"Chánh Văn" Hoàng Anh Tú: Hôn nhân của cha mẹ dạy con cái điều gì?

Nguyễn May

Well-known member
"Chánh Văn" Hoàng Anh Tú cho rằng "nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình", hôn nhân của bạn dạy con cái rất nhiều điều mà chưa chắc bạn đã nhận ra.

Hôn nhân của cha mẹ dạy con cái điều gì?
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), "Chánh Văn" Hoàng Anh Tú ra mắt cuốn sách với tiêu đề ấn tượng Trồng một người cha - gieo lên người mẹ và đổ đầy hạnh phúc vào những đứa trẻ, do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành.

Cuốn sách được viết suốt 4 năm, trải qua đại dịch Covid-19 với rất nhiều trải nghiệm trực tiếp từ các cuộc hôn nhân mùa khủng hoảng. Trong đó, một số câu chuyện từng ầm ĩ trên mạng xã hội, thời sự nóng bỏng.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ cuốn sách khởi đầu mang tên là Hôn nhân của cha mẹ dạy con cái điều gì?, nhưng tác giả muốn gọi bằng một cái tên khác: Trồng một người cha - gieo lên người mẹ và đổ đầy hạnh phúc vào những đứa trẻ.

Bởi theo anh, cha - mẹ - con cái chính là 3 thành tố chính của hạnh phúc. Theo tác giả, làm sao có một cuộc hôn nhân hạnh phúc khi người cha không được "trồng", người mẹ không được "gieo" và những đứa con không được "đổ đầy"?

Chánh Văn Hoàng Anh Tú: Hôn nhân của cha mẹ dạy con cái điều gì? - 1

Bìa sách "Trồng một người cha - gieo lên người mẹ và đổ đầy hạnh phúc vào những đứa trẻ" (Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam).

Cuốn sách dày 220 trang, gồm 5 chương: Hôn nhân hạnh phúc - Con cái hạnh phúc; Chúng ta có thể tặng con cái điều gì?; Ly dị sao để con không mồ côi; Bố mẹ có thấy nước mắt của chúng con; Thương con sao để con thương?

Mỗi bài viết của tác giả đều nỗ lực hướng tới hạnh phúc, cách để cha mẹ và con cái cùng hạnh phúc.

Để phụ nữ nào cũng là "mẹ hạnh phúc", đàn ông nào cũng là "bố hạnh phúc", đứa trẻ nào cũng là "con hạnh phúc", hôn nhân nào cũng là "hôn nhân hạnh phúc".

Kể cả ly dị, làm mẹ đơn thân, cha đơn thân thì ly dị cũng phải hạnh phúc, mẹ đơn thân cũng hạnh phúc, cha đơn thân cũng hạnh phúc.

Theo "Chánh Văn" Hoàng Anh Tú, "nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình", hôn nhân của bạn dạy con cái rất nhiều điều mà chưa chắc bạn đã nhận ra, sử dụng nó và biến nó thành cách để làm cho con cái mình hạnh phúc.

"Cuốn sách này sẽ phơi bày cả những giọt nước mắt của trẻ với mong muốn cha mẹ hiểu. Bởi chỉ khi chúng ta có hiểu thì cái thương mà chúng ta dành cho con mới trở thành thương đúng và chạm tim con. Bạn sẽ mang về cuốn sách này để hạnh phúc hơn chính bạn hôm qua chứ?", tác giả cho hay.

Đừng một mình dạy con
Trong lời khép sách, tác giả Hoàng Anh Tú viết:

"Tôi nghĩ mãi về việc người lớn chúng ta (cụ thể là thầy cô và cha mẹ) dường như quá bận bịu để có thể kiên nhẫn trong việc dạy dỗ lũ trẻ.

Bởi trong hầu hết những lời khuyên về kỷ luật tích cực của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều nói về việc: Dành thời gian và kiên nhẫn trong giáo dục trẻ. Thứ mà chẳng phải cha mẹ, thầy cô nào cũng có thể làm được. Nên chúng ta luôn chọn cách dễ, làm cho nhanh, cho chóng. Và nhanh nhất luôn là cho nó cái roi, mọi thứ sẽ đâu vào đấy.

Vậy, phải làm sao kỷ luật một đứa trẻ một cách tích cực và… không tốn thời gian?

Tôi cho rằng đó là một mong mỏi bất khả thi. Giống như xây Paris không thể trong một ngày vậy. Mỗi đứa trẻ đều là một công trình vĩ đại của chúng ta và hành trình lớn lên cùng con rất cần xây đắp từng ngày. Thậm chí, đôi lần sai sót. May mắn cho chúng ta là lũ trẻ mau quên, dễ dàng tha thứ. Với cha mẹ, thầy cô chúng đều được cài mặc định việc chấp nhận những lúc cha mẹ vô lý, thầy cô vô lý. Chỉ là chúng ta đừng lạm dụng điều đó. Một lời xin lỗi chân thành của cha mẹ, thầy cô luôn có tác động rất lớn đến lũ trẻ.

Bận bịu cũng vậy. Một người thì lâu ba người thì chóng. Nên cha mẹ, thầy cô nên học cách… teamwork đi. Đừng ôm hết mọi thứ. Giáo dục con cái cần phải cả cha lẫn mẹ, cần phải có cả thầy cô trợ giúp. Và với thầy cô cũng vậy, nên kêu gọi cả cha mẹ trẻ tham gia cùng thay vì một tay làm hết. Khả năng teamwork là thứ kỹ năng quan trọng trong thời đại 4.0 này với lũ trẻ nên cha mẹ, thầy cô cũng nên teamwork đi. Và trực tiếp lôi kéo đứa trẻ vào team của mình. Cùng nhau xây dựng mục tiêu và cùng nhau đạt mục tiêu đó.

Chánh Văn Hoàng Anh Tú: Hôn nhân của cha mẹ dạy con cái điều gì? - 2

Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú (Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam).

Giống như tôi vẫn nhờ thầy cô của lũ trẻ nhà tôi, nhờ chính anh chị em chúng với nhau, nhờ cả bạn bè mình và quan trọng nhất, nhờ chính con giúp mình chỉnh sửa con.

Đúng là tôi may mắn khi lũ trẻ nhà tôi chịu hợp tác, thầy cô của chúng luôn vui vẻ tham gia, vợ tôi tích cực tham gia, ba đứa cùng để mắt đến nhau. Là tôi biến việc giáo dục con cái thành tương tác xã hội, cộng đồng với nhau. Là chung nhau một mục tiêu vậy. Kêu gọi sự trợ giúp không phải vì bạn bất lực mà là vì bạn có quyền sử dụng ấy.

Đừng lúc nào cũng một mình dạy con. Bởi đứa trẻ của chúng ta cũng sống trong cả một cộng đồng chứ không phải chỉ sống với riêng bạn. Đứa trẻ cần lớn khôn và trưởng thành từ cả những tương tác nhiều chiều. Miễn là cha mẹ, thầy cô đừng chỉ coi đó là trách nhiệm của riêng mình là được.

Vốn là không có đứa trẻ hư, chỉ có những hành vi xấu. Thế nên, kỷ luật nào cũng chỉ nên là kỷ luật hành vi xấu thay vì kỷ luật con mình. Xin nhớ cho! Và hành vi xấu nào cũng cần được thay đổi trong mọi môi trường, mọi mối quan hệ của con. Đừng chỉ một mình bạn phải làm điều đó. Thêm một trợ giúp là giảm được một chút thời gian của bạn và giúp con bạn, học trò của bạn thay đổi tích cực hơn vậy".
 
Bên trên