Hải Vy
Well-known member
Thuở mới dựng nước, dân Lạc Việt quây quần tại vùng đất Lĩnh Nam hoang sơ. Họ sinh sống bằng nghề đánh cá ở ven sông hoặc tại các hồ lớn. Thủ lĩnh của họ là Lộc Tục, một chàng trai thông minh tài trí và có sức khỏe phi thường.
Vào khoảng năm 2879 trước Công nguyên, Lộc Tục lên làm vua, lấy hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ.
Tuy làm chúa tể vùng đất Lĩnh Nam, nhưng Kinh Dương Vương thường dọc ngang sông bể, thưởng ngoạn phong cảnh núi non. Một lần đến hồ Động Đình, gặp con gái chúa hồ là nàng Thần Long nết na chăm chỉ, Kinh Dương Vương đem lòng yêu thương và cưới nàng làm vợ. Ít lâu sau, họ sinh hạ được một con trai, đặt tên là Sùng Lãm. Lớn lên, Sùng Lãm nối nghiệp cha, lấy hiệu là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân có sức khỏe hơn người và nhiều tài biến hóa. Vì có gốc Rồng từ dòng họ mẹ nên Lạc Long Quân thường ở trong động nước (thủy cung) không ở trên cạn thường được. Vì thế mỗi khi gặp khó khăn, dân chúng thường đến trước động nước kêu to lên: “Bô ơi! Ở đâu? Hãy đến với ta!”(*). Thế là Lạc Long Quân xuất hiện để giúp đỡ dân chúng.
* Tiếng mà dân chúng dùng để gọi Lạc Long Quân.
Lúc ấy, xứ sở còn rất hoang dại. Nhiều loài yêu quái lộng hành. Ở vùng biển Đông Nam, có một con cá dữ tợn, sống lâu đời đã thành tinh. Cá có thân dài 50 trượng, đuôi như cánh buồm, há miệng có thể nuốt được cả thuyền bè. Nó tác oai tác quái, làm hại dân chài. Dân chúng rất sợ hãi, gọi nó là Ngư Tinh. Ngư Tinh ở trong một cái hang sâu ăn thông xuống đáy biển. Trên hang là núi đá. Ngư Tinh lấy đá lấp eo biển, gây khó khăn cho thuyền bè đi lại hòng tấn công được dễ dàng.
Có một vị thần thấy quả núi đá lấn biển của Ngư Tinh cản trở việc đi lại của dân chúng. Thương tình, một đêm ông bèn hiện ra, đục núi khoét rộng eo biển, định mở đường. Công việc của thần đang nửa chừng thì Ngư Tinh biết được. Nó liền hóa phép biến thành con gà trắng. Gà bay lên trên đỉnh núi đá, cất ba tiếng gáy; thần đang đào núi, nghe gà gáy, tưởng là đã rạng đông nên vội vàng bay đi. Vì thế, hòn núi vẫn còn trơ trơ đứng đấy.
Kinh hoàng trước nỗi hiểm nguy, dân chài đến trước động nước kêu to: “Bô ơi! Ở đâu? Ngư Tinh ám hại ta!”. Sau khi đi thăm dò tình hình, Lạc Long Quân bèn cho đóng một chiếc thuyền, rồi nung đỏ một khối sắt, lừng lững tiến đến hang Ngư Tinh. Con ác thú quen thói, há to mồm, định nuốt chửng chiếc thuyền. Lạc Long Quân liền ném khối sắt lửa vào mồm nó. Họng cháy bỏng, con ác thú quay cuồng chống trả, quậy sóng, bắn tung chiếc thuyền lên cao.
Từ trên cao, Lạc Long Quân phóng đao xuống, chém Ngư Tinh thành ba khúc. Khúc đầu biến thành một con chó biển, định chạy trốn, Lạc Long Quân liền phóng đao tiếp, giết chết chó biển. Xác nó biến thành hòn Cẩu Đầu Sơn có hình giống cái đầu chó. Khúc giữa trôi ra xứ Mạn Cầu, nay còn gọi là Cẩu Đầu Thủy. Còn cái đuôi thì biến thành con rồng trắng, Lạc Long Quân giết rồng, lột lấy da, đem phủ lên một hòn đảo giữa biển. Đó là hòn Bạch Long Vĩ(*) ngày nay.
* Hòn đảo nằm ở vịnh Bắc Bộ.
Xong được họa Ngư Tinh thì xuất hiện họa Hồ Tinh ở Long Biên (Hà Nội ngày nay). Hồ Tinh là con cáo chín đuôi, thường biến thành vật hay người để bắt trẻ con về ăn thịt. Dân Long Biên vô cùng sợ hãi đến nỗi phải bỏ xứ mà đi. Lạc Long Quân tìm đến hang cáo, tháo cho nước sông Cái chảy vào ngập hang, rồi lấy chỉ ngũ sắc bện thành dây thòng lọng để trước hang. Cáo ngập nước, bò ra liền bị thòng lọng thắt cổ chết. Chiếc hang cáo ngập nước ấy sụp xuống biến thành hồ gọi là hồ Xác Cáo. Nay được gọi là Hồ Tây.
Ở đất Phong Châu, có một cây chiên đàn to lớn, sống đã một nghìn năm, tích lũy âm khí mà biến thành Mộc Tinh. Mộc Tinh thường biến thành một con yêu vào làng bắt người ăn sống. Lạc Long Quân giao tranh với nó mấy lần bất phân thắng bại, cuối cùng, ông phải cầu cứu đến Kinh Dương Vương. Hai cha con hợp sức cùng nhau đốn ngã được cây chiên đàn. Mộc Tinh liền chết theo. Từ đấy dân chúng được yên
ổn làm ăn, cuộc sống sung túc, vui vẻ. Yên lòng, Lạc Long Quân lại trở về động nước.Một hôm, vua nước láng giềng là Đế Lai mang theo con gái yêu là nàng Âu Cơ xinh đẹp đến chơi vùng Lĩnh Nam. Đoàn tùy tùng của Đế Lai hay quấy nhiễu, xin gà, lấy gạo của dân chúng nên người dân lại đến trước động nước gọi Lạc Long Quân lên cạn, Lạc Long Quân liền đi gặp Đế Lai và hai bên dàn xếp ổn thỏa. Từ đấy, mọi người lại sống hòa thuận với nhau.
Trong các lần thương thuyết cùng Đế Lai, Lạc Long Quân có dịp gặp được nàng Âu Cơ. Thấy nàng thông minh, sáng trí, Lạc Long Quân xin Đế Lai cho phép được cùng nàng nên vợ nên chồng. Được sự đồng ý của Đế Lai, khắp nơi vang lên tiếng trống đồng báo tin mừng. Tiếng cồng, tiếng chiêng đáp lại, tán thành mối lương duyên. Lạc Long Quân mặc váy kết bằng lá của rừng thiêng, đầu đội mũ lông chim phượng hoàng, điểm thêm vài chiếc bông lau trắng xóa của non cao.
Theo tục lệ “việc cưới xin lấy gói đất làm đầu” của thời ấy, ngoài các món trang sức bằng đá, bằng đồng thau, trong sính lễ của Lạc Long Quân còn có một cái bánh bằng đất hun(*). Đó là loại bánh làm bằng bùn non tinh khiết và được hun tẩm bằng các hương liệu của núi rừng như quế, hồi, sim và cỏ thơm. Bánh đất hun tượng trưng cho khí thiêng của đất nước, bên cạnh bánh đất hun là gói muối tượng trưng cho tình nghĩa mặn nồng của đôi vợ chồng.
* Cách làm bánh đất hun như sau:
- Lấy đất: Dùng dao thô, dầy, để lấy đất khô từng tảng dưới lớp đất sâu khoảng 20m. Những tảng đất lấy được to chừng 5-6cm, màu xám tro, có vệt nâu đỏ, mịn mềm.
- Phơi đất: Lấy dao chặt đất thành từng miếng nhỏ bằng ba đầu ngón tay, mỏng 3,4cm, phơi cho đất chuyển thành màu xám trắng.
- Hun đất: Những miếng đất được đặt lên dàn hình vuông bằng các cây gỗ đan lại bằng những dây leo. Trên dàn đậy vài tấm cói sơ sài, cả dàn đất được đặt lên một hố tròn, không sâu lắm. Dưới hố là những cây cỏ thơm được đốt bốc khói lên, ám vào các miếng đất. Miếng đất biến thành màu vàng sẫm. Đó là bánh đất hun.
Đám cưới diễn ra trong sự nô nức tưng bừng của dân chúng, họ cũng mặc quần áo lễ hội giống như Lạc Long Quân và tham dự vào các cuộc vui. Nơi thổi kèn, thổi sáo hoặc ca múa, nơi đánh trống gồm cả nam lẫn nữ, chia thành từng đôi, ngồi cạnh từng cặp vợ chồng đánh trống: bên nam đánh trống đực còn bên nữ thì đánh trống cái. Nhóm đánh cồng cũng không thua kém
gì, từng giàn cồng 6 chiếc kê liền nhau thành dãy, được đánh vang lên phối hợp họa
lại với tiếng trống.
Những người nhảy múa hóa trang thành hình chim, họ mặc váy bằng lông chim có hai vạt xòe ra, đầu đội mũ cũng bằng lông chim cài bông lau. Họ uốn lượn theo nhịp trống rập rình, tạo nên hình ảnh đàn chim Lạc đang tung cánh tự do trên bầu trời bao la. Nâng đỡ điệu múa là tiếng hát đối đáp của từng đôi trai gái. Từng đôi, từng đôi họ ngồi đối diện nhau, lồng chân, giao tay
hát lên lời chúc cho Lạc Long Quân và Âu Cơ được con đàn cháu đống.
Các già làng có nhiệm vụ lo chu toàn các nghi thức của buổi hôn lễ. Vốn là những người có kinh nghiệm trong cuộc sống và được dân chúng kính nể, họ đứng ra phân công hai nhóm nam nữ. Nhóm nam gồm những chàng trai trẻ có nhiệm vụ chuẩn bị những nắm đất, nắm bùn, hoa quả. Nhóm nữ là các cô gái lo việc nấu cơm nếp. Để cho nồi cơm nếp của đêm tân hôn được tinh khiết, họ chọn lấy chỗ nước thật trong vắt để vo. Nếp được nấu trong nồi đất nung thô, tỏa mùi thơm ngào ngạt.
Khi Lạc Long Quân rời thủy cung lên cạn đón dâu, đoàn
trai trẻ ùa ra kẻ ném đất, ném bùn, người ném hoa quả vào chàng rể để cầu cho mối lương duyên đơm hoa kết trái từ lòng đất mẹ. Nàng Âu Cơ xuất hiện trong chiếc áo lông ngỗng trắng toát, tóc nàng tết cao, để
lộ chiếc cổ cao ba ngấn. Tay nàng đeo vòng, cổ nàng đeo chuỗi, hai chiếc vòng tai lấp lánh màu đồng thau làm ửng hồng thêm đôi má.
trai trẻ ùa ra kẻ ném đất, ném bùn, người ném hoa quả vào chàng rể để cầu cho mối lương duyên đơm hoa kết trái từ lòng đất mẹ. Nàng Âu Cơ xuất hiện trong chiếc áo lông ngỗng trắng toát, tóc nàng tết cao, để
lộ chiếc cổ cao ba ngấn. Tay nàng đeo vòng, cổ nàng đeo chuỗi, hai chiếc vòng tai lấp lánh màu đồng thau làm ửng hồng thêm đôi má.
Một mâm cơm dành riêng cho cô dâu chú rể để cầu chúc tình vợ chồng gắn bó đã được đặt ở nơi trang trọng.
Trên chiếc mâm bồng bằng đồng thau sáng loáng ấy, có bát cơm nếp bốc khói nghi ngút, bên cạnh đĩa thịt dê nướng thơm phức. Mọi người hân hoan chờ đợi giây phút thiêng liêng của nghi lễ ăn chung bát cơm nếp truyền thống.
Tới giờ lành, trước sự chứng kiến của các già làng, trong tiếng ca hát reo hò của dân chúng. Lạc Long Quân cùng Âu Cơ trân trọng nâng bát cơm nếp lên và cùng nhau ăn chung để thay lời thề chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống. Sau buổi lễ ăn chung bát cơm nếp, Lạc Long Quân và Âu Cơ chính thức thành vợ chồng trước trời đất và trước dân chúng Lạc Việt.
Không bao lâu sau, nàng Âu Cơ mang thai và hạ sinh ra một cái bọc. Được bảy ngày, cái bọc nở ra trăm trứng, từ trăm trứng nở ra trăm cậu bé khỏe mạnh. Dân bận rộn chọn ra trăm tàu lá chuối tươi không tỳ vết, màu xanh ngọc mơn mởn để lót ổ. Họ tin rằng với việc lót ổ bằng lá chuối tươi như thế, các cậu bé sẽ hấp thu được khí âm lẫn khí dương và sẽ nên người khôn ngoan để giúp đỡ họ trong cuộc sống, bảo vệ họ chống lại thiên tai và ngoại xâm.
Một trăm người con trai lớn lên trong sự dạy dỗ của Lạc Long Quân, trong sự chăm sóc của nàng Âu Cơ và trong mối bảo bọc của dân chúng. Ngày tháng trôi qua, họ đã đến tuổi trưởng thành. Lạc Long Quân cho tổ chức một cuộc đua thuyền để thử thách sức bền bỉ và lòng can đảm của các con. Những con thuyền độc mộc, đuôi én, mũi cong, mình thon đã được hạ thủy. Cả trăm chàng thanh niên ấy mình trần vận khố, chân đất, đầu đội mũ lông chim chia thành mười nhóm.
Tiếng trống lệnh vang lên, mười chiếc thuyền vun vút phóng lên như tên bắn trên mặt nước. Dân chúng đứng hai bên reo hò cổ vũ các chàng trai. Những chiếc lưng trần đẫm loáng nước và mồ hôi, những cánh tay vạm vỡ loang loáng khoắng dầm bơi. Thuyền của họ xé nước lao về phía trước như những cánh chim Lạc đang lướt gió trên các tầng mây.
Điểm đến đã xuất hiện. Tiếng cồng vang lên giục giã. Đây rồi, họ đã đến, nhưng lạ lùng thay, cả mười chiếc thuyền cùng phá điểm đến một lượt. Lạc Long Quân rất bằng lòng. Ông cho buổi lễ tiếp tục bằng hội giã cối. Tiếng thanh, tiếng trầm, khi thưa, khi nhanh của các điệu giã cối cùng những lời hát đối đáp của những đôi trai gái ca ngợi cuộc sống yên.
Thấy các con đã trưởng thành, Lạc Long Quân muốn trở về động nước. Một hôm, Lạc Long Quân bảo với Âu Cơ: “Ta là giống rồng, sống dưới nước, nàng là giống tiên, sống trên cạn. Thủy Hỏa khắc nhau, không thể sống lâu bền với nhau được. Bây giờ ta chia nhau, nàng đem 50 con lên núi, ta đem 50 con xuống biển. Nếu có gì khó khăn thì báo cho nhau biết để giúp nhau”.
Biết rằng sự hợp tan là lẽ thường tình trong cuộc sống, nàng Âu Cơ ngậm ngùi đồng ý. 50 người con theo cha về động nước, 50 người kia theo mẹ lên núi.
Tuy không sống chung, nhưng họ vẫn thường liên lạc với nhau, có việc gì họ cũng đều thông tin cho nhau biết. Người dân khi gặp khó khăn vẫn đến trước động nước cầu sự giúp đỡ của Lạc Long Quân.
Âu Cơ và 50 người con trai đến sống ở đất Phong Châu (Phú Thọ) và cùng nhau tôn người con cả lên làm vua. Đó là Hùng vương thứ nhất của nước ta, mở đầu cho thời đại Hùng vương kéo dài hơn 2000 năm.
Hùng vương đặt tên nước là Văn Lang. Người bỏ ra nhiều thời gian đi tìm nơi có thế đất, thế nước để đóng đô. Đến chuyến đi thứ sáu mới tìm ra. Đó là vùng hội tụ của ba con sông Lô, sông Thao và sông Đà, hai bên có núi Tản Viên và Tam Đảo, dân cư đông đúc, đồng ruộng tươi xanh, xa xa là các dãy đồi thoai thoải và phía trên cao là một hòn núi kỳ tú. Vua bèn chọn nơi đây làm kinh đô (nay thuộc tỉnh Phú Thọ).
Vua tổ chức một hàng ngũ quan chức gồm có các Lạc hầu để giúp mình trị nước. Vua chia nước ra làm 15 bộ. Đa số các em của vua cai trị các bộ này, họ được gọi là các Lạc tướng. Vua và các Lạc tướng có quyền cha truyền con nối. Dưới các bộ là các làng xã, có các Bố chính tức là các già làng đứng đầu. Con trai của vua được gọi là Quan lang, còn con gái thì gọi là Mị nương. Đó là tổ chức sơ khai của dân Lạc Việt.
Dưới các làng xã là gia đình, trong gia đình vẫn còn ảnh hưởng khá đậm của chế độ mẫu hệ thời trước, nhưng người đàn ông đã giữ vai trò quan trọng. Chồng lo toan mọi việc trong gia đình nhưng ý kiến của vợ vẫn được tôn trọng. Cả vợ lẫn chồng đều cùng làm ruộng. Khi nào rảnh rỗi thì chồng đi săn, đi đánh cá, vợ đi hái, đi lượm. Con cái được cha mẹ chăm sóc nuôi dưỡng cho đến tuổi thành đinh (trưởng thành).
Vua Hùng rất yêu thương dân. Người hay đi thăm dân và thân hành coi sóc việc trồng lúa của dân. Thuở ấy Văn Lang có ruộng Lạc, tức là ruộng ở chỗ trũng ven sông Hồng, sông Mã. Dân theo thủy triều lên xuống mà làm ruộng, vì thế họ được gọi là Lạc dân. Lạc dân dùng phương pháp “thủy nậu” để cấy lúa. “Thủy nậu” là cách đạp cho cỏ sục bùn rồi mới cấy lúa lên. Giống lúa thoạt tiên là những hạt nếp, hạt tẻ mọc hoang, dần dần được Lạc dân thuần dưỡng. Thời đó, Lạc dân vẫn ăn gạo nếp là chính.
Hàng năm, vua vẫn thường cùng các già làng lên núi cúng vía lúa để cầu trời đất cho dân trúng mùa. Nơi vua Hùng khấn vía lúa trở thành nơi thờ thần Lúa, sau này chính là đỉnh núi Hùng (thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ). Núi Hùng là một quần thể ba ngọn núi Cao Sơn, Ất Sơn và Viễn Sơn. Nơi đây, biểu tượng của lúa - một hòn đá đẽo hình vỏ trấu dài khoảng 60cm - đã từng được nhân dân thờ cúng.
Sông hồ nước Văn Lang lắm tôm cá nhưng cũng nhiều loài thủy quái thường hay sát hại dân chài. Dân chài bèn kêu than với vua. Biến được hiểm họa thường đe dọa tính mạng của dân và ngăn trở việc đánh bắt thủy sản vốn là nguồn lợi quan trọng thời bấy giờ, lòng vua luôn nặng trĩu lo âu để tìm cách tiêu diệt thủy quái.
Một hôm vào rừng, bắt gặp một con tắc kè hình dáng giống như một con cá sấu hung dữ thu nhỏ chạy ngang chân và trốn lẫn vào đám lá khô, vua Hùng cố tìm xem nó ở đâu nhưng không thể phân biệt đâu là con vật, đâu là những chiếc lá vàng đỏ úa. Người giật mình chợt hiểu: con tắc kè đã tự nhiên đổi màu da của mình theo màu lá để tự vệ. Như thế con người cũng có thể hóa trang thành loài thủy quái để chúng tưởng là đồng loại.
Về cung, vua triệu tập dân chài và chỉ cho họ cách lấy chàm vẽ lên trên mình hình ảnh những loài thủy quái như cá sấu, rắn. Biện pháp ấy quả rất hiệu nghiệm. Dân chài không còn bị sát hại nữa. Từ đó, dân Việt có tục lệ xăm mình. Tục lệ này được lưu truyền cho đến đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới dứt. Hùng vương còn cho vẽ hai con mắt trước các mũi thuyền để đánh lừa thủy quái, bảo vệ người đi trên sông nước. Tục lệ này ngày nay vẫn còn.
Ngoài việc chống loài thú dữ dưới nước, vua Hùng còn giúp dân chống lại loài thú dữ trên cạn bằng cách khuyến khích dân chúng lấy tre gỗ dựng nhà sàn. Và như thế những căn nhà mái cong hình thuyền hay hình vòm trên những cọc gỗ cao ráo có khả năng ngăn cách thú dữ với cư dân đã được dựng lên khắp Văn Lang. Đó là bóng dáng những căn nhà sàn còn thấy ở nhiều vùng dân tộc ít người hiện nay.
An cư thì lạc nghiệp. Nền kinh tế của nước Văn Lang đã có những bước phát triển đáng kể nhờ kỹ thuật luyện kim. Những công cụ sản xuất bằng đồng như cái cuốc, cái cày đã giúp cho các cánh đồng trĩu nặng lúa. Trống đồng được đúc ra, không chỉ dùng trong các cuộc tế lễ, ma chay mà còn để trao đổi với các nước khác(*). Dân chúng sống trong cảnh thanh bình, ấm no.
(*) Trống đồng Đông Sơn đã được tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ ở các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan.
Để tán thưởng cuộc sống hạnh phúc ấy, dân chúng thường tổ chức các buổi lễ hội tưng bừng ca ngợi công đức của Hùng vương và tạ ơn trời đất. Sau những nghi lễ tế trời mừng được mùa, từng tốp người mặc áo quần làm từ lông chim, tay cầm khèn hoặc giáo nhảy múa theo nhịp trống, cồng, sênh, phách rộn rã. Những trai gái tuổi tìm bạn cùng nhau chan hòa trong tiếng giã cối rạo rực. Vẳng từ bờ sông là tiếng reo hò cổ vũ cho cuộc đua thuyền.
Các đời vua kế tiếp vẫn được gọi là Hùng vương. Họ nối nghiệp lớn của cha ông và bảo toàn được cuộc sống êm đềm giản dị của dân chúng. Cũng chính từ cuộc sống khó khăn vất vả nhưng hồn nhiên lạc quan ấy, dân Lạc Việt đã để lại những chuyện truyền miệng đậm đà tính dân tộc như Thánh Gióng, sự tích bánh Chưng - bánh Giầy, Trầu Cau, Quả dưa hấu, Sơn Tinh - Thủy Tinh...
Đời sau, con cháu nhớ ơn các vua Hùng và hàng năm đều tổ chức lễ cúng gọi là Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch.
Cổng Đền Hùng
Lễ lớn và mang tính truyền thống nhất luôn được tổ chức tại núi Hùng ở Vĩnh Phú và vẫn được gọi là hội đền Hùng. Hôm đó, tại đền Thượng, tức là nơi vua Hùng đã từng làm lễ khấn vía lúa và cũng là nơi sau này, Hùng vương thứ sáu lập đền thờ Thánh Gióng, đã diễn ra một buổi lễ tế trang trọng. Lễ vật gồm có “Tam sinh” tức là bò, dê, heo thui cả con, cùng hương hoa, oản, trầu cau, xôi ngũ sắc, rượu, bánh chưng, bánh dầy...
Đền Thượng
Đồng thời với buổi lễ là đám rước voi, rước bánh chưng bánh giầy, rước kiệu xuất phát từ các làng lân cận, cùng nhau rầm rộ tiến về đền Hạ (phía dưới đền Thượng). Đám rước bánh chưng bánh giầy là một điểm đặc biệt không thể thiếu được của hội đền Hùng. Cuộc rước này nhắc nhở đến tấm lòng của Lang Liêu (Sự tích bánh Chưng - bánh Giầy) đồng thời để nhớ tới công đức của vua Hùng đã dạy dân chúng trồng lúa
Còn rước kiệu là cuộc thi giữa các làng. Các cỗ kiệu được rước đến sân đền. Đến nơi, kiệu cùng cờ quạt đồng loạt được rước chạy quanh sân đền, vì vậy còn gọi là kiệu bay. Dưới chân núi các cô gái đâm đuống (giã gạo), các chàng trai chàm thau (đánh trống đồng) làm vang lên trong không gian lời mời gọi rộn rã.
Trên hồ nước, những cặp thuyền rồng lộng lẫy lướt sóng. Bên bờ là bãi tung còn, đấu vật, cờ người, leo dây, múa rối và đặc biệt là bãi đu tiên. Các cô gái, chàng trai say sưa quay tròn, những tà áo muôn màu tung bay phất phới trong không khí tưng bừng của ngày hội.
Vì ý nghĩa nhớ cội nhớ nguồn, vì tính hấp dẫn của không khí ngày hội, trong dân gian có câu:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba.
Đính kèm
-
199 KB Xem: 65