Chi thêm chục triệu luyện ngoại ngữ, nửa câu cũng không dám nói

Nguyễn Mai

Well-known member
Nhiều học sinh, sinh viên cho rằng chương trình tiếng Anh (không chuyên) ở trường không đủ để nâng cao trình độ cũng không đủ hấp dẫn nên dễ chán nản, không còn hứng thú.
"Học thêm 3 năm vẫn không dám nói một câu"

Vừa vào năm học mới được 1 tháng, em Đỗ Thị Linh, học sinh lớp 5 ở Hà Nội phải quay video một bài nói tiếng Anh giới thiệu về bản thân. Cả buổi tối em lo lắng, đứng ngồi không yên. Lúc đầu nhờ mẹ trợ giúp, nhưng sau Linh ở một mình trong phòng khóc vì không thể nói được một câu tiếng Anh to, rõ ràng.

Trường hợp của Linh không hiếm ở các trường học công lập, nơi tiếng Anh phần nhiều nặng về ngữ pháp còn các kĩ năng như nghe, nói, viết bị coi nhẹ hơn.

Mẹ Linh cho biết, ngay từ năm lớp 2, chị đã cho con học thêm một giáo viên trong làng với lịch học 1 buổi/ tuần. Tuy tiền học phí không cao như ở các trung tâm ngoại ngữ nhưng với thời gian ba năm, học phí cũng trên chục triệu và con chị cũng hoàn thành bài tập trên lớp chứ không tăng được kiến thức và đặc biệt là phản xạ nói tiếng Anh vẫn kém.

“Đây là một điều đáng tiếc với học tiếng Anh ở Việt Nam khi vừa không có môi trường học tập ở trường, vừa không có môi trường để giao tiếp tiếng Anh thường xuyên nên học thêm ba năm, tốn học phí nhưng nhiều em không nói nổi một câu giao tiếp", phụ huynh này cho hay.

Em Nguyễn Minh, học sinh một trường THCS ở Huyện Hoài Đức, Hà Nội thừa nhận đã lớp 8 và học thêm nhiều nhưng kiến thức còn rất hạn chế.

“Trên lớp đã học kiến thức ngữ pháp nhưng tuần nào em cũng học thêm một buổi ở ngoài cho yên tâm. Dù học thêm nhưng một câu nói giao tiếp tiếng Anh em không tự tin nói trước đám đông, bạn bè. Đây là một thất bại của em”- Minh chia sẻ.

Đỗ Văn Dũng, sinh viên năm thứ nhất của ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, em vừa trải qua một quá trình học tiếng Anh ở phổ thông thực sự không hiệu quả vì mấy năm học phổ thông chỉ học ngữ pháp và từ vựng phục vụ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Các bài trong sách hầu như bỏ qua không học.

Mặt khác, Dũng cho rằng, học ở phổ thông không được học 4 kĩ năng như trong vở đã có. Một số thầy cô phát âm sai nên khiến việc học tiếng Anh của học sinh khi lên đến đại học vất vả và rất khó để sửa. Chính điều này ảnh hưởng đến kĩ năng nghe và nói tiếng Anh.

“Cách dạy tiếng Anh không chuyên ở đại học vẫn nặng ngữ pháp về lý thuyết. Nếu học giao tiếp, giảng viên vẫn giữ phương pháp ai giơ tay nói thì được điểm. Chính vì cách dạy nhàm chán, không sáng tạo khiến mình coi nhẹ việc học trong trường mà đi học thêm để bổ sung kiến thức" - đó là chia sẻ của Kim Anh, sinh viên năm cuối tại một trường đại học ở Hà Nội. Chỉ còn vài tháng nữa ra trường, Kim Anh vội đăng ký một lớp học giao tiếp để sau khi tốt nghiệp có cơ hội xin được công việc mong muốn.

Lỗi do đâu?

Hỏi lí do không hào hứng học tiếng Anh ở trường, nhiều học sinh thừa nhận chương trình học nhàm chán, thầy cô đã nhiều tuổi và phát âm có lúc còn sai.

Em Nguyễn Thị Hoài Thu, học sinh lớp 7 ở Hà Nội cho rằng, lớp em phải học với giáo viên quá già nên không có sự cập nhật kiến thức cũng như phát âm không chuẩn xác nên học sinh dần mất đi niềm yêu thích với môn học này.

Bà Đỗ Ngọc Dung, Hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội chia sẻ, tổ tiếng Anh của trường có 4 giáo viên ở độ tuổi trên dưới 50 và 2 giáo viên trẻ (là hợp đồng thỉnh giảng).

Theo vị hiệu trưởng này, vì lí do tuổi tác nên việc dạy tiếng Anh cũng có những hạn chế khi số giáo viên trẻ được học tập theo phương pháp mới còn ít. Giáo viên hợp đồng thỉnh giảng là giáo viên của trường khác nên việc đổi mới xuất hiện nhiều khó khăn.

“Người cao tuổi nhất là thầy giáo 53 tuổi, hai cô giáo khác đều 50 tuổi, một cô giáo cũng đã 44 tuổi. Hai cô giáo trẻ một người sinh 1991, một người sinh 1999 chỉ là giáo viên hợp đồng. Trường chỉ có một cô có bằng sư phạm tiếng Anh nhưng tới ba giáo viên chỉ học lớp của huyện trước kia”, cô Dung chia sẻ.

Bà Dung cho rằng tiếng Anh theo chương trình mới phát triển cả bốn kỹ năng cho học sinh nhưng có thể do chương trình khá nặng, việc đổi mới để có sự hấp dẫn không phải ai cũng làm được nên học trò chưa thật hứng thú.

Là sinh viên năm nhất của trường ĐH Ngoại ngữ- ĐH Quốc gia Hà Nội, em Đỗ Ngọc Dương vừa phải đi học thêm tiếng Anh ở ngoài, vừa đi trợ giảng ở trung tâm tiếng Anh để tăng kĩ năng cho mình.

Dương cho rằng, chương trình tiếng Anh ở trường khá nhàm chán và không đủ hấp dẫn để sinh viên chú trọng học tập, rèn luyện.

Các học phần tiếng Anh ở trường đại học có dạy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, nhưng không đào quá sâu nội dung bài nên em không có hứng thú với việc học tiếng Anh ở trường và nên gần như bỏ qua môn này.

"Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bản thân mình và một số bạn khác vẫn còn lười và chưa đủ động lực để tự học. Nói thật nếu bản thân sinh viên không có động lực học thì cách dạy có hay đến mấy, các bạn cũng không tiến bộ”, nam sinh chia sẻ.

Dương đề xuất, giáo trình tiếng Anh ở trường đại học cần phải thay đổi theo hướng nên chú trọng cả 4 kỹ năng và nên có nhiều bài thuyết trình bằng tiếng Anh cho sinh viên để tạo được môi trường sử dụng tiếng Anh thành thục. Đặc biệt, trong lớp học nên dùng 100% tiếng Anh và chia ra các cấp độ, học phần tiếng Anh để các bạn đỡ bị ngợp.

Năm 2024 là năm thứ tư liên tiếp trình độ tiếng Anh toàn cầu giảm. Đáng chú ý, xu hướng thành thạo tiếng Anh của người Việt giảm 5 bậc, tụt xuống nhóm có mức độ thông thạo thấp.
 
Bên trên