Chiếc hộp Pandora

linh_449

Linh Linhh
Chiếc hộp Pandora của Dazai Osamu được viết theo dạng thư từ của một nhân vật “tôi” gửi cho người bạn thân của mình. Câu chuyện xoay quanh những sự việc diễn ra tại Viện điều dưỡng Kenkodojo thời kỳ Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2, thời Chiêu Hòa thứ 12 (1937) khi nhân vật “tôi” đang điều trị lao phổi tại đó và ở cùng với 3 người nữa trong phòng với những biệt danh thú vị: Echigojishi; Kappore; Tsukushi và anh - Koshiba Risuke, chàng trai 20 tuổi, biệt danh Hibari. Mỗi người có một tính cách, công việc khác nhau song vì bệnh tật mà buộc phải dừng lại tất cả, chấp nhận chế độ trị liệu và cuộc sống sinh hoạt tập thể. Chính điều kiện như vậy đã tạo cơ hội cho “tôi” kể lại những sự việc một cách tường tận và cụ thể như một cách trải lòng xa giữa chốn không ai quen biết bằng cách viết thư cho người bạn phương xa. Viện điều dưỡng này trước là Bệnh viện, Giám đốc bệnh viện giờ được gọi là Viện trưởng, y tá là trợ lý và người bệnh là học viên. Không chỉ vậy, họ cũng tự đặt biệt danh cho nhau, những cái tên gắn với đặc điểm tính cách hoặc con người họ. Cách gọi khác lạ như vậy giúp cho mọi người có những suy nghĩ lạc quan, thoải mái và gần gũi với nhau hơn, tiếp nhận trị liệu như là một bài tập tại trường học.
“Bạn có biết câu chuyện Chiếc hộp Pandora trong thần thoại Hi Lạp không? Chỉ vì lỡ mở chiếc hộp lẽ ra không được phép mở, mà mọi điều chẳng lành như nỗi đau bệnh tật, sự buồn khổ, lòng đố kỵ, tính tham lam, thói nghi ngờ, trò gian manh, nạn đói, niềm thù hận vân vân len lỏi thoát ra, phiêu du bay che kín bầu trời. Kể từ đó loài người phải chịu đựng bất hạnh đến muôn đời, những nghe nói trong góc chiếc hộp này còn sót lại một viên đá nhỏ lấp lánh cỡ bằng hạt anh túc, trên viên đá đó có hai chữ “hi vọng” được viết mờ mờ.”
Tên tác phẩm là Chiếc hộp Pandora như diễn tả sự tàn tạ, tang thương ở xã hội Nhật Bản những ngày sau chiến tranh, là tất cả những gì đen tối, xấu xa nhất khi mở chiếc hộp ra nhưng nội dung truyền tải lại chứa đầy hi vọng, lạc quan, vượt lên nỗi đau và bệnh tật như chính viên đá nhỏ còn khuất trong bóng tối nơi góc hộp. Diễn biến các bức thư thay đổi theo mức độ tăng tiến, ngày một tiến gần hơn vào mối quan hệ con người, đan xen vào những câu chuyện thường nhật là những tình cảm cá nhân, suy nghĩ chính trị và cảm thức xã hội. Những băn khoăn về tình hình nước nhà, sự suy thái về cả kinh tế và hỗn loạn về mặt chính trị không chỉ có ở mình anh, trong thâm tâm những người đang điều trị tại đây cũng đều có sự quan tâm và hi vọng rằng Nhật Bản sẽ thay đổi và đứng dậy mạnh mẽ. Chính bởi chiến tranh và những hậu quả còn để lại, cái căn bệnh lao phổi đã đem họ tới cạnh nhau để từ đó gom góp lại những thứ nhỏ nhặt đó mà trở thành mối quan tâm của rất nhiều người. Dazai muốn người đọc tiếp nhận cuốn sách ở khía cạnh đời sống, những điều mà họ đang trải qua và cảm nhận nó với sự lạc quan nhất mà những người bệnh như họ có thể khiến chúng ta cảm thấy gần gũi hơn từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt như vậy.
Những suy nghĩ về cái chết, trăn trở về sự sống? Cuốn sách là bức tranh có những mảng màu đối lập, một nước Nhật Bản buồn thảm, khủng hoảng sau chiến tranh khác xa với sự vui tươi, tràn đầy hi vọng trong Viện điều đưỡng. Ở đó họ cho rằng sự sống hay cái chết không phải là chìa khóa quyết định hạnh phúc hay bất hạnh của ai cả. Họ có quyền được sống và làm theo những gì mình muốn, không phải tuân theo ai hay thuần phục cái gì cả nên họ tự tạo cho mình niềm vui và lựa chọn cách sống cho bản thân mình ở những ngày còn có thể được là mình. Những con người ở Viện điều dưỡng như con thuyền trên biển, cứ căng buồm đón gió và lướt trên sóng thôi chứ đâu có thể dự báo trước được rằng sẽ gặp bão hay biến cố ra sao.
Sự góp mặt của người bạn thân trong mỗi câu chuyện nhân vật “tôi” kể trong thư góp phần hiện thực hóa những lời mời của “tôi”, cũng là làm minh chứng chắc chắn hơn cho những gì anh ta kể. “Chiếc hộp Pandora” như một cụm từ khóa đặc biệt, lập tức tạo liên tưởng cho người đọc sự kinh khủng, tàn khốc, tan nát mà nó đem tới nhưng khi được dùng thành tên tác phẩm thì tác giả Dazai Osamu lại muốn người đọc nhìn vào cái viên đá “hi vọng” hay sâu xa hơn là những thứ le lói lên từ trong tăm tối và sợ hãi, như chính con người trong đất nước Nhật Bản thời kỳ bấy giờ.
 

Đính kèm

Bên trên