Cảnh giác với "tín dụng đen - cho vay lãi nặng"

Minh Thư

Well-known member
Theo UBND TPHCM, việc ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg là một quyết định kịp thời, đúng đắn, thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm giải quyết tình hình TP và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", để chỉ đạo tập trung cao độ, quyết liệt và toàn diện. Bên cạnh đó, người dân cần đề cao cảnh giác với loại "Tín dụng đen - Cho vay lãi nặng", cũng như ngành ngân hàng cần có sản phẩm cho vay để người dân dễ tiếp cận hơn…

Truy tố, xét xử kịp thời và cần tăng hình phạt đủ sức răn đe

Theo thống kê, trong khoảng một năm qua, TPHCM đã tiếp nhận, phát hiện 381 vụ việc có liên quan đến "tín dụng đen", trong đó CA TPHCM đã khởi tố 112 vụ, 268 bị can. Tuy nhiên, những vụ "cho vay lãi nặng - tín dụng đen" làm tình hình phức tạp về ANTT, có đến 1.316 lượt đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động cho vay lãi nặng.

Theo UBND TPHCM, CA TPHCM đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ mang lại những hiệu quả rõ rệt như công tác điều tra, đề nghị truy tố, ngành tòa án xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ án được truy tố, xét xử tăng, qua đó, đánh giá việc đấu tranh, xử lý các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" đã đánh trúng, đánh mạnh vào hoạt động phạm tội cho vay lãi nặng, phát hiện ngay từ sớm, không để phát sinh các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác có nguyên nhân từ "tín dụng đen". Mặt khác, nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao, kịp thời phát hiện các hành vi có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

UBND TPHCM cũng đã đề xuất Bộ CA kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự theo hướng tăng hình phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng, vốn là hành vi gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Bộ CA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ việc sản xuất, kinh doanh không phải tìm đến "tín dụng đen". Đồng thời, đề nghị Bộ CA chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục hỗ trợ CA TPHCM trong công tác đấu tranh phòng, chống TP, nhất là công tác phối hợp, trao đổi thông tin tình hình hoạt động, di biến động của các băng nhóm, đối tượng lưu động từ các tỉnh, thành khác vào TPHCM để hoạt động và trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với TP cho vay trực tuyến.

Báo ngay cơ quan chức năng khi phát hiện sai phạm

Theo Sở TTTT TPHCM, trong thời gian qua, trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều trường hợp dù không vay nợ, không bảo lãnh cho người khác vay nợ nhưng liên tục bị nhắn tin, gọi điện thoại đòi nợ, đe dọa, gây áp lực để trả khoản nợ vay của người vay nào đó. Theo đó, khi vay tiền bằng hình thức tín chấp, người vay phải đồng ý để người cho vay được quyền sử dụng, truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội thông qua ứng dụng vay (app). Khi người vay không trả tiền đúng hạn hay mất liên lạc thì người cho vay sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ này để nhắn tin, gọi điện thoại để đòi nợ, cho dù không liên quan đến các khoản vay nợ đó. Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp còn bị các đối tượng cho vay sử dụng công nghệ, cắt ghép hình ảnh với những nội dung thô tục, nhạy cảm... để đăng lên các trang mạng xã hội, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của người bị đòi nợ.

Để cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp, bảo vệ và xử lý đối với những trường hợp như trên, các cá nhân bị quấy rối nên lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung đe dọa, nhắc nợ, đòi nợ và gửi kèm theo văn bản đến tổ chức, cá nhân cho vay nợ để khiếu nại về biện pháp nhắc nợ, đòi nợ đối với người không có nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời, các cá nhân, tổ chức có thể gửi đơn kèm chứng cứ tới chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm về lĩnh vực ngân hàng hoặc gửi đơn trình báo, tố cáo đến cơ quan CA, Sở TTTT để được hỗ trợ, xử lý về hành vi sử dụng dịch vụ viễn thông để đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Thời gian qua, Sở TTTT đã xử lý 3 trường hợp vi phạm với số tiền phạt 27,5 triệu đồng, đồng thời ngừng cung cấp dịch vụ đối với 23 thuê bao di động trên địa bàn TPHCM có hành vi vi phạm...

CA TPHCM thời gian qua đã và đang khẩn trương điều tra phối hợp xử lý những vụ việc như tình trạng người dân thường xuyên nhận được cuộc điện thoại, tin nhắn, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến cuộc sống, uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân... CA TPHCM đề nghị người dân khi bị đối tượng đòi nợ với phương thức thủ đoạn như trên thì nên ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, lưu lại hình ảnh cắt ghép sai sự thật để cung cấp cho cơ quan CA và các cơ quan chức năng nhằm làm cơ sở xử lý và can thiệp trong trường hợp cần thiết, cần tránh tâm lý e ngại, thậm chí thỏa hiệp cho qua, tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục hành vi vi phạm pháp luật.


Cảnh giác qua những vụ án nổi cộm…

Như Chuyên đề Báo CA TPHCM đã phản ánh, mới đây, ngày 03-6-2022, CA Q.Bình Tân đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Bùi Văn Vương (SN 1992, quê Hòa Bình, tạm trú P.An Lạc A, Q.Bình Tân) để điều tra về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Liên quan đến các nhóm chuyên cho vay lãi nặng, CA Q.Bình Tân cũng lập hồ sơ xử lý hành chính với các đương sự: Lý Minh Đức (SN 1998, quê Hà Nam, tạm trú P.Tam Phú, TP. Thủ Đức); Hồ Sơn Tùng (SN 1990, quê Hà Nội, tạm trú P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân); Nguyễn Kim Thành (SN 1984, quê Hà Nội, tạm trú P. Tân Tạo A); Phạm Thanh Quảng (SN 1982, quê Yên Bái, tạm trú P7Q11); Phạm Anh Đức (SN 1982, quê Hà Nội, tạm trú P.Bình Trị Đông) và Trần Anh Đức (SN 1987, quê Sơn La, tạm trú P.An Lạc A). Ngoài ra, Cơ quan CSĐT CA Q.Bình Tân cũng chuyển nguồn tin về tội phạm đến CA Q.3 để điều tra theo thẩm quyền đối với Nguyễn Bá Thảo (SN 1984, quê Bắc Giang, tạm trú P.An Lạc A) và đối tượng Phạm Văn Kiên (SN 1992, quê Hải Dương, tạm trú P.Bình Hưng Hòa A) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng.

Hay vụ án nổi cộm Đào Xuân Thắng lôi kéo đàn em từ Hải Phòng vào TPHCM lập đường dây cho vay lãi nặng, lãi suất từ 300% đến hơn 1.000%/năm đã được Bộ CA khám phá vào tháng 12-2021, thu giữ 3 xe ô tô, 13 ĐTDĐ các loại, 3 thẻ ngân hàng, 4 ổ cứng máy tính, cùng nhiều sổ sách, hợp đồng cho vay, hợp đồng cầm cố, ủy quyền, thế chấp tài sản (nhà cửa, ôtô) có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng. Theo Cục CSHS, tùy hình thức góp theo ngày hay mỗi nửa tháng, Thắng lấy lãi 300% đến hơn 1.000% một năm. Theo Cơ quan CSĐT, một số người dù đã trả hàng chục tỷ đồng tiền lãi cho Thắng và đồng phạm nhưng số tiền gốc vẫn còn nguyên hoặc bị cộng dồn nhiều hơn. Trong nhiều vụ, băng giang hồ này gây sức ép đến nỗi con nợ phải sang tên bất động sản, ôtô... cho chúng.

Để lôi kéo người đang có nhu cầu vay tiền, các đối tượng cho đăng quảng cáo trên các website, mạng xã hội, kết nối với các đối tượng môi giới làm trong ngành ngân hàng, tài chính để giới thiệu người đang có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, đầu tư, buôn bán, đặc biệt là những người có nhu cầu đáo nợ ngân hàng. Ngoài ra, để che giấu hoạt động cho vay lãi nặng của băng nhóm, né tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng CA, Thắng và đồng phạm thuê căn hộ chung cư để ở và hoạt động, quảng cáo dịch vụ cho vay lãi trên mạng để thu hút khách, lập các nhóm Zalo để trao đổi công việc cho vay, đòi nợ, xiết nợ... Đối với những khách vay khoản tiền lớn, Thắng yêu cầu khách viết giấy tờ thế chấp, hợp đồng cầm cố tài sản hoặc hợp đồng ủy quyền sử dụng tài sản với mục đích đảm bảo cho khoản vay. Nếu khách chậm trả hoặc không trả được nợ sẽ ép khách làm thủ tục sang tên tài sản. Đối với những người vay chậm đóng tiền lãi, tiền góp hàng ngày, Thắng chỉ đạo đối tượng đàn em gây sức ép hoặc phải chuyển nhượng tài sản có giá trị cao như căn hộ, ôtô cho nhóm này. Cục CSHS cho biết, nhóm của Thắng đã cho hàng trăm khách hàng vay với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.
 
Bên trên