CHIẾN LƯỢC KINH DOANH THỜI KỲ KINH TẾ SUY THOÁI: PHÒNG THỦ HAY TẤN CÔNG?

Daily News

Daily With Vincent
Top Poster Of Month
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái cùng đa dạng kịch bản trong giai đoạn sắp tới, chiến lược nào các doanh nghiệp nên áp dụng để giữ vững vị thế hay có thể phát triển trong thời kỳ kinh tế biến động hiện nay?

Suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp hiện tại? Đâu là những lực tác động chính đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?
Năm nay là một năm vô cùng khó khăn với nhiều doanh nghiệp, sau khoảng 3 năm đối phó với COVID-19 và bây giờ là suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này đã bào mòn đáng kể nguồn lực của doanh nghiệp. Áp lực của doanh nghiệp không chỉ xuất phát từ nội tại mà còn bắt nguồn từ các yếu tố bên ngoài.

Ví dụ như sức mua và nhu cầu tiêu dùng yếu ở các thị trường quốc tế như Mỹ, Châu Âu. Để đối phó với lạm phát, chính phủ Mỹ phải tăng lãi suất và điều này kéo theo việc tăng lãi suất ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Điều này góp phần gây khó khăn cho doanh nghiệp khi chi phí vốn ngày càng tăng.

Ngoài ra, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu của thị trường nước ngoài giảm khiến tình hình xuất khẩu của Việt Nam đi xuống. Thị trường sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu bị tác động khá nặng nề. Bất động sản và các ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng không kém. Thu nhập của người dân cũng giảm, kéo theo niềm tin và sức mua sắm giảm.


Biểu đồ về tỷ lệ giảm thu nhập, chi tiêu và tiết kiệm của người tiêu dùng Việt Nam so với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. – Nguồn: McKinsey

Nếu trong giai đoạn COVID-19 chỉ có một vài ngành bị ảnh hưởng và một số ngành khác phát triển, so với giai đoạn suy thoái kinh tế, các ngành nghề lĩnh vực đều bị ảnh hưởng và đều có khuynh hướng đi xuống.

Với tình hình hiện tại, tháng 8.2023 có phải là thời điểm chạm đáy của nền kinh tế Việt Nam?
Theo nhiều chuyên gia phân tích vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam hiện đã chạm đáy. Cụ thể là vào thời điểm tháng 08/2023, Việt Nam đã và đang chạm đáy suy thoái kinh tế. Vấn đề cần thảo luận hiện nay chính là:

  • Kịch bản nào sẽ xảy ra tiếp theo?
  • Nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nào (theo mô hình chữ V, chữ U hay chữ L)?
  • Sẽ mất bao lâu để kinh tế Việt Nam xuất hiện dấu hiệu hồi phục sau suy thoái? Hay nền kinh tế sẽ tiếp tục duy trì như hiện tại trong thời gian tiếp theo?
Trong đó, có thể sẽ có 3 kịch bản như sau:

  1. Kinh tế phục hồi vào Quý 4, 2023 – Giai đoạn mua sắm cuối năm;
  2. Kinh tế phục hồi vào giữa năm 2024;
  3. Kinh tế phục hồi vào cuối 2024 – đầu 2025 – Thời điểm FED hạ lãi suất, lúc này nền kinh tế toàn cầu sẽ được phục hồi, trong đó có Việt Nam.
Định hướng chiến lược cho doanh nghiệp trước lực tác động và các kịch bản ở trên là gì?
Chiến lược của mỗi doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào điểm xuất phát của doanh nghiệp đó. Nếu như trước đó doanh nghiệp đã đầu tư, mở rộng quá tay, đây sẽ là lúc doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Lúc này doanh nghiệp cần cắt bớt chi tiêu và bảo toàn nguồn lực. Nếu trước đây, doanh nghiệp tập trung vào việc tích lũy nội tại, chuẩn bị sẵn nhiều nguồn lực, đây sẽ là thời điểm tốt để doanh nghiệp đầu tư.

Chính vì vậy, hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp lớn đang chật vật để duy trì hiệu quả kinh doanh, nhưng đây lại là thời điểm tốt để các công ty khởi nghiệp bắt đầu khởi sự nhiều hơn. Nếu doanh nghiệp vẫn duy trì và cầm cự được không những trong năm nay mà còn trong các năm khó khăn tiếp theo, doanh nghiệp có thể phát triển thành công hơn khi kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi sau này.

Dù trường hợp nào xảy ra, doanh nghiệp đều cần xác định rõ chiến lược kinh doanh. Một vài định hướng chiến lược bao gồm:

  • Chiến lược bảo toàn/ duy trì: Duy trì hoạt động kinh doanh như hiện tại;
  • Chiến lược rút lui/ phòng thủ: Khi doanh nghiệp thấy tình hình kinh tế hiện tại không phù hợp với ngành/mô hình kinh doanh hiện tại, doanh nghiệp có thể rút lui một phần hoặc toàn phần để bảo toàn nguồn lực và chờ thời cơ tiếp theo để quay trở lại.
  • Chiến lược phát triển/ tấn công: Nếu doanh nghiệp thấy đây là cơ hội tiềm năng, doanh nghiệp có thể đầu tư mở rộng và phát triển;
Chiến lược phòng thủ & chiến lược tấn công
Những người lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất hiện giờ đang tìm cách thực hiện kết hợp cả hai chiến lược: Phòng thủ và Tấn công


Hai kiểu chiến lược mà các nhà lãnh đạo xuất sắc trên thế giới đang theo đuổi. – Nguồn: McKinsey.

Với chiến lược phòng thủ, đây là chiến lược được áp dụng khá rộng rãi trong thời điểm hiện tại. Trong chiến lược này, doanh nghiệp sẽ tìm cách tối ưu tất cả các loại chi phí vận hành, cắt bỏ các chi phí thừa để bảo toàn nguồn lực của mình, đồng thời tinh gọn hóa mô hình kinh doanh.

Khi nói đến cắt bỏ chi phí, doanh nghiệp có thể xem xét loại bỏ các dự án không hiệu quả, giảm bớt các kênh bán, thu hẹp phạm vi các ngành đang tập trung trước đây để doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn trong thời điểm này. Thậm chí, doanh nghiệp có thể chuyển đổi những định phí thành những biến phí để linh hoạt điều chỉnh tùy theo tình hình thị trường.

Với chiến lược tấn công, doanh nghiệp có thể thực hiện theo nhiều cách khác nhau: mở rộng kênh truyền thông mới, mở rộng tệp khách hàng mới, đầu tư xây dựng thương hiệu khi bớt cạnh tranh, đầu tư vào nguồn nhân sự cốt lõi (mà thông thường khó có thể thu hút họ), thậm chí là mở doanh nghiệp, cơ hội kinh doanh mới…

Cơ hội và thách thức cho mùa lễ hội cuối năm 2023 – đầu 2024
Với một năm kinh tế đầy biến động như 2023, nửa cuối năm sẽ là giai đoạn quyết định hiệu quả kinh doanh của cả năm.

Thách thức
Thách thức dễ thấy nhất cho mọi doanh nghiệp chính là sự khó đoán và rủi ro của thị trường hiện nay. Thị trường đang thay đổi liên tục cùng với sức mua, niềm tin và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đang suy giảm nặng nề. Những điều này góp phần tạo nên khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu thị trường và lên kế hoạch.

Cơ hội
Vì nền kinh tế Việt Nam đang chạm đáy nên câu hỏi đặt ra sẽ là: Khi nào nền kinh tế sẽ đi lên? Nếu nền kinh tế hồi phục sớm thì sẽ mang đến những cơ hội cho các doanh nghiệp nắm bắt sớm. Xu hướng này được hỗ trợ rất nhiều bởi tính chu kỳ của kinh doanh trong một năm, khi quý 4 là quý có nhu cầu mua sắm, tiêu thụ hàng hóa lớn. Đây cũng chính là chu kỳ đỉnh điểm của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tận dụng cơ hội tốt thì quý 4 chính là cơ hội “bùng nổ doanh số” cho doanh nghiệp sau một thời gian dài khó khăn.

Thời điểm này cũng là thời điểm nhu cầu mua sắm ở các thị trường xuất khẩu mục tiêu của Việt Nam như Mỹ & Châu Âu đẩy mạnh, nên cũng sẽ tăng cường nhập khẩu. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Ngoài ra, khi lãi suất ở Việt Nam đã được giảm 2 lần, thị trường cũng có cơ sở để dần hồi phục.

Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi xây dựng chiến lược cho mùa lễ hội cuối năm?
Quý 4 năm nào cũng quan trọng, nhưng năm nay sẽ đặc biệt quan trọng hơn. Vì nửa đầu năm 2023 đã rất khó khăn cho doanh nghiệp, nên quý 4 sẽ là thời điểm để doanh nghiệp tăng trưởng doanh số bù cho giai đoạn khó khăn trước đó. Doanh nghiệp cần hết sức tập trung vào những điều sau:

  • Doanh nghiệp cần phải chuẩn bị cực kỳ kỹ càng, cẩn thận:
    • Có sự đầu tư, nghiên cứu và xác định cơ hội rõ ràng;
    • Chuẩn bị các kịch bản để tính toán cho nhiều trường hợp khác nhau;
    • Nghiên cứu thị trường và phát hiện các insight thực sự xuất sắc, được backup bởi dữ liệu, để nhìn ra cơ hội và bắt kịp xu hướng của người tiêu dùng và thị trường;
    • Chuẩn bị các phương án tiến và lùi khi xây dựng kế hoạch: Nếu tình hình kinh doanh diễn ra tốt đẹp theo đúng kế hoạch thì doanh nghiệp có thể làm gì để tăng tốc hơn nữa? Nếu thị trường không tốt như kỳ vọng thì doanh nghiệp có thể hành động gì để lùi lại hay không?
  • Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tìm cách sáng tạo, ví dụ như:
    • Sáng tạo trong việc tích hợp nguồn lực ở bên ngoài, có thể kết hợp với các đối tác khác để tận dụng nguồn lực của họ và cùng chia sẻ rủi ro trong mùa cao điểm và đi nhanh hơn;
    • Sáng tạo trong sản phẩm, khuyến mãi, kênh bán, hình thức bán hàng,…
Đâu là những nguồn lực quan trọng để giúp doanh nghiệp thực hiện chiến lược marketing vào dịp lễ hội cuối năm một cách hiệu quả?
Doanh nghiệp nên tận dụng nhiều nguồn lực từ bên ngoài để phát triển vào giai đoạn cuối năm này, đồng thời cần bắt kịp đúng xu hướng.

Nguồn lực đầu tiên không thể bỏ qua chính là công nghệ, cụ thể là AI (Trí tuệ nhân tạo). AI bây giờ đã được ứng dụng sâu rộng với khả năng tăng cường hiệu suất công việc rất lớn, góp phần thay đổi cách thức làm marketing cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, một trong những nguồn lực bên ngoài khá phổ biến chính là các nền tảng (Platform). Doanh nghiệp cần chọn đúng những nền tảng nào có cơ hội tăng trưởng tốt (ví dụ như TikTok) để giúp doanh nghiệp tận dụng xu hướng và theo kịp người tiêu dùng.

Nguồn lực thứ ba có thể hỗ trợ doanh nghiệp đắc lực, chính là tận dụng nguồn lực từ hệ sinh thái các đối tác của doanh nghiệp. Các đối tác về nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược, năng lực thực thi, sở hữu tài nguyên đặc biệt (kênh truyền thông tiếp thị, kênh bán v.v…),… có thể giúp doanh nghiệp chia sẻ rủi ro và phát triển nhanh hơn, đạt được kết quả cao hơn vào giai đoạn cuối năm này.
 
Bên trên