toringuyen0509
Well-known member
Vay mượn tiếng nước khác để làm phong phú tiếng nói của dân tộc mình là một quá trình tất yếu trong sự phát triển của mọi ngôn ngữ. Tiếng Pháp không phải là một ngoại lệ; có rất nhiều từ Pháp có nguồn gốc nước ngoài. Theo Henriette Walter (xem từ điển các từ có nguồn gốc nước ngoài, 1991), trong tiếng Pháp có 8088 từ Pháp được vay mượn từ các thứ tiếng khác, trong đó có 226 từ có nguồn gốc Á châu. Chẳng hạn, từ saron - quần xà lỏn - là một từ có nguồn gốc Mã Lai. Đó là từ sà rông. Nó vào tiếng Pháp năm 1894.
- Vay mượn từ ngữ thường để bổ khuyết vão chỗ còn trống vắng trong kho từ vựng của một dân tộc. Nhưng cũng có khi vay mượn để diễn đạt được những sắc thái riêng biệt mà những từ tương ứng trong ngôn ngữ của dân tộc mình không diễn đạt được hết. Đó là trường hợp của từ Pháp gốc Việt "Têt", "Bô Dôi" (bộ đội), "Dôi Mơi (đổi mới)... Năm 1993 trên báo Le Monde, một phóng viên Pháp khi viết về cảnh một chiều đông Hà Nội đổi mới đã để nguyên dạng từ "mũ cối"; "... những thanh niên mang Mucôi".
- Năm 1953, trong tập "Những phóng sự từ đồng lúa" dưới bức ảnh chụp cảnh mấy người đang ngồi họp quanh một cây đèn dầu, một phóng viên Ba Lan đã chú thích một câu tiếng Ba Lan nhưng giữ nguyên tự dạng của từ họp; "Wietnamczycy lubia hoppy" (Người Việt Nam thích họp). Tiếng Ba Lan cũng có động từ và danh từ hop, những để điễn đạt được sắc thái đặc thù của từ họp trong tiếng Việt, phóng viên nọ đã dùng nguyên từ họp , có điều đã chuyển sang số nhiều theo quy tắc tiếng Ba Lan; hop -> hopy.
- Thế là, khi nhập một từ ngữ nước ngoài vào tiếng nước mình thì từ ngữ đó phải biến đổi cho phù hợp với loại hình của tiếng nước mình.
- Chẳng hạn, mọi từ Pháp nhập vào tiếng Việt điều phải thanh điệu hóa; fromage -> phó mát, phô mai; oeuf au plat -> trứng ốp la, trứng lập là; ressort -> lò xo; clé -> cờ lê, lắc lê; chaland -> sà lan...
- Cũng như vậy những từ tiếng Việt khi nhập vào tiếng Pháp, một mặt "phi thanh điệu hóa", mặt khác phải "số nhiều hóa" khi danh từ chuyển sang số nhiều, hoặc phải "trường độ hóa" - những biến đổi về ngôn điệu cho phù hợp với tiếng Pháp.
- Trong quyển "Kho tàng các từ xa lạ" (Trésors des most exotiques), NXB Belin, 1986, tác giả Jean-Paul Colin đã dẫn ra ít nhất bốn từ tiếng Pháp gốc Việt mà chưa mấy ai nhắc tới; con gái, nem, nhà quê, nước mắm. Ông dẫn ra một câu trong tác phẩm "Làng quê" (Le village) in năm 1837 của Raymond Jean; "Tôi còn đi dọc theo bến cảng trong mùi mặn nồng của nuoc - mâm và cá khô". Như vậy nước mắm đã đưa vào tiếng Pháp hơn 150 năm nay. Vì tiếng pháp không có dấu ︶ trỏ nguyên âm a ngắn, nên mắm viết thành mâm. Ông giải thích đó là thứ nước chấm cổ truyền của người Việt Nam, thường dùng để chấm các món ăn phương Đông như cá rán, nems..." (trang 156). Vậy là từ nem (Chả giòn) khi vào tiếng Pháp đã được số nhiều hóa thành nems. Cũng trong quyển trên J.P Colin viết "Congaï hay còn viết "congave" là một từ gốc Annam". Ông viết tiếp "trong tiếng Việt Congaï có nghĩa là "la fille", trỏ một phụ nữ còn trẻ" (trang 253).
- Trong quyển "Hiểu biết về phương Đông" viết cách dây hơn 100 năm (1895), Paul Claudel đã viết "le couple de nhaqués" (một đôi nhà quê); họ cung kính cúi chào trong khi cặp nhaqués đeo giỏ đang tìm nhặt cá mú trong những vũng nước ruộng dưới trời mưa phùn và đường trơn như mỡ". Ở đây, từ qué tiếng Pháp đọc như quê tiếng Việt, nên nhà quê được viết thành nhaqué rồi số nhiều hóa thành nhaqués.