Cách bảo quản vải thiều cả tháng vẫn tươi ngon

Nguyễn May

Well-known member
Vải thiều đang vào chính vụ tuy nhiên trời nóng vải lại nhanh bị khô vỏ, giảm chất lượng. Một số lưu ý dưới đây giúp việc bảo quản vải được lâu.

1. Chọn vải tươi ngon

Chọn vải tươi ngon. Ảnh: Bùi Thủy

Chọn vải tươi ngon. Ảnh: Bùi Thủy

Chọn được vải tươi ngon là cùi dày, hạt nhỏ và không bị sâu cuống. Các dấu hiệu nhận diện như quả vải màu hồng đỏ, kích thước nhỏ vừa, đều nhau, tròn căng, cuống tươi nhỏ, cành còn lá xanh. Thường quả màu đỏ hồng là ở phía trên của cây nên hứng đẫy nắng, mã đẹp và ngọt hơn chút so với quả màu nhạt do ở dưới thiếu nắng. Không mua vải sần sùi, có nốt đen là bọ xít đã châm hoặc cuống có lỗ nhỏ thường bị sâu đầu, nhạt, kém ngon.

2. Cắt cuống, rửa sạch

Rửa sạch vải giúp loại bỏ các chất bẩn, vi khuẩn. Ảnh: Bùi Thủy

Rửa sạch vải giúp loại bỏ các chất bẩn, vi khuẩn. Ảnh: Bùi Thủy

Vải sau khi mua về thì dùng kéo cắt rời từng quả, chừa phần cuống khoảng 1 - 2 cm để khi ăn bóc dễ hơn. Rửa nhanh vài lần nước để làm sạch, hơn nữa loại bỏ phần nào vi khuẩn, nấm bệnh nếu có ở trên vỏ để lâu dễ làm hỏng quả vải. Chú ý không ngâm lâu làm vải ngấm nước dễ bị úng khi bảo quản dài ngày.

3. Hong ráo nước

Hong khô vải tự nhiên. Ảnh: Bùi Thủy

Hong khô vải tự nhiên. Ảnh: Bùi Thủy

Vải sau khi rửa, vớt ra rổ thưa dàn đều để ráo nước tự nhiên. Nếu số lượng nhiều thì nên chia ra để vải nhanh ráo nước. Có thể dùng khăn xô, rổ đậy lên để vải không bị khô vỏ.

4. Trữ vải đúng cách

Để vào hộp nhựa chuyên dụng. Ảnh: Bùi Thủy

Để vào hộp nhựa chuyên dụng. Ảnh: Bùi Thủy

Chia vải thành các phần vào từng hộp (hộp giấy hoặc hộp nhựa chuyên dụng đều được) tương đương mỗi lần ăn, lót bên dưới đáy hộp một lớp giấy ăn rồi tới lớp vải. Làm lần lượt cho tới hết, trên cùng phủ lớp giấy ăn. Rồi đậy kín nắp lại cho vào ngăn mát tủ lạnh. Nếu không có hộp cho vải vào rổ, trùm khăn hơi ẩm lên trên rồi để ngăn mát tủ lạnh. Với các cách làm này, vải để được khoảng 1,5 – 2 tháng mà vỏ vẫn tươi đỏ, thịt mọng nước. Ngoài ra, có thể dùng túi zip hay màng bọc thực phẩm thay thế nhưng chất lượng không bằng.

Vải để cả tháng vẫn tươi ngon. Ảnh: Bùi Thủy

Vải để cả tháng vẫn tươi ngon. Ảnh: Bùi Thủy

Muốn trữ vải lâu hơn thì sau khi rửa sạch, để ráo nước nên dùng giấy báo bọc lại cho vào hộp, cất ngăn đá dùng dần. Hoặc cách khác là bóc bỏ vỏ, bỏ hạt rồi chia các phần, xếp vào hộp chuyên dụng để ngăn đá tủ lạnh. Khi ăn, rã đông tự nhiên là có vải tươi ngon như mới. Quả vải vốn chứa 82% nước và nhiều đường nên khi cho vào tủ đông, hương vị ngọt thơm không khác gì kem mát lạnh và giảm độ ngấy do ngọt nhiều.

Vải thiều hấp dẫn bởi vị ngọt và mọng nước. Ảnh: Bùi Thủy

Vải thiều hấp dẫn bởi vị ngọt và mọng nước. Ảnh: Bùi Thủy

Ngoài ra, có thể làm vải ngâm đường phèn để quanh năm, dùng cho nhiều món trà ngon như: trà vải hoa cúc, trà vải hạt chia, trà vải cam sả, trà vải ô long, trà vải hoa hồng...

Theo Đông y, thịt quả vải có tác dụng giải khát, nhuận sắc. Tuy nhiên, vải cũng chứa nhiều đường, nếu ăn nhiều thì ''nóng trong người''. Người xưa có câu "ăn một quả vải bằng giữ ba ngọn đuốc trong người" (nhất đạm lệ chi tam bả hỏa), ý nói vải có tính dương (nóng). Vì thế, nếu ăn nhiều làm khô môi, có thể gây chảy máu cam, mụn nhọt. Do đó, ăn vải với mức khuyến nghị là 5 - 6 quả/lần với người bình thường. Phụ nữ mang thai hoặc trẻ em chỉ 3 - 4 quả mỗi lần.
 
Bên trên