Chàng trai từ học cao đẳng đến nghiên cứu sinh đại học top 1 thế giới

Thanh Thúy

Well-known member
TRUNG QUỐC - Hành trình 11 năm từ sinh viên cao đẳng nghề đến nghiên cứu sinh Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Chu Tín Tịnh khiến nhiều người ngưỡng mộ vì sự kiên trì.
Chu Tín Tịnh (1996) sinh ra ở hòn đảo nghèo tại Chiết Giang (Trung Quốc), từ nhỏ không thích đọc sách. Vì lười học nên trong kỳ thi tuyển sinh cấp 3 năm 2012, Tín Tịnh không đỗ trường nào. Lúc này, anh mới nhận thức được tầm quan trọng của việc học.
Không còn lựa chọn khác, Tín Tịnh phải học tại Trường Cao đẳng Kinh tế Thương mại Kỹ thuật và Dạy nghề Chiết Giang. Tại đây, lần đầu anh được nghe về Cuộc thi Lập trình dành cho sinh viên đại học (ACM) trong lớp Lập trình cơ bản do chuyên gia phần mềm Lâm Tân Huy giảng dạy.
Tìm được niềm đam mê, Tín Tịnh tập trung nghiên cứu. Sau quá trình tích lũy kiến thức, anh quyết định đăng ký tham gia cuộc thi ACM, dưới sự dẫn dắt của thầy Lâm Tân Huy - người gieo mầm cho niềm đam mê này.
Để chuẩn bị cho cuộc thi, Tín Tịnh bắt đầu nghiên cứu thuật toán từ đơn giản đến phức tạp. 1 năm ôn tập, anh giải quyết được nhiều vấn đề. Đặc biệt, Tín Tịnh đã tự học và nghiên cứu nhiều sách chuyên ngành máy tính bằng tiếng Anh.
Tham dự ACM năm 2013, Tín Tịnh và các bạn mang về Huy chương Vàng cấp tỉnh. 1 năm sau, anh đóng vai trò là người hướng dẫn sinh viên khóa dưới tham gia cuộc thi và giành được Huy chương Bạc. Với tinh thần quyết tâm giành giải Đặc biệt, Tín Tịnh ngày đêm luyện tập. Lần 3 tham dự ACM, đội của Tín Tịnh hoàn thành mục tiêu đề ra.
Chu Tín Tịnh phát biểu trong Hội nghị Kiến trúc Internet Toàn cầu năm 2021 (GIAC). Ảnh: GIAC
Ngoài tham gia ACM, năm 2 cao đẳng anh còn gia nhập Công ty Phần mềm - Shanghang Softcomp Software với vai trò giám đốc kỹ thuật. Tốt nghiệp cao đẳng, anh làm việc trong Viện nghiên cứu công nghệ STOWard với tư cách là kỹ sư thực tập (Java Developer - thực tập sinh đã tốt nghiệp).
Năm 2015, tốt nghiệp cao đẳng, Tín Tịnh được tuyển thẳng vào Viện Máy tính thuộc Đại học Khoa học Điện tử Hàng Châu. Sở hữu thành tích tốt cùng kinh nghiệm thực tế, anh thành công 'thăng cấp' từ cao đẳng lên đại học.
Vào đại học, anh nổi bật giữa hàng nghìn sinh viên, 2 lần giành được học bổng toàn phần của trường và quốc gia. Kiên trì đọc sách chuyên ngành tiếng Anh, tháng 6/2016, trong Kỳ thi Ngoại ngữ dành cho sinh viên đại học ở Trung Quốc, anh thi đỗ chứng chỉ CET-6 được 584 điểm. Năm 2017, anh là thủ khoa đầu ra của Đại học Khoa học Điện tử Hàng Châu, với số điểm tốt nghiệp 89,36 (4.5/5.0).
Mong muốn theo đuổi sự nghiệp chuyên sâu, Tín Tịnh học lên thạc sĩ. Từ 8h-21h, không bao gồm thời gian nghỉ ngơi và ăn uống, anh dành ra 11 tiếng ôn tập/ngày, kéo dài nửa năm. Vượt qua nhiều thí sinh cùng 3 vòng thi, năm 2017, Tín Tịnh trúng tuyển hệ thạc sĩ chuyên ngành Khoa học và Công nghệ Máy tính tại Đại học Chiết Giang.
Tại đây ngoài thời gian học, anh thường đến phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Anh nảy ra ý tưởng nghiên cứu Bộ nhớ không bay hơi (NVM - viết tắt của từ Non-Volatile Memory). Sau nửa năm tìm hiểu, công trình nghiên cứu của Tín Tịnh được các chuyên gia tại Hội nghị Quốc tế Cơ sở dữ liệu (VLDB) đánh giá mới ở mức mô phỏng chưa thuyết phục.
Thời điểm đó, nghiên cứu NVM chỉ được thực hiện bởi các công ty hợp tác với Intel. Không đầu hàng trước khó khăn, Tín Tịnh xin vào Alibaba thực tập, học hỏi và nghiên cứu thêm. Dưới sự giúp đỡ của đồng nghiệp ở Alibaba, bài nghiên cứu của Tín Tịnh được tổ chức VLDB chấp nhận.
Tốt nghiệp thạc sĩ năm 2019, Tín Tịnh gia nhập Tencent. Thời gian này, ngày đi làm, cuối tuần anh nghiên cứu. Hoàn thành mục tiêu, công trình nghiên cứu của anh nhận Giải ACM SIGMOD 2021.
Tháng 9/2021, Tín Tịnh nhận được học bổng tiến sĩ của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Đến nay, anh có 5 bài nghiên cứu được các hội nghị và tạp chí hàng đầu chấp nhận. Tín Tịnh từng có bài phát biểu tại các Hội nghị Cơ sở dữ liệu hàng đầu như: SIGMOD 2021, VLDB 2021, VLDBJ 2022CIDR 2023.
Dự kiến đến năm 2026, anh nhận được bằng tiến sĩ của MIT. Hành trình 11 năm từ sinh viên cao đẳng đến nghiên cứu sinh đại học top 1 thế giới của Tín Tịnh nhận được sự đồng cảm của nhiều người vì sự kiên trì và cố gắng không ngừng nghỉ.
 
Bên trên