0707171758
NGUYỄN THANH VÂN
Nhìn chung là không thể nâng cấp
Không lâu sau khi "mổ bụng" chiếc Mac Studio mới, đội kỹ thuật tại iFixit đã tiếp tục thực hiện tháo rời chiếc Mac Pro mới nhất, ca phẫu thuật này tiết lộ một điều là Apple đã sử dụng lại bộ làm mát khổng lồ được trang bị trên kiểu máy thế hệ trước, chạy bộ xử lý Xeon của Intel. Tuy nhiên, trong khi lớp vỏ nhôm bên ngoài và phần lớn các bộ phận bên trong có chung nhiều điểm tương đồng, thì Apple đã khiến cho việc nâng cấp các thành phần này trở nên bất khả thi trong năm nay, chúng ta sẽ sớm phát hiện ra điều này trong bài trình bày về nội thất của máy dưới đây.
May mắn thay việc tiếp cận vào bộ lưu trữ rất đơn giản, chỉ yêu cầu phải tháo các khe cắm SSD, nhưng RAM lại được hàn chết vào bo mạch chủ của Mac Pro 2023 do bản chất của SoC kiến trúc ARM.
Việc mở nắp nhôm rất đơn giản, khi chuyên gia Sam Goldheart của iFixit tháo vỏ case bằng cách xoay một tay cầm gắn nửa thân vào case, nhưng cô đã vô tình đụng vào máy ảnh do kích thước lớn của bộ phận này. Mặc dù việc tiếp cận vào các bộ phận bên trong đủ gọi là đơn giản, nhưng việc nâng cấp chúng lại là một câu chuyện khác. Quá trình tháo rời cho thấy những khe gắn RAM không còn hỗ trợ các thẻ nhớ dạng mô-đun mà ẩn đi các mô-đun lưu trữ có thể thay thế, đồng thời cũng có một khe cắm để trống.
Thật không may là Apple đã xác nhận với iFixit rằng bạn không thể gắn thêm vào khe có sẵn đó theo cách thủ công, vì vậy khách hàng cần định sẵn cấu hình máy của họ trên trang web của Apple, nếu không, họ sẽ bị hãng chừa cho một cái cổng vô dụng. Việc tháo các bảng mạch PCIe mở rộng rất đơn giản và hộp cấp nguồn cũng vậy. Việc tháo máy cũng cho thấy rằng Apple đã sử dụng cùng một giải pháp làm mát mạnh mẽ như đã làm với phiên bản do Intel cung cấp, thể hiện rằng công ty đang sử dụng lại các bộ phận hiện có để loại bỏ hàng tồn kho dư thừa.
Chúng ta có thể tháo dỡ bộ làm mát gồm ba cái quạt một cách dễ dàng và giống như lần trước, có các tiếp điểm bằng vàng ở bên cạnh dành cho kết nối 'không dây', giúp quá trình tháo ra trở nên mau chóng. iFixit cũng phát hiện ra rằng Apple đang sử dụng cùng một bo mạch chủ lớn như trước để tích hợp với chip M2 Ultra, điều này là không cần thiết vì một bảng mạch logic nhỏ có trên Mac Studio 2023 là quá đủ.
Cuộc tháo máy chi tiết
Tháo phần vỏ nhôm của máy
Mở đầu video, cô Sam Goldheart nhận xét Mac Pro giống như một loại rượu vang hảo hạng, một dòng máy đã được ủ lâu năm và trông y như một cái bào pho-mát. Quả thực ở cuối video tháo máy, nó chứng tỏ khả năng bào pho-mát rất tốt.
Các lỗ thoát nhiệt trên phần vỏ nhôm của máy rất giống cái bào pho-mát. Ảnh: iFixit.
Trước tiên là cần xoay tay cầm theo chiều ngang để nhấc thùng máy lên. Đây là công đoạn đơn giản nhất vì không cần dùng công cụ nào, chuyển động của tay cầm này rất mượt song khối lượng của phần case này thực sự gây ngạc nhiên. Nó giống như là sức nặng của 7,000 đô la.
Ảnh trái: Nội thất bên trong của Mac Pro 2023 với tông màu đen đặc trưng của mọi linh kiện, rất tương đồng với nội thất của Mac Pro 2019 (ảnh phải). Trừ khu vực con chip gắn trên bo mạch chủ đã có sự khác biệt, khu vực bên cạnh hộp tản nhiệt cũng trống hơn, và tất nhiên là card đồ họa Radeon Pro 580X không thể đi kèm với con chip Apple Silicon. Các khe RAM của bản năm nay cũng được làm thấp và thưa hơn vì không bị choán chỗ bởi card đồ họa. Nhìn chung, có một sự trống trải lạ thường trên phiên bản mới, nó khiến chúng ta có cảm giác như chiếc máy này chẳng có gì đáng kể ngoài phần vỏ case. Điều này nghĩa là có nhiều không gian để nâng cấp.
Ảnh trái: Mặt bên kia của Mac Pro 2023 và của Mac Pro 2019.
Các khe gắn ổ SSD
Ở mặt này chúng ta thấy có hai hốc cắm SSD mở ra được, có một cái chốt nhỏ bên cạnh để mở cổng (hốc ở giữa không có chốt, là một bộ phận khác). Sau khi mở chốt, gỡ nắp cổng ra thì thấy đằng sau cánh cổng số 1 chỉ có một khe cắm SSD trống thứ hai ở đây. Ở cổng số 2 thì đã gắn sẵn ổ SSD M.2. Quan trọng là không còn hiện diện khe RAM theo kiểu mô-đun ở đây, nó đã bị thay bằng ổ SSD.
Hệ thống khe gắn RAM dạng mô-đun trên Mac Pro 2019 phía sau hai cổng số 1 và số 2.
So sánh với SSD của Mac Studio
Ảnh trên: Cẩn thận rút chiếc SSD M.2 ra và thấy phía sau nó hoàn toàn trống trải, ngoại trừ một con ốc nhỏ để cố định nó ở phía dưới. Khe cắm SSD trống phía trên cũng vậy, nó được đặt đối mặt với khe cắm bên dưới. Vị trí này dễ tiếp cận hơn là bản của năm 2019, nhưng cái khe cắm thứ hai kia có chút bỡn cợt vì Apple đã xác nhận là việc tự mình mở rộng (do-it-yourself) bộ nhớ trong sẽ vô hiệu. Ảnh dưới: Ổ SDD M.2 tháo ra này có cùng dạng thức (form factor) như phiên bản năm 2019, với ngoại hình siêu cục mịch khi so với ổ SSD mỏng như lưỡi dao trên chiếc Mac Studio (M2), một ổ mà chỉ có những con chip gắn lên cả hai mặt của bảng mạch. Trong khi đó chiếc SSD to lớn ở đây hoàn toàn kín như bưng, không thấy con chip nào lộ ra cả.
Các bảng mạch mở rộng của Mac Pro
Đặt máy nằm ngang, quay mặt kia lên và vặn những con ốc màu đen mở được bằng tay không ra. Sau đó mở nút gạt này để bật thanh ray lên. Đây là một dàn khe cắm của các bảng mạch PCIe được khóa cố định bằng một nút gạt duy nhất. Nút gạt này làm dịch chuyển thanh ray có các móc nhỏ trên nó, giúp cố định bất kỳ thứ gì trên đường đi của chúng. Nói cách khác chỉ cần một lần gạt để tháo toàn bộ chúng ra và một lần gạt để gắn chắc chúng lại.
Lần lượt tháo gỡ hai bảng mạch của các cổng USB-C (trên) và bảng mạch của cổng HDMI cùng USB-A (dưới). Đáng tiếc là các cổng này đều được hàn kín lên bảng mạch, không tháo được. Lưu ý phần khe cắm của chúng ở phía trong có sự khác nhau, mà chúng ta sẽ thấy rõ ở hình dưới đây.
Mỗi một bảng mạch đều có các phiến mặt kim loại để cố định chúng vào khung máy, điều này sẽ khiến chúng đủ chắc chắn cho các cổng dạng mô-đun. Nhẹ nhàng gỡ các phiến này ra như hình trái, ta được kết quả trong hình bên phải.
Tuy vậy, khi quay mặt kia của bảng mạch có cổng HDMI lên thì cái cổng Audio chỉ có dạng bán mô-đun vì một lý do nào đó.
Tháo bộ nguồn
Bản năm nay không có mô-đun đồ họa nên chúng ta mở luôn bộ cấp nguồn bằng cách vặn 4 con ốc lớn này ra và tháo giá đỡ của 4 con ốc.
Bộ nguồn có trọng lượng đáng kể so với các linh kiện khác trong thùng máy.
Sau khi nhấc bộ nguồn ra khỏi thùng máy, chúng ta quan được bộ nguồn có 10 con ốc ở mặt đáy, mặt bên có 4 con ốc nằm ẩn và 1 ốc nằm riêng, một hệ thống lỗ thông khí và một khe trống chưa rõ tác dụng. Bên trong hộp cấp nguồn còn có một ống dây đồng. Bộ tản nhiệt này có kiểu dáng đẹp và nguyên khối đúng như mong đợi.
Hệ thống quạt và bể tản nhiệt của Mac Pro
Tiếp đến chúng ta tháo phần quạt tản nhiệt bằng cách vặn 2 con ốc cố định quạt ở phía trên, như được thể hiện trong hình thu nhỏ và một con ốc phía dưới gần đáy máy.
Cố gắng nhấc phần đầu của cụm quạt ra khỏi khung máy.
Vẫn chưa lấy cụm quạt ra được nên chúng ta quay sang mặt bên kia, dùng tay tháo phần nắp đậy quạt gió nhỏ nằm bên dưới các hốc cắm ổ SSD.
Ở đây có 3 con ốc 1, 2, 3 như được đánh số trong hình. Chúng ta vặn tiếp theo thứ tự.
Tổng cộng là 6 con ốc Torx cần phải mở. Đến lúc này chúng ta đã tháo được cụm quạt tản nhiệt ra (ảnh trái) và kết quả là bộ khung trống trải như ảnh phải.
Chúng trông đáng yêu giống như cụm quạt từ bản Mac Pro năm 2019, với các tiếp điểm đàn hồi hoàn toàn yên tĩnh, các ngàm tiếp xúc tương ứng của chúng ở trên bảng mạch logic được thể hiện trong ảnh nhỏ. Cách xử lý không cần dây cáp nối ở đây tiếp tục gây ấn tượng.
Cụm tháp ba quạt này hút không khí mát qua các lỗ ‘bào phô mai’ ở phía trước và đẩy nó qua bảng mạch logic thông qua các bồn tản nhiệt khác nhau (chính là hộp vuông có chữ Mac Pro). Sau đó, quạt thổi sẽ hút không khí nóng và thải ra phía sau. Nơi nó thải không khí nóng là cánh quạt nằm độc lập ở mặt bên.
Hầu hết các máy tính dạng tháp đều có quạt chuyên dụng dành cho CPU và GPU ngoài các quạt ở phía trước và đằng sau thùng máy. Chiếc Mac Pro chỉ có quạt trước và sau, điều này được cho là cung cấp đủ sự tản nhiệt để giữ nó mát mẻ dưới áp lực vận hành.
Một thứ khác nữa mà hầu hết các máy tính dạng tháp có: một loại bộ lọc bụi để loại bỏ các hạt trong không khí mà quạt làm mát hút vào. Các kỹ sư của Apple được ghi nhận là họ không cần thứ đó, nhưng chỉ có thời gian mới cho biết những thứ này bám bụi đến mức nào.
Loa nhỏ dạng mô-đun của Mac Pro, nằm nép mình giữa hai cổng chứa khe SSD, bên dưới nó là sợi dây cáp đầu tiên mà chúng ta tìm thấy.
Tiếp tục mở 5 con ốc xung quanh hai cổng này để mở bồn tản nhiệt. Vì nó rất to lớn nên chúng ta không cần một tua-vít quá dài để mở nó nữa.
Mặc dù vậy nó vẫn khá đồ sộ và phải vận dụng chút sức lực để lấy ra.
Tháo bảng mạch Logic
Tháo thêm vài con ốc (A, B, C, D) và một vài giá đỡ để tháo bảng mạch logic. Khi kéo nó ta chúng ta bắt gặp một sợi cáp thứ hai ở góc trên bên phải.
Hai mặt trước vào sau của bảng mạch logic. Con chip M2 Ultra to lớn và ăn ảnh hơn chip thế hệ trước, ở mặt sau là chip chuyển mạch Microchip PCIe, đó cũng là tên công ty sản xuất ra nó: Microchip. Chip chuyển mạchnày là một thiết bị cho phép nhiều thiết bị PCIe giao tiếp với nhau thông qua một giao diện chung. Một bảng mạch lớn như vậy không có nghĩa là con chip M2 Ultra thực sự cần tới nó, bởi vì bảng mạch Mac Studio nhỏ gọn hơn nhiều vẫn chứa được cùng một con chip, hơn nữa chúng ta thấy nó trống trải hơn so với bảng mạch của chip Intel Xeon nhiều.
Hình ảnh con chip M2 Max và M2 Ultra có được từ sự ghép đôi của 2 chip M2 Max. M2 Max có 38 nhân GPU và 12 nhân CPU, 16 nhân Neural Engine trên tiến trình 5nm, với hơn 67 tỷ bóng bán dẫn. Các con số M2 Ultra đều là sự nhân đôi của những con số này. Ảnh: Notebookcheck, Apple.
Một công dụng quan trọng của Mac Pro: bào pho-mát. Nó tạo ra được các vụn pho-mát đúng như yêu cầu của một cái bào dù có đôi chút bất tiện so với một cái bào tiêu chuẩn. Để ý chúng ta thấy hệ thống lỗ này lõm vào trong, một lỗ chính sẽ có 3 lỗ nhỏ. Thiết kế này giúp không khí mát bên ngoài được hút vào trong dễ hơn, lọc bớt một phần bụi bặm có kích thước lớn.
Kết luận
Điều bất ngờ là chỉ có 2 sợi cáp được tìm thấy bên trong, bao gồm ở chiếc loa nhỏ xinh giữa hai khe SSD và ở góc máy dính với bảng mạch logic. Điều này tương phản với Mac Studio có khá nhiều cáp nối.
Mặc dù iFixit không đưa ra điểm số về khả năng sửa chữa, nhưng những khách hàng có hứng thú với Mac Pro 2023 cũng cần được thông báo rằng họ cũng có thể tậu một chiếc Mac Studio mới nhất với cùng một con chip M2 Ultra và các thông số kỹ thuật khác, trong khi tiết kiệm kha khá đến 3,000 USD. Nhưng tất nhiên bản Pro vẫn có giá trị của nó, đặc biệt là nhiều không gian hơn cho khả năng tản nhiệt, nhiều cánh quạt đồ sộ hơn. Như vậy nghĩa là con chip M2 Ultra trên Mac Pro chắc chắn sẽ hoạt động hiệu quả hơn là chính nó trên Mac Studio, và thậm chí biết đâu Apple là giới hạn bớt hiệu năng của nó trên Mac Studio với lý do hoàn toàn chính đáng là để tránh quá nhiệt.
Việc này cũng tương tự như trường hợp Apple đã biến Macbook Air M2 thành Macbook Pro M2 chỉ bằng cách bổ sung thêm quạt cho nó (và touch bar). Rõ ràng 3,000 đô la tăng thêm có thể được xem là mức giá cho một hệ thống gồm bốn chiếc quạt khổng lồ, chứ không nằm ở khả năng nâng cấp.
Chỉnh sửa lần cuối: