Chuyên gia quốc tế hiến kế cho TP HCM chuyển đổi số

KIEUMY

Bùi Kiều My
Chuyên gia quốc tế hiến kế cho TP HCM chuyển đổi số
Chuyên gia World Bank dẫn bài học kinh nghiệm của Singapore để đưa ra lời khuyên cho tiến trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của TP HCM.

Mở đầu Triển lãm Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP HCM 2022 ngày 13/10, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cần xem chuyển đổi số là xu thế bắt buộc. TP HCM sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, xem đây là một trong các nhân tố quan trọng đóng góp vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Trong khi đó, ông Tan Kim Leng, chuyên gia chuyển đổi số của Ngân hàng Thế giới (World Bank), cho rằng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là hai cụm từ được nhắc đến khắp thế giới. Tuy nhiên, cần phân biệt đổi mới sáng tạo là việc triển khai trong thực tế các ý tưởng để cho ra đời sản phẩm mới, dịch vụ mới. Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng giúp bắt kịp xu thế của thế giới. Trong khi đó, chuyển đổi số chỉ là công cụ, công nghệ chỉ như chất xúc tác để có ứng dụng đổi mới dịch vụ, mang đến môi trường sống và làm việc tốt hơn. Nói về chuyển đổi số, phải xây dựng được văn hóa chuyển đổi số, nếu không rất khó tạo được giá trị tốt cho người dân, doanh nghiệp trong tương lai.

Ông Tan Kim Leng - chuyên gia chuyển đổi số của Ngân hàng Thế giới.

Ông Tan Kim Leng - chuyên gia chuyển đổi số của Ngân hàng Thế giới.

Để đạt được những thành tựu về chính phủ số như hiện tại, Singapore đã mất 15 năm tạo ra quy hoạch tổng thể, trải qua nhiều đợt thay đổi để tìm ra những vấn đề tồn đọng và giải quyết. "Mấu chốt của chuyển đổi số là phải xây dựng được đội ngũ nhân sự có đầy đủ kiến thức, kỹ năng vận hành. Sau đó tạo lập khung pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho việc số hóa", ông Leng nói.

Theo chuyên gia của World Bank, chuyển đổi số phải được triển khai liền mạch, liên tục cải tiến. Trong quá trình đó có thể gặp những khó khăn, thất bại nhưng không được bỏ cuộc. Mỗi bước chuyển đổi từ cấp cao đều phải nhìn vào kỹ năng của người lao động để đảm bảo tất cả đã sẵn sàng.

Ông cho rằng khối dịch vụ công nên dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số. Ở quy mô quốc gia, cần một data hub (cổng dữ liệu) dùng chung, có thể chia sẻ, thu thập dữ liệu giữa các cơ quan mà không gây ra xung đột. Mục đích cuối cùng là xây dựng kho dữ liệu chính phủ mở để công chúng có thể dùng cho hoạt động đổi mới sáng tạo của mình.

Một lưu ý khác của chuyên gia này là nên xây dựng một cổng định danh duy nhất để người dân có thể dùng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dịch vụ trực tuyến chỉ với một chiếc điện thoại, một tài khoản, một mật khẩu. Tuy nhiên, tài khoản này cần được xác thực hai lớp để đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng. Ông ví dụ ở Singapore, người dân chỉ cần một tài khoản trên ứng dụng Life SG là có thể dùng đến 600 dịch vụ công.

Trong xu thế hiện nay, công nghệ là yếu tố giúp một quốc gia có thêm lợi thế cạnh tranh. Ví dụ, Singapore đã đầu tư 10 triệu USD để xây dựng hệ thống thông quan xuất nhập khẩu dựa trên công nghệ TradeNet. Thay vì mất từ hai ngày đến một tuần để thông quan, giờ đây các doanh nghiệp quốc tế chỉ mất 15 phút, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian.

Có bốn bài học quan trọng rút ra từ cuộc chuyển đổi số của Singapore. Thứ nhất là dữ liệu phải đồng bộ, chuẩn hóa và chia sẻ giữa các cơ quan. Chất lượng dữ liệu phải được đảm bảo để cải thiện dịch vụ, phân bổ nguồn lực hợp lý. Thứ hai, cần tích hợp nhiều dịch vụ vào một cổng thông tin để đẩy nhanh quá trình làm việc, tạo thuận lợi cho người dân. Thứ ba, thông điệp chuyển đổi số phải được truyền đạt đến cộng đồng một cách rõ ràng, đồng nhất. Cuối cùng, mục đích của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là tạo ra dịch vụ. Để đổi mới cần có con người rồi mới đến quy trình thủ tục, tất cả phải dễ dàng cho người dân, doanh nghiệp.

Khách tham quan gian thực tế tăng cường tại triển lãm Tech4Life trong Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP HCM năm 2022.

Khách tham quan gian thực tế tăng cường tại triểm lãm Tech4Life trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP HCM năm 2022.

Theo xếp hạng của StartupBlink về hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia công bố vào tháng 8, Việt Nam xếp thứ 54, tăng năm bậc so với năm ngoái. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ năm, sau Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. TP HCM đang hướng đến mục tiêu vào top 100 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất thế giới. Năm nay, thành phố xếp hạng 179, tăng 21 bậc so với 2020.

Một thống kê khác của Crunchbase, nền tảng tìm kiếm thông tin về kinh doanh và startup, đến tháng 9, Việt Nam thu hút thành công 44 thương vụ đầu tư mạo hiểm với số vốn 500 triệu USD. Trong đó TP HCM có 22 thương vụ, tổng giá trị 400 triệu USD.

Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia, TP HCM tổ chức Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số năm 2022 với 3 khu vực chính: Triển lãm sản phẩm của startup chuyển đổi số; Triển lãm và Hội nghị Công nghệ cho cuộc sống; Triển lãm sản phẩm của các tập đoàn lớn với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước và một số nước lân cận... Lĩnh vực chuyển đổi số chiếm 85% tổng số doanh nghiệp tham gia triển lãm.
 
Bên trên