Cẩm nang du lịch Long An

tran hương

Well-known member
Long An thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, giáp TP HCM ở phía đông, Đồng Tháp ở phía tây, Tiền Giang ở phía nam, Tây Ninh và tỉnh Svay Rieng, Prey Veng của Campuchia ở phía bắc.
Long An nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa Đông và Tây Nam Bộ, là tỉnh duy nhất của miền Tây Nam Bộ không có dòng Cửu Long chảy qua. Tuy nhiên, Long An có hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây gắn liền với đời sống, văn hóa và lịch sử của người dân. Thủ phủ của tỉnh là thành phố Tân An, và 14 đơn vị hành chính khác gồm thị xã Kiến Tường, các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng.
Đêm thành phố Tân An. Ảnh: Trần Thị Kiều Oanh
Long An còn là địa danh du lịch hấp dẫn bởi hệ sinh thái Đồng Tháp Mười đa dạng và phong phú hệ động - thực vật, các di tích lịch sử văn hóa - cách mạng và các công trình nghệ thuật kiến trúc, các lễ hội, làng nghề truyền thống và đặc sản đồng quê.
Long An có khí hậu đặc trưng là nhiệt đới gió mùa xích đạo, hai mùa mưa và khô rõ rệt, trong đó mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm trên 70% tổng lượng mưa cả năm. Nhiệt độ trung bình 27 độ C. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, có gió đông bắc, nhiệt độ trung bình 23 đến 38 độ C, khô ráo, độ ẩm thấp, không khí trong lành.
>> Xem thêm: Vẻ đẹp bốn mùa miền sông nước Long An
Di chuyển
Long An cách TP HCM khoảng 60 km. Các tuyến quốc lộ từ TP HCM qua Long An đi tới các tỉnh khác trong vùng gồm có QL1, 50, 61, N1 và N2 (đường Hồ Chí Minh). Thời gian di chuyển từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng rưỡi, tùy điều kiện giao thông, phương tiện và điểm đến trong tỉnh.
Du khách tự lái ôtô và xe máy đi theo Quốc lộ 1A rồi CT01 hoặc Quốc lộ 50 và 62.
Xe khách từ TP HCM đi Long An qua bến xe Miền Tây và bến xe Chợ Lớn. Du khách đến thẳng khu du lịch làng nổi Tân Lập nối chuyến tại Bến xe Long An. Giá vé dao động từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.
Có 10 tuyến xe buýt chạy từ TP HCM đi Long An gồm 80, 85, 628, 621, 627, 623. Giá vé dao động từ 7.000 đồng đến 30.000 đồng. Tại TP HCM, xe xuất phát chủ yếu tại bến xe Chợ Lớn, khoảng 15 phút một chuyến. Ngoài ra điểm xuất phát còn ở Củ Chi, quận 8 hay bến xe Miền Tây.
Sân bay gần TP Tân An nhất là Tân Sơn Nhất, TP HCM. Thời gian di chuyển một tiếng rưỡi đến hai tiếng, tùy điều kiện giao thông. Phương tiện: taxi và xe khách.

Khoảng tháng 9-10, các huyện đầu nguồn của Long An như Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng nước lũ ngập đến chân ruộng, cũng là lúc đồng ruộng ngập sắc hoa súng. Ảnh: Lê Hoàng Thái
Lưu trú

Long An nằm liền TP HCM nên thích hợp với chuyến đi trong ngày hoặc chuyến đi ngắn 2-3 ngày. Nếu nghỉ qua đêm ở Long An, du khách nên chọn nơi lưu trú ở các khu du lịch sinh thái.
Khu lưu trú tại làng nổi Tân Lập có các loại phòng với giá dao động từ 450.000 đồng đến 1,1 triệu đồng một đêm. Ngoài ra còn có khách sạn Làng Nổi Tân Lập nằm ở huyện Mộc Hoá, giá phòng dao động từ 400.000 đồng một đêm.
Tại trung tâm thành phố Tân An, du khách có thể chọn các khách sạn 2-3 sao với giá dao động từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng một đêm.
Tham quan
Làng nổi Tân Lập
Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập. Ảnh: TT Xúc tiến Du lịch Long An
Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập nằm ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, là điểm đến với cảnh sông nước bình yên. Thiên nhiên nơi này nổi bật với rừng tràm cổ thụ, các đầm sen, hồ súng và hàng trăm loài chim cá và các loài lưỡng cư. Du khách sẽ ngồi trên xuồng đi giữa rừng. Ở đây còn có đài quan sát để du khách phóng tầm mắt bao quát cảnh vật. Du khách cũng có thể đi bộ trên tuyến đường để khám phá rừng tràm.
Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản miền Tây như lẩu gà lá giang, lẩu chua cá lóc, cá linh chiên giòn, cá kho tộ, lươn xào nghệ. Bản sắc văn hóa của cư dân địa phương qua các nghề thủ công truyền thống chạm gỗ, đóng thuyền, nghe đờn ca tài tử cũng là trải nghiệm tại đây.
Khu du lịch mở cửa từ 7h đến 17h, vé vào cổng giá 70.000 đồng. Ngoài ra, còn có giá cho từng dịch vụ khác như chèo thuyền, xe điện, câu cá, xe đạp.
>> Xem thêm: Con đường xuyên rừng tràm ở Tân Lập
Khu du lịch 'Cánh đồng bất tận'

LA2-4328-1727781635.jpg
LA1-6716-1727781636.jpg
Nằm cách trung tâm TP HCM khoảng 80 km, khu du lịch "Cánh đồng bất tận" thuộc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, nằm tại khu phố 3, thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa. Nơi này có hơn 1.000 ha rừng tràm gió nguyên sinh tuổi đời hàng trăm năm và một "rừng thuốc" bảo tồn hơn 80 loại gene thảo mộc quý hiếm.
Đây là điểm đến mới nổi ở huyện Mộc Hóa, từng là bối cảnh chính của phim Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên, thích hợp là nơi thư giãn, giúp du khách buông bỏ những mệt nhọc đời thường.
'Cánh đồng bất tận' ở Long An



Những trải nghiệm tại Cánh đồng bất tận. Video: Ngô Phương Tâm
Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười
Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười trải dải trên các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa và Tân Thạnh. Nơi đây là vùng đất ngập nước của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 6.000 ha, là địa điểm níu chân du khách bởi những cánh rừng tràm bạt ngàn hơn 800 ha. Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười có gần 120 loài chim, 150 loài động vật, trong đó có các loài quý hiếm như cò, sếu đầu đỏ, rùa, trăn đất, rắn ráo.
Đến đây, du khách sẽ được tận mắt ngắm những cánh rừng tràm, đầm sen. Nếu ghé thăm khu du lịch vào mùa nước nổi (khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm), du khách sẽ có dịp được ngắm hoa sen nở.
>> Xem thêm: Hành trình tới vùng Đồng Tháp Mười
Nhà cổ trăm cột
Ngôi nhà cổ mang kiến trúc Huế với 120 cột nhà bằng gỗ quý, đã tồn tại hơn 100 năm tại Long An. Ngôi nhà nằm ở bờ sông Vàm Cỏ Đông, thuộc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước. Mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế nhưng được làm theo đơn đặt hàng của gia chủ trong bối cảnh Nam bộ thời Pháp thuộc, nên nhà có nhiều nét thay đổi trong đề tài trang trí, tạo sự hài hòa giữa kiến trúc Trung và Nam Bộ.
Vườn thanh long
Vườn thanh long ở Long An. Ảnh: TT Xúc tiến Du lịch Long An
Những vườn thanh long ở huyện Châu Thành là một trong những điểm tham quan ở Long An. Tổng diện tích trồng thanh long ở huyện gần 8.000 ha. Đến thăm vườn, du khách được nghe giới thiệu về cây thanh long, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản trái và thưởng thức thanh long tại chỗ. Nếu đến vườn vào khoảng tháng 5 đến tháng 8, du khách còn có cơ hội ngắm nhìn vườn thanh long trổ hoa trắng.
Vườn dứa Bến Lức
Cây dứa "bén duyên" trên vùng đất phèn huyện Bến Lức, tỉnh Long An từ rất lâu. Thương hiệu khóm của địa phương ngày càng lan xa bởi độ ngon, ngọt hơn nhiều vùng khác. Mỗi năm, một cây khóm chỉ ra được một trái. Tuy nhiên, nông dân có thể xử lý để khóm ra trái vào những thời điểm tùy theo ý muốn, vì vậy, khóm Bến Lức có quanh năm. Cánh đồng khóm là cảnh mới lạ để du khách sáng tạo những bức ảnh đẹp và độc đáo. Không chỉ hòa mình vào không gian bao la của cánh đồng khóm, bạn còn có dịp cảm nhận mùi hương thoang thoảng của trái chín lan tỏa và thưởng thức trái khóm thơm ngon ngay tại vườn.
Huyện Cần Giuộc
CG2-3409-1729507892.jpg
CG1-1695-1729507892.jpg
Huyện Cần Giuộc là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng của Long An, có nhiều di tích lịch sử văn hóa được hình thành từ hàng trăm năm, thích hợp du lịch văn hóa và trải nghiệm. Theo gợi ý của Hiệp hội Du lịch tỉnh, du khách có thể chọn các điểm như Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, chợ Cần Giuộc, Tổ đình Tôn Thạnh, Khu di tích khảo cổ học Rạch Núi, Tổ đình Linh Sơn, Miếu Bà Ngũ Hành, khu du lịch Tiến Thành.
Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp
Đến cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, du khách ẽ có trải nghiệm "đi chợ Campuchia". Chợ vùng biên Bình Hiệp chỉ cách cửa khẩu vài trăm mét, luôn nhộn nhịp với nhiều mặt hàng, trong đó nổi bật là hàng Việt Nam, Thái Lan và một số sản phẩm của Campuchia. Ngoài ra, ở đây còn có cột mốc phân định biên giới với Campuchia cũng được nhiều du khách check in.
Ẩm thực
Cà na
Trèo cây hái cà na mùa lũ ở Đồng Tháp Mười



Thu hoạch cà na ở Đồng Tháp Mười. Video: Hoàng Nam
Nếu về các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp vào tháng 9-10, nhiều người sẽ gặp cà na được bán từ các khu chợ, tuyến đường lớn đến các hàng rong ven đường. Đây là loại trái dân dã được người dân chế biến thành nhiều món ngon. Cà na có hình bầu dục, kích thước to gần bằng đầu ngón tay cái và lớp vỏ trơn láng. Khi còn non, cà na có màu xanh, ngả vàng nhạt khi đạt độ chín. Cà na ăn sống có vị chua và chát, thường chấm với muối ớt hoặc ngâm chua ngọt.
Mắm còng Cần Giuộc
Còng thuộc họ cua, thường sống ở các bãi biển, đầm lầy. Để làm mắm còng, người dân phải đi bắt còng từ 20h đến 3h. Còng càng tươi thì mắm càng ngon. Tiếp đó, họ rửa sạch còng cho bớt mùi tanh rồi xay nhuyễn với muối và đường. Hỗn hợp này được đem phơi khoảng 3-4 ngày rồi vắt lấy nước cốt và lại đem phơi nắng đến khi keo sệt lại. Mắm còng được làm và phơi đúng chuẩn khi bỏ vào hũ, bịt kín miệng, sau vài tháng vẫn giữ hương vị. Không chỉ được người dân địa phương yêu thích, mắm còng Cần Giuộc còn là quà cho khách du lịch.
Bún Xiêm Lo
Có nguồn gốc từ Campuchia, bún Xiêm Lo phổ biến ở huyện Mộc Hóa và một số địa phương lân cận. Món ăn nguyên bản chỉ có nước lèo nấu từ cá lóc, bún sợi, muối ớt. Người dân miền Tây biến tấu theo khẩu vị địa phương, thêm phần thịt cá. Cá lóc sau khi sơ chế, phần đầu để ninh nước dùng, thịt đem làm chả. Chả cá lóc có thể nặn thành hình vuông hoặc viên tròn. Để nồi nước dùng có màu đẹp, người nấu cho thêm nghệ băm nhuyễn và các gia vị khác như muối, nước mắm và bột ngọt cho vừa ăn.
ca-chot-9343-1729505761.jpg
mam-cong-6744-1729505762.jpg
Bun-xiem-lo-9845-1729505762.jpg
Canh chua cá chốt
Cá chốt là loại cá da trơn, lớn nhất đạt khoảng một kg, có thể tìm thấy ở các sông, kênh rạch tại địa phương. Cá chốt có thể nấu thành rất nhiều món ăn như kho tộ, kho sả ớt, muối chiên hoặc chiên tươi, nhưng ngon nhất vẫn là canh chua. Cá chốt tuy nhỏ, ít thịt nhưng thịt ngon, xương mềm, vào mùa sinh sản sẽ nhiều trứng. Món canh chua cá chốt ngon hay không phụ thuộc nhiều vào việc chọn lá me non, và các nguyên liệu khác như đậu bắp, cà chua. Canh chua cá chốt có vị ngọt thanh của lá me và vị béo từ cá.
Lạp xưởng tươi Cần Đước
Lạp xưởng Cần Đước gắn với địa danh Rạch Kiến, một quận của Long An xưa, nơi từng có nhiều người Hoa sinh sống. Họ học theo tổ tiên cách dồn những mẫu thịt băm vào ruột heo và cho lên men tự nhiên. Nguyên liệu để chế biến lạp xưởng được chọn những phần thịt ngon, thường là thịt đùi, bỏ gân. Nguyên liệu thứ hai là phần mỡ heo dày, giòn và không bị chảy nước. Thịt và mỡ có tỷ lệ riêng để đảm bảo không khô, không béo. Lạp xưởng tươi truyền thống Cần Đước là đại diện duy nhất của Long An lọt top món ăn năm 2022 do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam lựa chọn.
 
Bên trên