Công an nói về lỗ hổng làm lộ thông tin trong vụ lừa 'con cấp cứu' là do TikTok

TUVM

Well-known member
Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM nói rằng phần liên kết danh bạ trên TikTok là một lỗ hổng khiến trẻ và người thân có nguy cơ bị lộ lọt thông tin cá nhân.



Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh cho rằng 20% trường hợp lộ thông tin là do doanh nghiệp, 80% là do các cá nhân tự để lộ. Ảnh: Tiền Phong.

Đó là những thông tin được đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM, đưa ra trong sáng 17/3. Ông Thịnh cho biết từ sau dịch Covid-19, kiểu lừa đảo mạo danh bằng hình ảnh, lời nói qua điện thoại đang gia tăng. Mỗi ngày, đơn vị của ông tiếp nhận khoảng 20-30 đơn tố cáo các vụ lừa đảo như vậy.


Các cá nhân tự để lộ thông tin của mình
Theo ông Thịnh, trong thời gian gần đây, một kiểu lừa đảo qua điện thoại mới là đóng giả giáo viên, nhân viên bệnh viện để lừa tiền cha mẹ học sinh.
Ông Thịnh nói đây là hình thức lừa đảo có sự chuẩn bị, hình thức cũng giống kiểu mạo danh công an, cơ quan Nhà nước để lừa tiền nạn nhân. Thông thường, nhóm lừa đảo sẽ mạo danh giáo viên để gọi trước, sau đó mạo danh bác sĩ để lấy lòng tin của nạn nhân.
Những vụ lừa đảo qua điện thoại bắt nguồn từ những lỗ hổng thông tin, 20% là do doanh nghiệp, 80% là do cá nhân các nạn nhân tự để lộ thông tin của mình.
Ông Thịnh lấy ví dụ các bạn trẻ ngày nay thích dùng TikTok. Ứng dụng này có phần liên kết danh bạ để kết nối với người quen. Đây chính là một lỗ hổng để kẻ gian lợi dụng. Chúng có thể truy cập danh bạ để biết số điện thoại, danh tính của gia đình, người thân.
Đồng quan điểm với đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, nói rằng dữ liệu bị lộ lọt có thể xuất phát từ việc phụ huynh, học sinh cung cấp thông tin cho các hoạt động học tập hoặc thông qua hoạt động vui chơi giải trí như lướt TikTok.

Khi sử dụng các ứng dụng này, trẻ có thể bị xâm nhập thông tin. Thậm chí, phụ cũng có thể bị liên lụy khi con sử dụng thiết bị điện tử của mình để truy cập, sử dụng các trang mạng, ứng dụng.

Ông Võ Đỗ Thắng nhận định tội phạm công nghệ cao là những kẻ có trình độ cao. Phạm vi phạm tội của chúng không bị giới hạn về mặt địa lý. Có thể cuộc gọi phụ huynh nhận được không xuất phát ở TP.HCM mà đến từ nước ngoài.
"Việc lừa đảo phụ huynh không phải là vấn đề mới, trước đây chúng còn giả danh cán bộ, cơ quan quản lý Nhà nước để lừa nạn nhân. Sắp tới, các vụ lừa đảo có thể diễn biến theo hướng khác và không có điểm dừng. Để đối phó với vấn đề này, các trường cần những người có kiến thức chuyên môn về công nghệ để quản lý thông tin, đồng thời áp dụng công nghệ nhằm mã hóa dữ liệu", ông Thắng nhấn mạnh.


lua tien cap cuu anh 1
Ths Lê Minh Hiển khẳng định bệnh viện không thu tiền qua điện thoại. Ảnh: BTC.


Bệnh viện không thu tiền qua điện thoại
Nói về những kịch bản lừa con cấp cứu trong thời gian gần đây, Ths Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện là đối tượng bị nhóm lừa đảo nhắm đến để gây áp lực cho phụ huynh. Đặc biệt là Bệnh viện Chợ Rẫy vì đây là tuyến cuối tiếp nhận các ca bệnh nặng. Kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng điều này để đánh vào sự tin tưởng của người nhà học sinh.

Ông Lê Minh Hiển khẳng định các bệnh viện không bao giờ có chuyện thu tiền qua điện thoại. Đây là điều cấm kỵ vì việc thu tiền qua điện thoại sẽ không rõ ràng, minh bạch. Quy trình đóng tiền ở bệnh viện phải rõ ràng, theo từng khâu cụ thể.
Ngoài ra, quy trình phẫu thuật của bệnh viện rất chặt chẽ. Với những ca bệnh nguy kịch, bệnh viện sẽ ưu tiên cứu người trước, tiền bạc tính sau.
“Phụ huynh cần bình tĩnh vì việc đóng tiền không thể thực hiện qua điện thoại, cần chậm lại vài phút để xác minh thông tin, hoặc đến bệnh viện để xác nhận và nắm tính trạng của con. Nếu có ca bệnh cấp cứu thực tế, bệnh viện sẽ chủ động cấp cứu, điều trị, không có chuyện hối thúc phụ huynh phải đóng tiền trước”, ông Hiển khẳng định.


lua tien cap cuu anh 2
Thầy Huỳnh Thanh Phú nói kẻ lừa đảo thường nhắm đến các bà mẹ vì phụ nữ tâm lý yếu. Ảnh: BTC.


Cách nhận biết dấu hiệu lừa đảo
Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, khuyên nhà trường và phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ để hạn chế các vụ lừa đảo tương tự. Khi tiếp nhận thông tin qua điện thoại, điều đầu tiên phụ huynh cần làm là gọi cho giáo viên chủ nhiệm để xác nhận lại.

Thầy Độ chỉ ra cách giúp phụ huynh xác định yếu tố lừa đảo. Theo đó, phụ huynh cần cảnh giác với những tin nhắn sai chính tả vì giáo viên thường rất khó mắc lỗi ở những điểm này.
“Trường tôi nhấn mạnh với phụ huynh là làm việc gì cũng cần trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm. Ngoài ra, chúng tôi cũng tạo nhóm Zalo để kết nối và thông tin với phụ huynh nên việc chia sẻ rất nhanh chóng và hiệu quả, từ đó, các bậc phụ huynh cũng dễ dàng nắm bắt nhanh chóng, chính xác các vụ việc”, thầy Nguyễn Đình Độ nêu.

Trong khi đó, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, lại đi vào phân tích, giúp phụ huynh hiểu vì sao nhóm lừa đảo có thể tạo ra những vụ lừa tiền ngoạn mục.

Theo thầy, đối tượng đầu tiên nhóm lừa đảo nhắm đến là các bà mẹ vì phụ nữ tâm lý yếu, lại thương con nên rất dễ hoảng. Đối tượng thứ hai chúng nhắm đến là các gia đình giàu có, cho con học trường tư thục. Ngoài ra, kẻ lừa đảo cũng lợi dụng tình trạng bệnh viện thiếu thiết bị điều trị cho bệnh nhân để giục phụ huynh chuyển tiền gấp.

Thầy Phú khuyên rằng khi có cuộc gọi báo con mình nhập viện, nguy kịch, phụ huynh cần bình tĩnh yêu cầu đối tượng chuyển qua video call để thấy rõ mặt, đồng thời yêu cầu họ quay hình ảnh của con để chắc chắn con có thực sự nằm viện hay không.
"Những người bị lừa thường thiếu thông tin, bệnh viện không bao giờ thu tiền qua điện thoại. Hơn nữa, trước khi vào phòng mổ, người nhà phải ký cam kết trước với bệnh viện. Vì thế, phụ huynh phải thường xuyên kết nối với nhà trường, khi gặp cuộc gọi như vậy phải liên lạc ngay với giáo viên, nhà trường để xác nhận thông tin", thầy Huỳnh Thanh Phú nói.
 
Bên trên