Các "ông lớn" Meta - Facebook, Google,... đã có thể nộp thuế trực tiếp cho Việt Nam

Phong VHH

Võ Hoàng Hoài Phong
Giờ đây, các "ông lớn" công nghệ như Facebook, Google,... hoàn toàn có thể nộp thuế trực tiếp vào ngân sách nhà nước của Việt Nam.

Sáng 21/3, Tổng cục Thuế vừa công bố Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN). Đây không chỉ là địa chỉ để NCCNN thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế mà còn là nơi mà NCCNN có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan về lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.

Các "ông lớn" Meta - Facebook, Google,... đã có thể nộp thuế trực tiếp cho Việt Nam - 1

Cụ thể, nhà cung cấp nước ngoài có thể đăng nhập và kê khai thuế. Sau khi kê khai thuế hoàn tất, người nộp thuế sẽ nhận được email xác nhận nộp tờ khai và hướng dẫn nộp thuế với mức thuế và số tiền thuế phải nộp. Hoàn tất, nhà cung cấp nước ngoài có thể tra cứu số thuế đã nộp trên cổng này.

Như vậy, nhờ cổng TTĐT này, các "ông lớn" công nghệ như Facebook (đã đổi tên thành Meta), Google,... ở nước ngoài vốn có đặc thù là không có cơ sở thường trú ở Việt Nam, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua môi trường số và trên các ứng dụng Internet, sẽ hoàn toàn có thể nộp thuế trực tiếp vào ngân sách nhà nước của Việt Nam. Việc tăng cường các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ người nộp thuế sẽ thúc đẩy sự phát triển của hoạt động TMĐT xuyên biên giới và tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, năm 2018 đến nay, gần 5.000 tỉ đồng đã được các nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam. Trong đó, Facebook đã nộp gần 1.700 tỉ đồng, Google nộp trên 1.600 tỉ đồng và Microsoft nộp 576 tỉ đồng.

Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử hiện đang trong giai đoạn bùng nổ với mức tăng trưởng hàng năm ở mức rất cao. Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỉ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. Dự báo, khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỉ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

“Thực tiễn này đòi hỏi cần có những thích ứng phù hợp, kịp thời, không chỉ nhằm quản lý hiệu quả mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động TMĐT; đồng thời tạo sân chơi bình đẳng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giữa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước nhấn mạnh tại lễ giới thiệu.
 
Bên trên