Võ Xuân Trường
Well-known member
Chè lam ngọt ngào của vùng “Đệ nhất danh trà” Thái Nguyên
Mỗi dịp Tết đến, giữa không gian núi rừng xanh bát ngát, người Tày ở làng Thái Hải (Thái Nguyên) lại rộn ràng làm món chè lam.
Nhắc tới chè lam, mọi người thường nhớ tới món quà quê dân dã của những vùng quê Bắc Bộ, trong đó có huyện Thạch Thất (Hà Nội). Tuy nhiên, ở Thái Nguyên - nơi có những đồi chè ăn no sương sớm, đồng bào dân tộc Tày cũng có món chè lam mang hương vị rất ấn tượng.
Đối với người Tày, từ bao đời nay, cứ khi xuân về, trăm hoa đua nở, trên bàn thờ gia tiên lúc nào cũng phải có món chè lam. Bà Nông Thị Hảo (60 tuổi, Thái Nguyên) cho biết: “Trong dịp Tết, gia đình người Tày nào cũng vậy, khi làm xong món bánh chè lam phải cắt 1 phần dâng lên ông bà tổ tiên trước, đợi hương tàn rồi mới thưởng thức”.
Chè lam không phải món ăn cầu kỳ ở nguyên liệu, tuy nhiên, để cho ra những mẻ bánh thơm ngon nhất cần sự tỉ mỉ ở từng công đoạn làm bánh. Quen với hạt gạo, phên đường từ khi 12 tuổi, đến nay bà Hảo vẫn cần mẫn làm chè lam để đón Tết mỗi năm.
“Chè lam truyền thống chỉ cần gạo nếp và đường phên là đủ, có thể thêm lạc để tăng sự béo, bùi tùy vào sở thích”, bà Hảo cho biết.
Nhâm nhi chè xanh cùng miếng bánh chè lam đã trở thành văn hóa ẩm thực của người Tày ở Thái Nguyên. Ảnh: Lê Tuyến
Gạo nếp được chọn để làm chè lam của đồng bào người Tày là gạo nếp vải - thứ gạo khi chín có màu nâu sẫm như quả vải, đồ xôi cho hương vị dẻo, thơm mà không bị ngán. Gạo được đem vào cối đá, xay đều tay để thu được những hạt gạo căng mẩy, tròn mập, có màu trắng đục.
Điểm khác biệt trong cách làm chè lam của đồng bào người Tày ở Thái Nguyên với những vùng khác là gạo nếp đem đãi sạch sẽ rang chín trong chảo. Khâu rang gạo chính là bước quyết định chè lam có được dẻo, dai hay không, bởi rang gạo trong chảo phải đều lửa, đều tay đảo. Sự nhịp nhàng của bàn tay cùng ánh lửa bập bùng cháy sẽ giúp hạt gạo chín dần và đều, không bị sượng.
“Độ dẻo của chè lam chính là điều mà người ăn cảm nhận đầu tiên. Do đó, gạo không chín sẽ khiến bánh bị lợn cợn, ăn mất hẳn độ ngon”, bà Hảo vừa rang gạo, thêm than vừa chia sẻ.
Gạo rang chín là khi trong chảo bốc lên mùi thơm phức, hạt gạo chuyển sang màu vàng nhẹ. Lúc này, gạo chín để nguội bớt sẽ được đem đi giã hoặc xay cho thật nhuyễn, thật mịn để thu được thứ bột gạo thơm, mềm mịn, chỉ cần khẽ thổi là bay.
Bột nếp ngon tạo nên hương vị, kết cấu đã ăn là nhớ của món chè lam. Ảnh: Lê Tuyến
Gạo nhà trồng được, những miếng đường mía phên nâu sậm, thanh ngọt mùi mía trước kia cũng do tự tay bà Hảo làm lấy. Sau khi đã có bột, bà Hảo sẽ đun đường phên cùng với gừng hấp chín giã nhuyễn. Bên ngoài trời mưa bụi bay, trong căn nhà sàn nhỏ bập bùng lửa cháy, mùi gừng tỏa lên thơm nồng ấm như xua đi cái giá rét của những ngày cận Tết.
Nước đường sôi kỹ, bà Hảo bắc nồi ra khỏi bếp rồi đổ bột vào trộn chứ không trộn ở trên bếp. Từng đợt bột gạo trắng ngà theo tay bà Hảo hòa quyện với làn nước đường thơm sóng sánh, lác đác màu vàng nhẹ của gừng nhuyễn.
Vì không đảo hỗn hợp bột - nước dưới lửa nên đây là công đoạn đòi hỏi bà Hảo phải khuấy thật nhanh, khỏe tay; bột phải thật mịn để hòa quyện hoàn toàn với nước đường. “Lúc khuấy bột, nhà đông người, tôi mỏi tay thì ông nhà tôi, con tôi lại thay mẹ vào trộn”, bà Hảo vui vẻ kể.
Bột phải được khuấy đến khi thành hỗn hợp đặc sệt, có độ chảy nhẹ và không còn lợn cợn màu trắng của bột gạo là được. Bà Hảo đổ hỗn hợp bột lên chiếc mâm đã lót lớp bột nếp vải rang chín rồi cán mỏng bột. Lớp bột gạo chín phủ bên ngoài không chỉ giúp chè lam không bị dính mà còn tạo thêm màu sắc nổi bật cho món quà quê này.
Chè lam dẻo, mềm nhưng không hề bị dính. Ảnh: Lê Tuyến
Chè lam được cắt thành những miếng nhỏ, khi ăn thường uống cùng với nước chè xanh. Tôi nếm thử một miếng, cái vị dẻo, mềm, dai rất nhẹ cùng với vị ngọt thanh, thoang thoảng mùi gừng khiến tôi đã ăn một miếng lại muốn ăn thêm. Bà Hảo lại mời thêm chén nước chè xanh, vị chát của những búp chè giúp món chè lam lại như giảm đi thêm cái ngọt của từ “chè”, chỉ còn sự dẻo mềm, thanh dịu trong chữ “lam”.
Chè lam là món ăn truyền thống, thể hiện tấm lòng thơm thảo của người Thái để cúng dâng gia tiên và đãi khách dịp lễ, Tết. Ai về Thái Nguyên đầu xuân, ngắm đồi chè, nghe chim hót, uống trà..., người ta không chỉ nhớ về những búp chè xanh mà còn nhớ đến món chè lam thơm, dẻo của người Tày.
Mỗi dịp Tết đến, giữa không gian núi rừng xanh bát ngát, người Tày ở làng Thái Hải (Thái Nguyên) lại rộn ràng làm món chè lam.
Nhắc tới chè lam, mọi người thường nhớ tới món quà quê dân dã của những vùng quê Bắc Bộ, trong đó có huyện Thạch Thất (Hà Nội). Tuy nhiên, ở Thái Nguyên - nơi có những đồi chè ăn no sương sớm, đồng bào dân tộc Tày cũng có món chè lam mang hương vị rất ấn tượng.
Đối với người Tày, từ bao đời nay, cứ khi xuân về, trăm hoa đua nở, trên bàn thờ gia tiên lúc nào cũng phải có món chè lam. Bà Nông Thị Hảo (60 tuổi, Thái Nguyên) cho biết: “Trong dịp Tết, gia đình người Tày nào cũng vậy, khi làm xong món bánh chè lam phải cắt 1 phần dâng lên ông bà tổ tiên trước, đợi hương tàn rồi mới thưởng thức”.
Chè lam không phải món ăn cầu kỳ ở nguyên liệu, tuy nhiên, để cho ra những mẻ bánh thơm ngon nhất cần sự tỉ mỉ ở từng công đoạn làm bánh. Quen với hạt gạo, phên đường từ khi 12 tuổi, đến nay bà Hảo vẫn cần mẫn làm chè lam để đón Tết mỗi năm.
“Chè lam truyền thống chỉ cần gạo nếp và đường phên là đủ, có thể thêm lạc để tăng sự béo, bùi tùy vào sở thích”, bà Hảo cho biết.
Nhâm nhi chè xanh cùng miếng bánh chè lam đã trở thành văn hóa ẩm thực của người Tày ở Thái Nguyên. Ảnh: Lê Tuyến
Gạo nếp được chọn để làm chè lam của đồng bào người Tày là gạo nếp vải - thứ gạo khi chín có màu nâu sẫm như quả vải, đồ xôi cho hương vị dẻo, thơm mà không bị ngán. Gạo được đem vào cối đá, xay đều tay để thu được những hạt gạo căng mẩy, tròn mập, có màu trắng đục.
Điểm khác biệt trong cách làm chè lam của đồng bào người Tày ở Thái Nguyên với những vùng khác là gạo nếp đem đãi sạch sẽ rang chín trong chảo. Khâu rang gạo chính là bước quyết định chè lam có được dẻo, dai hay không, bởi rang gạo trong chảo phải đều lửa, đều tay đảo. Sự nhịp nhàng của bàn tay cùng ánh lửa bập bùng cháy sẽ giúp hạt gạo chín dần và đều, không bị sượng.
“Độ dẻo của chè lam chính là điều mà người ăn cảm nhận đầu tiên. Do đó, gạo không chín sẽ khiến bánh bị lợn cợn, ăn mất hẳn độ ngon”, bà Hảo vừa rang gạo, thêm than vừa chia sẻ.
Gạo rang chín là khi trong chảo bốc lên mùi thơm phức, hạt gạo chuyển sang màu vàng nhẹ. Lúc này, gạo chín để nguội bớt sẽ được đem đi giã hoặc xay cho thật nhuyễn, thật mịn để thu được thứ bột gạo thơm, mềm mịn, chỉ cần khẽ thổi là bay.
Gạo nhà trồng được, những miếng đường mía phên nâu sậm, thanh ngọt mùi mía trước kia cũng do tự tay bà Hảo làm lấy. Sau khi đã có bột, bà Hảo sẽ đun đường phên cùng với gừng hấp chín giã nhuyễn. Bên ngoài trời mưa bụi bay, trong căn nhà sàn nhỏ bập bùng lửa cháy, mùi gừng tỏa lên thơm nồng ấm như xua đi cái giá rét của những ngày cận Tết.
Nước đường sôi kỹ, bà Hảo bắc nồi ra khỏi bếp rồi đổ bột vào trộn chứ không trộn ở trên bếp. Từng đợt bột gạo trắng ngà theo tay bà Hảo hòa quyện với làn nước đường thơm sóng sánh, lác đác màu vàng nhẹ của gừng nhuyễn.
Vì không đảo hỗn hợp bột - nước dưới lửa nên đây là công đoạn đòi hỏi bà Hảo phải khuấy thật nhanh, khỏe tay; bột phải thật mịn để hòa quyện hoàn toàn với nước đường. “Lúc khuấy bột, nhà đông người, tôi mỏi tay thì ông nhà tôi, con tôi lại thay mẹ vào trộn”, bà Hảo vui vẻ kể.
Bột phải được khuấy đến khi thành hỗn hợp đặc sệt, có độ chảy nhẹ và không còn lợn cợn màu trắng của bột gạo là được. Bà Hảo đổ hỗn hợp bột lên chiếc mâm đã lót lớp bột nếp vải rang chín rồi cán mỏng bột. Lớp bột gạo chín phủ bên ngoài không chỉ giúp chè lam không bị dính mà còn tạo thêm màu sắc nổi bật cho món quà quê này.
Chè lam được cắt thành những miếng nhỏ, khi ăn thường uống cùng với nước chè xanh. Tôi nếm thử một miếng, cái vị dẻo, mềm, dai rất nhẹ cùng với vị ngọt thanh, thoang thoảng mùi gừng khiến tôi đã ăn một miếng lại muốn ăn thêm. Bà Hảo lại mời thêm chén nước chè xanh, vị chát của những búp chè giúp món chè lam lại như giảm đi thêm cái ngọt của từ “chè”, chỉ còn sự dẻo mềm, thanh dịu trong chữ “lam”.
Chè lam là món ăn truyền thống, thể hiện tấm lòng thơm thảo của người Thái để cúng dâng gia tiên và đãi khách dịp lễ, Tết. Ai về Thái Nguyên đầu xuân, ngắm đồi chè, nghe chim hót, uống trà..., người ta không chỉ nhớ về những búp chè xanh mà còn nhớ đến món chè lam thơm, dẻo của người Tày.