Chính phủ yêu cầu giảm áp lực và chi phí thi tốt nghiệp THPT 2025

quan03

Trần Anh Quân
Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025, đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và chi phí.


Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 11/9 đồng thời giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; chuẩn bị thẩm định sách giáo khoa lớp 5, 9, 12.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ phối hợp với địa phương khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập về giáo viên giữa các cấp, đặc biệt là giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thiện quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 với mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Hai dự thảo quy hoạch này trình Thủ tướng trong quý 4.

Thí sinh làm thủ tục dự thi tại THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chiều 27/6. Ảnh: Giang Huy

Thí sinh làm thủ tục dự thi tại THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chiều 27/6.

Hồi tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 để lấy ý kiến. Đây là thời điểm lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình năm 2018) thi tốt nghiệp. Để phù hợp với nội dung chương trình mới, kỳ thi tốt nghiệp dự kiến cũng có nhiều thay đổi.

Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có bốn môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Với hệ giáo dục thường xuyên, số môn thi bắt buộc là ba, không có Ngoại ngữ. Ngoài ra, học sinh phải chọn thêm hai môn khác trong 7 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

So với hiện tại, tổng số môn thi không đổi, nhưng thay vì chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), thí sinh chọn hai môn theo nhóm môn đã đăng ký học ở trường. Ngữ văn vẫn là môn duy nhất thi tự luận trên giấy, còn lại trắc nghiệm.

Ngoài ra, Bộ dự kiến giai đoạn 2025-2030 thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở một số địa phương. Sau năm 2030, tất cả 63 tỉnh, thành đủ khả năng tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính.
 
Bên trên