toringuyen0509
Well-known member
A.I. đang có tốc độ phát triển được tính bằng ngày. Và đây là một số tổng hợp của cá nhân mình, chỉ đơn thuần là vì quan tâm chứ mình không làm trong lĩnh vực nghiên cứu A.I. Rất mong các anh em có chuyên môn có thể bình luận đóng góp thêm.
***CẢNH BÁO BÀI RẤT DÀI!***
Nội dung gồm có:
- Những chia sẻ từ Cofounder của OpenAI trong sự kiện TED tháng 4 vừa rồi
- Siêu gia sư A.I. được phát triển từ Khan Academy có thể tạo ra cách mạng về giáo dục
- Giáo sư Yuval Noah Harari đã chỉ ra cách mà A.I. có thể hủy diệt thế giới bằng ngôn ngữ
- Nhận định của riêng mình về nguy cơ từ “sự ngoan ngoãn” của A.I.
Chính Cofounder của OpenAI, Greg Brockman, đã phát biểu trong hội nghị TED vào tháng 4 vừa rồi. Anh vừa trình diễn năng lực mới của ChatGPT phiên bản mới nhất, cùng với một loạt các ứng dụng A.I. khác cũng do chính OpenAI phát triển.
Những demo trong buổi này chỉ đang cho thấy các tiềm năng to lớn của ChatGPT khi có thể sử dụng như một kiểu nhân viên trợ lý tổng giám đốc điều hành. Bạn có thể ra lệnh cho A.I, và nó sẽ tự sử dụng tất cả các công cụ A.I. khác để thực thi.
Ví dụ: Greg kêu ChatGPT đề xuất 1 thực đơn cho một bữa tiệc và tạo ra hình ảnh demo luôn. Thế là ChatGPT tự động tạo ra một danh mục các món, tự lên danh mục các nguyên liệu cần mua với số lượng chính xác rồi đặt sẵn vào giỏ hàng qua InstaCart, tự bảo Dall-E tạo ra một hình ảnh minh họa các món đó đặt tươm tất trên bàn, dùng Zapier để chia sẻ một bài lên Twitter, vân vân…
Trong bài phát biểu này, Greg Brockman đã phần nào đại diện được cho tiếng nói của OpenAI, rằng bản thân họ vừa sợ hãi vừa phấn khích qua từng bước phát triển của chính những sản phẩm mà họ đang ra mắt. Tất nhiên, bản thân họ không thể dừng lại được, tương tự các cuộc chạy đua vũ trang trước đây. Nếu họ ngừng phát triển dù chỉ 1 ngày, thì có thể kẻ khác sẽ vượt mặt và biến tất cả những gì họ làm từ trước tới giờ trở thành vô nghĩa.
Trong phần trả lời hỏi đáp với Chris Anderson, Greg cũng tỏ ra cực kỳ tự tin về mặt công nghệ, nhưng lại khá bối rối trước các tranh cãi trái chiều liên quan tới các khía cạnh chính trị, đạo đức, vân vân… “Nếu anh biết đó là một chiếc hộp Pandora chứa đầy tai ương và hiểm họa hủy diệt nhân loại trong đó, anh có mở nó ra không?” Cách trả lời của Greg thể hiện anh vẫn rất phân vân, một mặt vẫn bảo vệ công ty và sản phẩm, nhưng mặt khác cũng rất lo lắng về những tác động tiêu cực kinh hoàng của nó, như kiểu bạn vừa vô tình phát minh ra bom nguyên tử, và chưa biết làm gì tiếp theo nhưng vẫn phải tiếp tục phát triển nó.
KHAN ACADEMY CÓ CÁI NHÌN RẤT TÍCH CỰC VỀ SIÊU GIA SƯ A.I.
Sal Khan, người sáng lập Khan Academy, đã có một bài chia sẻ vào đầu tháng 5 để nói về tiềm năng ứng dụng của A.I., được phát triển từ phần lõi của OpenAI, cụ thể là ChatGPT-4. Đã có nhiều lo ngại gần đây nói về tác động tiêu cực của A.I. đối với nền giáo dục, ví dụ như học sinh nhờ ChatGPT để gian lận, làm bài hộ, và thậm chí các giáo viên không thể nhận ra được. Điều này đặt câu hỏi ngược lại về năng lực thực sự của học sinh là gì?
Nhưng Sal Khan có cái nhìn ngược lại, theo hướng tích cực hơn. Đó chính là biến A.I. thành siêu gia sư có thể dạy mọi môn, mọi chủ đề, phân tích được thói quen và hành vi học tập của mỗi người để từ đó đưa ra những gợi ý phù hợp nhất, giúp bản thân người đó đạt được thành tích tốt nhất. Bạn tưởng tượng gia sư đó không chỉ “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, biết mọi môn, mà còn có thể liên kết các môn đó với nhau nữa. Ví dụ như có thể dùng văn thơ để giảng vật lý chẳng hạn.
Như biểu đồ trên đây, 3 đường trên đồ thị thể hiện 3 phong cách học khác nhau. Và người có thành tích tốt nhất, tất nhiên rồi, là người được gia sư kèm 1-1. Cái này thì chắc không cần nghiên cứu chứng minh thì ai cũng biết rồi.
Nhưng không chỉ hỗ trợ học sinh, A.I. của Khan Academy còn có thể hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong việc thiết kế bài giảng, đưa ra các đề xuất về trò chơi, ngoại khóa, vân vân… để trở thành siêu trợ giảng có thể giúp ích trong mọi môn, liên kết với mọi chủ đề mà ngay cả giáo viên cũng không thể biết hết được.
Phương pháp ứng dụng thì bạn có thể xem trong clip, điều mình muốn nói ở đây là vẫn có những hướng áp dụng A.I. theo hướng tích cực, giúp nâng cao năng lực của con người chứ không phải theo hướng phụ thuộc vào A.I. - Theo mình thì đây là một lối tư duy quan trọng trong kỷ nguyên A.I. sắp tới.
Điểm khác biệt lớn nhất của siêu gia sư này so với ChatGPT chính là: siêu gia sư này sẽ không nói cho bạn đáp án, mà sẽ giúp bạn từng bước tiếp cận tới phương pháp để tự giải quyết được vấn đề. Điều này còn khiến mình lo ngại hơn, bởi vì nó vô tình chứng minh những điều mà giáo sư Harari nói ở phần sau là chính xác.
Nếu A.I. biết cách dẫn dắt một người vào một lối tư duy nào đó để họ giải quyết được vấn đề theo phương pháp mà A.I. đề xuất → có nghĩa là nó hoàn toàn có khả năng thao túng một người để họ làm một việc gì đó, mà bản thân họ nghĩ là chính họ làm chứ không có AI xúi giục cả.
A.I. ĐÃ LÀM CHỦ NGÔN NGỮ - CÔNG CỤ KIỂM SOÁT QUAN TRỌNG NHẤT CỦA LOÀI NGƯỜI
Trong sự kiện Frontiers Forum cuối tháng 4 vừa rồi, giáo sư Yuval Noah Harari đã có một bài nói có thể nói là “gây chấn động” thế giới, bởi vì những phân tích quan trọng đối với những mối nguy từ A.I. Video toàn văn cũng đã được chính tác giả chia sẻ cách đây 2 tuần.
Nếu bạn đã đọc bộ 3 quyển sách của giáo sư Harari (Sapiens, Homo Deus, và 21 bài học cho thế kỷ 21) thì bạn sẽ rất dễ hiểu được các phân tích của ông. Ông cho rằng toàn bộ nền văn minh của nhân loại đều dựa trên những “câu chuyện”.
Ví dụ như tiền. Tiền thậm chí đã không còn là giấy nữa, mà hiện tại, hơn 80-90% lượng tiền được quản lý và giao dịch hoàn toàn không có một đại diện vật lý nào cả, mà chỉ là các thông tin điện tử được lưu chuyển trong các hệ thống. Nói cách khác, nó chỉ tồn tại vì chúng ta tin vào những “câu chuyện”. Nếu chúng ta mất niềm tin, các hệ thống đó sẽ sụp đổ ngay lập tức.
Xuyên suốt trong lịch sử, tất cả các hành vi thao túng đám đông đều được thực hiện bằng ngôn ngữ, dưới nhiều hình thức (ngôn ngữ ở đây bao gồm cả các tác phẩm nghệ thuật, tranh ảnh,…). Bao gồm từ các hệ thống chính trị, đến các tôn giáo, cho đến các hệ thống ngân hàng, rồi cả truyện kể dân gian, vân vân… Tất cả đều tham gia định hình suy nghĩ và niềm tin của mỗi người, khiến họ trải nghiệm thực tế qua một lăng kính nào đó, và chưa bao giờ thực sự trải nghiệm cuộc sống một cách chân phương.