Các nguyên nhân gây đau tai thường gặp

Nguyệt Phan

Well-known member
Viêm tai giữa, viêm xoang, đau họng, nhiễm trùng răng, tích tụ ráy, thay đổi áp suất do độ cao… là các nguyên nhân phổ biến gây đau tai.

Đau tai là bệnh phổ biến ở nhiều người. Cơn đau bắt đầu bên trong tai được gọi là đau tai nguyên phát, nếu ở bên ngoài tai là đau tai thứ phát. Đau tai có thể phát sinh dần dần hoặc đột ngột; âm ỉ, rõ rệt hoặc nóng rát, tạm thời hoặc liên tục ở một bên hoặc cả hai tai. Các triệu chứng có thể đi kèm với đau tai như sốt, dịch chảy ra từ tai, mất thính lực, đau đầu, khó nhai, khiến trẻ quấy khóc và chán ăn.

Đau tai thường do tắc nghẽn ống eustachian (ống nối từ tai giữa đến phía sau khoang mũi và cổ họng). Khi ống eustachian bị chặn, không khí và chất lỏng không thể đi qua, tạo ra áp lực và đau đớn. Nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa) là nguyên nhân phổ biến gây đau tai, nhất là ở trẻ em.

Trẻ nhỏ có nhiều khả năng bị nhiễm trùng tai giữa hơn người lớn, một phần là do ống eustachian nhỏ hơn và thẳng hơn, khiến chất lỏng khó ra ngoài hơn. Hệ thống miễn dịch của trẻ em vẫn đang phát triển, khiến lứa tuổi này dễ nhiễm trùng hơn. Người thường xuyên bơi lội cũng có khả năng bị viêm tai ngoài (nhiễm trùng tai ngoài và ống tai) dẫn đến các cơn đau tai hơn. Do nước mắc kẹt trong ống tai ngoài sau khi bơi, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Ngoài nhiễm trùng (bệnh viêm tai), các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này như dị ứng, viêm xoang, đau họng, nhiễm trùng răng, tích tụ ráy, thay đổi áp suất do độ cao, thủng màng nhĩ (có thể do gãi bên trong tai bằng ngón tay, dùng tăm bông hoặc vật khác để ngoáy tai). Người mắc hội chứng khớp thái dương hàm (bắt nguồn từ các vấn đề với khớp nối hàm với một bên đầu), viêm khớp hàm cũng dễ bị đau tai.

Người lớn ít bị viêm tai giữa hơn trẻ em. Ảnh: Freepik

Ngoáy tai có thể gây đau tai. Ảnh: Freepik

Nhiễm trùng tai có thể tự khỏi trong vòng một hoặc hai tuần. Màng nhĩ bị thủng có khả năng tự lành trong vòng vài tháng. Một số trường hợp hiếm đau tai có thể dẫn đến mất thính lực lâu dài và các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt. Điều trị đau tai thường phụ thuộc vào nguyên nhân. Các phương pháp điều trị thông thường gồm dùng thuốc (giảm đau và kháng sinh được bác sĩ kê đơn), phẫu thuật và các biện pháp khắc phục tại nhà.

Nếu ráy tai tích tụ trong ống tai quá nhiều gây đau tai, bạn nên đi khám, nhờ bác sĩ lấy ráy tai và điều trị. Không tự nhét bất cứ thứ gì vào tai kể cả tăm bông vì sẽ đẩy ráy tai vào sâu hơn gây nhiễm trùng và ảnh hưởng thính giác.

Chườm lạnh hoặc nóng như đặt một túi lạnh hoặc khăn ướt lên tai trong khoảng 20 phút cũng có tác dụng giảm đau. Thay vì nằm thẳng, ngồi tựa đầu giúp giảm bớt áp lực trong tai giữa. Nhiều người có thể bị đau tai và giảm thính lực nhẹ do áp suất không khí thay đổi đột ngột khi ngồi trên máy bay, đi thang máy hoặc lặn xuống bể bơi. Tình trạng này thường tạm thời và hiếm khi dẫn đến các vấn đề lâu dài. Nuốt nhiều lần, nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo cứng có thể thông thoáng tai.

Để giảm nguy cơ chấn thương tai và nhiễm trùng tai, mọi người không nên ngoáy tai; luôn lau khô tai sau khi bơi và tắm; sử dụng mũ tắm, bịt tai khi bơi để tránh nước vào tai. Bỏ thuốc lá, tránh hút thuốc thụ động vì có thể gây viêm xoang và nhiễm trùng tai. Trẻ em nên được tiêm vaccine ngừa phế cầu khuẩn, vì nhiễm trùng tai có thể do vi khuẩn streptococcus pneumoniae.
 
Bên trên