Cách xử lý điện thoại bị rè khi vào nước

Duy Minh

Well-known member
Khi các thiết bị như điện thoại, máy tính bảng tiếp xúc với nước hoặc hóa chất, hai bộ phận loa (chuông, loa thoại) và cổng sạc là vị trí tiếp xúc nhạy cảm nhất. Nguyên tắc của hai bộ phận này là cơ chế mở, không thể đóng kín và là những điểm tiếp xúc thường xuyên nên dễ dẫn đến trục trặc tạm thời hoặc hư hỏng cần sửa chữa, thay thế.

Với cổng sạc, điện thoại chống nước đều có hệ thống nhận diện chất lỏng để kịp ngắt tính năng sạc có dây nhằm đảm bảo an toàn. Chỉ khi cổng sạc khô hoàn toàn, thiết bị mới cho phép sạc trở lại. Thông thường người dùng chỉ cần vẩy nhẹ điện thoại, lấy khăn, giấy ăn thấm từ từ để hết hẳn chất lỏng bên trong cổng sạc trước khi cắm sạc.

Loa thoại có cấu tạo phức tạp hơn và không thể tự bảo vệ như cổng sạc. Phần lưới loa thường là nguyên nhân giữ lại nước, chất lỏng bên trong với thời gian dài hơn khi ở trong cổng sạc. Đây cũng là lý do khi sử dụng loa thoại, cảm giác âm thanh bị rè do chất lỏng vẫn còn bám trên màng lưới của loa.

1688044083952.png


Để khắc phục kịp thời, có thể sử dụng thiết bị gia nhiệt như máy sấy, đèn sấy với công suất thấp để tác động trực tiếp tới hai bộ phận kể trên. Máy sấy tóc có thể dùng ở mức nhiệt thấp nhưng không nên dùng trong thời gian dài mà bật, tắt xen kẽ tránh điện thoại bị nóng lên. Nếu sử dụng mức nhiệt lớn, có thể gây hỏng màng loa và những linh kiện ngoại vi.

Do cổng sạc và loa thoại đều có khả năng dẫn nước vào bên trong bo mạch nên người dùng nên đem đến trung tâm sửa chữa nếu thấy tình trạng hư hỏng nặng hoặc bất thường. Với điện thoại bị dính chất lỏng có độ đặc sánh như sữa, trà sữa, cà phê, cần vệ sinh kỹ và càng sớm càng tốt, tránh đóng cặn trên màng loa, bên trong cổng sạc rất khó xử lý sau này.

Một lưu ý quan trọng là các hãng điện thoại ngày nay làm điện thoại chống nước nhưng đa số có điều kiện miễn trừ bảo hành trong trường hợp bị vào nước. Người dùng có thể bị từ chối bảo hành nếu điện thoại phát hiện bị vào nước kể cả trong trường hợp không nhận thấy các bất thường khác như rơi vỡ, tác động ngoại lực. Vì vậy, chỉ nên sử dụng điện thoại dưới nước khi thực sự cần thiết và lường trước các rủi ro.
 
Bên trên