Có nên dùng nến thơm khử mùi phòng?

Nguyễn May

Well-known member
Thường xuyên sử dụng nến thơm khử mùi phòng có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không thưa bác sĩ? (Bình Minh, 32 tuổi, Quảng Ninh)

Trả lời:

Nến thơm (hay sáp thơm) là loại nến tỏa ra mùi hương khi đốt. Mùi hương của nến thơm kích thích thư giãn, giúp kiểm soát tâm trạng, khử mùi hôi hiệu quả nên được nhiều người ưa chuộng. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng không nên sử dụng thường xuyên. Mức độ tác động đến sức khỏe khác nhau tùy vào mức độ tiếp xúc với hóa chất do nến thơm giải phóng ra môi trường.

Với các loại nến giá rẻ sử dụng nguyên liệu sáp parafin có nguồn gốc từ dầu mỏ, khi đốt cháy sẽ giải phóng một số hợp chất hữu cơ dễ bay hơi tương tự khí thải động cơ diesel vào không khí, chẳng hạn acetone, benzen và toluene... gây đau đầu; kích ứng mắt, mũi và cổ họng; buồn nôn; khó thở. Nếu hít phải lượng lớn, người dùng có thể gặp vấn đề về phổi, biến đổi DNA, thậm chí ung thư.

Hương liệu tạo mùi thơm của các loại nến này thường chứa phthalates. Khi đốt, nhiệt sẽ giải phóng mùi thơm của hóa chất phthalates giúp thơm nhà. Tuy nhiên, chúng có thể kích thích tăng tiết dịch hô hấp, làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng và hen suyễn. Bên cạnh đó, đốt nến thơm cũng làm giải phóng các hạt vật chất (PM), còn gọi là muội than, gây ô nhiễm không khí trong nhà. PM có kích thước rất nhỏ, nếu tiếp xúc với nồng độ cao, chúng sẽ lắng đọng trong phế nang, gây ra vấn đề hô hấp.

Các loại nến làm từ sáp tự nhiên có giá thành đắt như sáp ong, đậu nành, sáp cọ, sáp dừa, stearin (làm từ dầu thực vật hoặc động vật) giải phóng ít hóa chất độc hại hơn nến sáp parafin. Tuy vậy, chúng cũng tạo ra muội than khi đốt cháy, do đó vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách.

Nến cháy tạo ra nhiều muội than, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hại sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách. Ảnh: Freepik

Nến cháy tạo ra nhiều muội than, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hại sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách. Ảnh: Freepik

Người có cơ địa dị ứng, mắc các bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,... không nên dùng nến thơm do có thể làm khởi phát các đợt cấp hoặc khiến bệnh tăng nặng.

Tốt nhất bạn không nên sử dụng nến thơm thường xuyên, đặc biệt là trong phòng kín như phòng ngủ, phòng tắm, phòng máy lạnh để tránh tích tụ nhiều khí độc, có thể gây khó thở. Nếu thích nến thơm, bạn nên ưu tiên lựa chọn các loại nến sáp tự nhiên và đốt trong phòng thông thoáng khoảng 15-20 phút mỗi ngày là vừa đủ. Lưu ý để phần bấc nến cao khoảng một cm, không nên bỏ bấc quá dài sẽ cho lửa lớn, khói độc tỏa ra nhiều. Cắt tỉa bấc thường xuyên để làm giảm muội than. Bạn tránh đặt nến ở những nơi không an toàn, dễ bắt cháy như chăn mền, ga giường, giấy,... Khi muốn dập tắt nến, nên dùng dụng cụ chuyên biệt hoặc thổi tắt ở bên ngoài, tránh để muội than và khói bay trong nhà sẽ ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

Trường hợp bị kích ứng như chảy nước mũi, hắt hơi khi đốt nến thơm, bạn nên ngưng sử dụng. Gia đình có thể thay thế bằng giải pháp khử mùi không gian sống tự nhiên, an toàn, tiết kiệm chi phí khác như thường xuyên lau dọn, hút bụi, vệ sinh nhà cửa; mở sổ đón gió, đón nắng; trồng một số loại cây xanh quanh nhà như dương xỉ, thiết mộc lan, hoa cúc,...
 
Bên trên