Cảnh giác với thủ đoạn giả danh nhân viên công vụ để chiếm đoạt tài sản

Nguyệt Phan

Well-known member
Cảnh giác với thủ đoạn giả danh nhân viên công vụ để chiếm đoạt tài sản



BDK - Thời gian qua, tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng để chiếm đoạt tài sản tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng xấu lợi dụng hiểu biết mập mờ của nhiều người về các vấn đề công nghệ, số hóa để yêu cầu bị hại làm theo chỉ dẫn của chúng với mục đích thu thập thông tin cá nhân, mã xác thực OTP, thậm chí chiếm quyền kiểm soát sim điện thoại, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử của bị hại.


Đánh cắp mã OTP để chiếm đoạt tài sản. Ảnh: ST


Đánh cắp mã OTP để chiếm đoạt tài sản. Ảnh: ST
Một số thủ đoạn phổ biến
Một thủ đoạn phổ biến được tội phạm sử dụng là giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử gọi điện thoại đến khách hàng với lý do hỗ trợ giải quyết sự cố cho khách hàng hoặc giúp người dùng nâng cấp sim điện thoại 3G lên 4G, 5G. Trong quá trình trao đổi, đối tượng yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp do chúng đưa ra (thực chất đây là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi được một số nhà mạng áp dụng), sau khi bị hại gửi thành công tin nhắn theo cú pháp đối tượng hướng dẫn thì sẽ mất quyền kiểm soát sim điện thoại của mình. Từ đó, đối tượng chiếm đoạt tiền trong ví điện tử (gọi tắt là ví), tài khoản ngân hàng.
Trước mắt, bị hại không chỉ mất hết tiền trong ví, tài khoản ngân hàng, mà về sau còn có nguy cơ gánh thay các khoản nợ bởi các đối tượng này có thể sử dụng thông tin có được để vay tiền qua các ứng dụng, đăng ký vay tiêu dùng, mua hàng trực tuyến.
Thượng tá Nguyễn Phương Hòa - Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh khuyến cáo: Quyền sử dụng sim điện thoại di động là một trong những điều kiện để vào các tài khoản quan trọng của người dùng. Do đó, mọi người tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu của người gọi đến từ số điện thoại lạ. Khi có yêu cầu cần được giải quyết, bà con nên đến bộ phận chăm sóc khách hàng của các cơ quan này để được tư vấn, hỗ trợ.

Bên cạnh đó, giả danh là cán bộ công an yêu cầu bổ sung thông tin cá nhân phục vụ cấp tài khoản định danh điện tử cũng là thủ đoạn tội phạm thường sử dụng để chiếm đoạt tài sản của người khác. Sau một thời gian Bộ Công an triển khai cấp tài khoản định danh điện tử, lợi dụng việc này, một số đối tượng tự xưng là cán bộ công an gọi điện thoại đến đọc đúng tên, số định danh, ngày tháng, năm sinh (dữ liệu này của cá nhân bị lộ lọt do nhiều nguyên nhân, phổ biến như mua hàng trả góp), từ đó bị hại tưởng thật nên tin tưởng và thực hiện theo yêu cầu của chúng là đăng nhập vào website giả mạo giao diện của cơ quan nhà nước để điền thông tin cá nhân, cung cấp số tài khoản, mã OTP gửi về điện thoại, sau đó sử dụng thông tin này để chiếm đoạt tài sản.
Nêu cao tinh thần cảnh giác
Mã xác thực OTP (One Time Password) là loại mật khẩu chỉ sử dụng 1 lần và được coi là lớp bảo vệ thứ hai cho các tài khoản thanh toán ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến, email, mạng xã hội... Mã OTP được gửi qua tin nhắn SMS đến đúng số điện thoại mà chủ sở hữu dùng để đăng ký các tài khoản dịch vụ. Thời gian tồn tại của mã OTP cũng rất ngắn, thường chỉ trong vòng 30 giây, sau thời gian này mã không còn hiệu lực.
Các đối tượng giả danh là cán bộ công an yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ cấp tài khoản định danh điện tử với mục đích là lấy mã OTP để đăng nhập vào các ứng dụng ngân hàng điện tử, ví điện tử (Momo, Zalo Pay, VnMart...) để chiếm đoạt tiền trong các ví điện tử này hoặc sử dụng vào mục đích khác.
Để phòng ngừa việc bị các đối tượng xấu lấy mã OTP, Thượng tá Nguyễn Phương Hòa khuyến nghị: Mọi người tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu của số điện thoại lạ mà cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, khi có yêu cầu thì liên hệ cơ quan công an cấp huyện gần nhất hoặc cán bộ đang công tác trong ngành công an có quen biết để được tư vấn và xác thực thông tin, tuyệt đối không cung cấp mã OTP (của nhà mạng, ngân hàng hay các đơn vị cung cấp dịch vụ khác có xác nhận bảo mật bằng mã OTP) cho bất kỳ ai.
Hiện nay, Bộ Công an và Công an tỉnh không có chủ trương thu thập thông tin như số tài khoản ngân hàng, mã OTP của cá nhân. Do vậy, mọi người cần cảnh giác khi nhận được yêu cầu cung cấp những thông tin này với bất kỳ lý do gì.
Đối với tội phạm lợi dụng không gian mạng để xâm phạm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, biện pháp đấu tranh hiệu quả nhất chính là phòng ngừa. Để bảo vệ quyền lợi và tài sản của chính mình, mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác và báo ngay cho cơ quan công an, ngân hàng một khi đã cung cấp thông tin cho người lạ để kịp thời khóa tài khoản và phục vụ quá trình điều tra, truy tìm tội phạm.
 
Bên trên