy khó học); Describe a habit your friend has and you want to develop (mô tả một thói quen của bạn bè mà bạn muốn phát triển); Describe a course that impressed you a lot (một khóa học mà bạn ấn tượng); Describe an ambition that you haven't achieved (một mong muốn mà bạn chưa đạt được).
Với cách này, Huyền có thể linh hoạt nói về nhiều chủ đề bằng cách sử dụng đi sử dụng lại một số từ vựng và cấu trúc nhất định. Đây chính là kỹ thuật lặp lại ngắt quãng (lặp đi lặp lại những kiến thức đã học theo chu kỳ).
4. Luôn chủ động
Theo Huyền, dù với phương pháp nào, người học sẽ mãi "giậm chân tại chỗ" nếu không thực hành.
Huyền chủ động tạo ra môi trường nói tiếng Anh cho mình. Ngày còn ở TP HCM, Huyền thường tìm người nước ngoài, hẹn uống cafe, thậm chí dẫn họ đi tham quan để nói chuyện. Mỗi buổi, cô có thể nói tiếng Anh khoảng hai tiếng. Bây giờ, khi chuyển về quê sống, Huyền thực hành nói với người bản xứ bằng cách lên các nền tảng online.
Nhiều người thường không biết nói gì khi hẹn nói chuyện trực tuyến, nên mục tiêu là luyện nói nhưng lại thành nghe là chính. Để khắc phục điều này, Huyền viết ra trước những nội dung mà mình muốn chia sẻ để chuẩn bị.
Chẳng hạn, với chủ đề về môi trường, Huyền chuẩn bị các câu hỏi phổ biến như: Why is it important to protect the natural environment? (Tại sao phải bảo vệ môi trường tự nhiên?); What environmental problems are common in your country? (Những vấn đề môi trường phổ biến ở nước bạn?); What can the government in your country do to deal with those problems? (Chính phủ nước bạn có thể làm gì để giải quyết những vấn đề đó?).
"Khi chủ động chuẩn bị trước mọi thứ, người học sẽ dồi dào ý tưởng và có rất nhiều cơ hội để nói thay vì rơi vào trạng thái bị động, bối rối, không biết nói gì", Huyền nói.
 
Bên trên