Cách chia sẻ cảm xúc tiêu cực với người khác một cách lành mạnh

nguyenphuonganh

Well-known member
Với nam giới, việc chia sẻ những cảm xúc, trạng thái tâm lý tiêu cực có phần khó khăn hơn so với phụ nữ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của cánh mày râu. Làm sao để bộc lộ sự tiêu cực một cách lành mạnh?

Tâm lý che giấu cảm xúc tiêu cực và hoàn cảnh khó khăn như thất nghiệp, sa thải, ly hôn, nghiện ngập ở nam giới thường rất phổ biến khi họ thường không thoải mái chia sẻ điều riêng tư với người khác. Điều này khiến tỉ lệ trầm cảm ở phái mạnh tăng cao.

Nghiên cứu từ Đại học California cho thấy, khi chúng ta diễn tả cảm xúc của mình thành lời, bộ não đang bị kích thích sẽ ngay lập tức bình tĩnh lại, giúp cho bạn xử lý suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách tốt hơn. Hãy tưởng tượng bạn từng bị tai nạn giao thông. Ý nghĩ phải lái xe trở lại khiến bạn lo lắng. Tuy nhiên theo thống kê, bạn có nhiều khả năng phục hồi cảm xúc hơn sau khi nói về chấn thương của mình thành lời.


Cách vượt qua tâm lý dè dặt để thoải mái chia sẻ
1. BIẾT RÕ NGƯỜI MÀ BẠN MUỐN CHIA SẺ
Một cuộc trò chuyện về các vấn đề dễ gây tổn thương cần nhiều can đảm, đó là lý do tại sao bạn nên chuẩn bị trước. Người mà bạn định nói chuyện có khiến bạn cảm thấy an toàn không? Đây có phải là người mà bạn sẽ tôn trọng ý kiến không? Nếu bạn nghi ngờ, hãy nghĩ đến việc tiếp cận ai đó khác.

Bạn cũng nên áp dụng biện pháp trên nếu muốn chia sẻ khó khăn về công việc hay sức khỏe. Hãy nói chuyện với những người mà bạn cảm thấy an toàn nhất. Đây là câu chuyện của bạn.

Ông John-Paul Flintoff, tác giả của Psalms For The City, một cuốn sách về sự suy sụp và phục hồi của chính ông, cho biết: “Những cuộc trò chuyện bộc lộ cảm xúc rất khó khăn, và hãy làm cho nó thoải mái nhất có thể cho bản thân bạn và người khác. Hãy kiểm tra xem họ có thời gian để lắng nghe không, và bạn đã sẵn sàng để tự mình nói chưa.”

Nếu bạn không tìm được ai, thì các chuyên gia tư vấn là đối tượng hợp lý. Họ sẽ biết cách đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho bạn.

Ảnh: Pexels
2. VƯỢT QUA TÂM LÝ DÈ DẶT BẰNG CÁCH TRÒ CHUYỆN KHI ĐANG DI CHUYỂN
Bạn không cần phải chia sẻ trong căn phòng kín. Các khu vực bên ngoài cũng là địa điểm lý tưởng để bắt đầu một cuộc trò chuyện khó khăn.

Sarah Stein Lubrano, trưởng khoa tại The School Of Life, cho biết: “Khi đi cạnh nhau, bạn sẽ giảm bớt áp lực cảm xúc vì không phải nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của ai đó. Thường thì với những cuộc trò chuyện khó khăn, ta vội vàng lấp đầy sự im lặng bằng lời nói hấp tấp. Chính vì thế, đôi khi người nghe không có đủ thời gian để đáp lại theo cách phù hợp nhất. Vì vậy, chia sẻ khi di chuyển cũng là một cách hay.”

3. NÓI VỀ TÂM LÝ KHÓ KHĂN KHI CHIA SẺ CẢM XÚC
Đôi khi cách nhanh nhất để dễ dàng trò chuyện thân mật là nói trực diện vào khó khăn của bạn. Chúng ta có thể bắt đầu bằng “Điều này khá khó nói với tôi” hoặc “Tôi không biết bắt đầu từ đâu, hãy thông cảm cho tôi nhé”. Khi làm vậy, bạn đã góp phần xoa dịu sự căng thằng của mình.

Ngoài ra, những lời mở đầu này đánh dấu tầm quan trọng của cuộc trò chuyện, khiến người nghe phải chú ý hơn. Điều này giúp bạn thấy an toàn, đồng thời khuyến khích một cuộc trò chuyện sâu sắc, ý nghĩa hơn.

Ảnh: Pexels
4. SỬ DỤNG CÁC TỪ CHỈ VỀ BẢN THÂN
Ông Ali Ross, nhà trị liệu tâm lý và phát ngôn viên của Hội đồng Tâm lý trị liệu Vương quốc Anh cho biết, hãy sử dụng các từ chỉ chính mình như “Tôi”. Điều này giúp bạn mô tả chính xác trải nghiệm của mình, đồng thời nhấn mạnh những gì bạn đang trải qua tác động mạnh mẽ đến bản thân thế nào.

Tiến sĩ Brennan Jacoby, người sáng lập Philosophy At Work, cũng khẳng định: “Hãy nói về bản thân và cảm xúc của chính bạn.”

5. CHIA NHỎ CÂU CHUYỆN
Một số cuộc trò chuyện có thể kéo dài rất lâu. Nếu cảm thấy áp lực khi phải nói hết cùng một lúc, bạn có thể hẹn đối phương vào thời điểm gần trong tương lai.

Nếu như bạn là người lắng nghe, hãy thể hiện sự gắn bó bằng những lời nói khiến đối phương an tâm, rằng họ luôn có bạn bên cạnh. Ví dụ như: “Chúng ta là bạn/người yêu/người thân, và em/anh luôn ở đây. Bất cứ khi nào anh/em cần, chúng ta sẽ tiếp tục.”

Ảnh: Pexels
6. HỌC CÁCH LẮNG NGHE Ở CẢ NGƯỜI “CHO” LẪN NGƯỜI “NHẬN”
Nếu bạn cần một ai đó, hãy học cách lắng nghe khi họ đáp lại câu chuyện của bạn.

Với người được nhờ tư vấn, bạn cũng cần phải thể hiện rõ sự cởi mở, không phán xét của mình. Ngoài ra, hãy thoải mái. Đừng tạo gánh nặng cho bản thân với ý nghĩ bạn phải giải quyết vấn đề của người đó. Bằng cách tập trung vào những gì bạn đang nghe, thay vì đưa ra giải pháp, hãy tạo một không gian an toàn để cả hai trò chuyện.

Ngoài ra, người lắng nghe cũng có thể đặt những câu hỏi mở. Hãy nồng nhiệt, tò mò, đồng thời tránh vội vàng. Nếu bạn cảm thấy lạc lõng về những gì đang được nghe, điều đó không sao cả. Điều quan trọng nhất là nỗ lực của bạn trong việc cố gắng hiểu.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên