toringuyen0509
Well-known member
Người ta nói 1 con sâu thì làm rầu nồi canh, nhưng trong việc bóp còi, đặc biệt là ở Việt Nam, thì chắc là sâu nhiều hơn là canh. Còi xe ban đầu ra đời tất nhiên với mục đích hoàn toàn tốt và hướng đến sự an toàn, nhưng cách mà người dân ở một số nơi sử dụng đã khiến nó trở thành nỗi ám ảnh. Bản thân mình, tần suất mình dùng còi ít tới mức khiến cho mình nghĩ: “Liệu còi có nhất thiết phải được trang bị cho xe?”.
Vào những ngày đầu của thế kỷ 20, khi mà đường phố vẫn còn sự giao thoa giữa ngựa và các phương tiện, thì sự thiếu vắng của còi xe được cho là một thiếu xót nghiêm trọng. Thuở ban đầu trong lịch sự phát triển của ô tô, việc sử dụng còi được cho là phép lịch sự, theo Matt Anderson, người phụ trách mảng giao thông tại bảo tàng Henry Ford ở Dearborn, Michigan (Mỹ). “Bạn phải bấm còi nếu vượt qua người đi bộ để cảnh báo họ. Nếu không, bạn bị cho là thô lỗ”. Điều này có thể vẫn đúng cho tới ngày nay, tất nhiên là chỉ ở một số khu vực.
Tại Việt Nam, những hành vi không được phép đối với còi xe cụ thể như sau
- Bấm còi trong thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau trong khu đô thị, khu dân cư
- Bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu dân cư
- Điều khiển xe không có còi
- Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe
Những vấn nạn về còi xe mà mình nhận thấy ở Việt Nam
- Bấm còi một cách vô lý: Có những người có thói quen vừa chạy xe vừa bấm còi liên tục, mục đích là để người khác né mình ra và chú ý tới họ hơn. Theo mình, những người này nghĩ việc bóp còi có thể giúp họ an toàn, nhưng mình thấy nó không có tác dụng và chỉ khiến người khác khó chịu.
- Bấm còi khi đèn đỏ còn 5 giây: Tình trạng này diễn ra nhiều và như 1 thói quen. Những người này thuộc nhóm đèn đỏ còn vài giây nếu được đứng ở ngay vạch thì có lẽ họ đã vượt, còn khi bị kẹt phía sau thì họ sẽ bấm còi để giục người khác phải vượt đèn đỏ để họ có thể chạy.
- Bấm còi khi đang kẹt xe: Đường đông, các phương tiện nhích từng chút một, nhưng vẫn có những xe ở sau bóp còi, đặc biệt là xe hơi. Nhiều khi mình muốn quay lại hỏi họ anh bóp còi vậy thì đường có trống hơn để anh đi nhanh hơn hay không?
- Bấm còi để được rẽ phải ở nơi không cho phép: Như đã nói trong nhiều bài viết trước đó, không phải đèn đỏ nào cũng được rẽ phải, nhưng vẫn có người khi đi đến những giao lộ không hề có tín hiệu được phép rẽ phải khi đèn đỏ cũng cố chấp, bóp còi khi cảm thấy mình bị chắn đường.
- Đã chạy xe leo lề còn bóp còi để yêu cầu người đi bộ né đường cho mình đi.
- Độ còi xe hơi cho xe máy: Có lẽ những chiếc SH Ý, SH Việt độ Ý,…là những chiếc xe mà mình thấy người sử dụng độ còi xe hơi cho nó nhiều nhất. Theo mình thì điều này gây nguy hiểm, bởi tiếng còi này thường được khuếch tán để có âm thanh lớn hơn bình thường, vả lại, những người chạy xe máy thường đi rất gần với các phương tiện khác rồi bấm còi, gây giật mình, hoang mang khi nhìn gương thấy xe máy mà lại nghe còi xe hơi.
Kể từ lúc biết chạy xe đạp đến nay, mình đã không bao giờ dùng tới cái chuông có sẵn trên xe, và cho tới khi biết chạy xe máy, tần suất mà mình bóp còi khi chạy xe cũng giống như tỷ lệ đi đến kết hôn của các cặp đôi quay lại với nhau sau chia tay - RẤT THẤP. Đối với quan điểm của mình, mình chỉ bóp còi khi trong tình huống giao thông đó, mình nghĩ là tiếng còi của mình có thể sẽ có tác dụng.
Ví dụ, khi mình nhận thấy ai đó đang chuẩn bị quay đầu xe mà họ chẳng mảy may nhìn gương hay ngoái đầu quan sát và có ý định rồ ga để đi, mình có thể sẽ bóp còi. Nhưng phần lớn các tình huống, tập trung hoàn toàn 2 bàn tay vào tay nắm trên ghi đông xe sẽ giúp mình xử lý tình huống đó tốt hơn thay vì tốn thời gian suy nghĩ đến vị trí của nút còi và thao tác bấm.
Mình đi xe máy được hơn 10 năm và có thể nói số lần mà mình bóp còi nó không thể quá 20 lần được Và mình vẫn an toàn cho tới giờ. Chưa một tình huống giao thông nào khiến cho mình phải băn khoăn rằng “ước gì lúc đó bấm còi thì có lẽ mọi chuyện đã không tệ đến như vậy”. Anh em thì sao? Chia sẻ câu chuyện của anh em về cái còi xe bên dưới nhé!