Cú trượt dài của 'kỳ lân' smartphone gập Trung Quốc

TRUONGTRINH

Well-known member
Royole Technology, startup Trung Quốc từng được định giá 6 tỷ USD và là công ty đầu tiên bán smartphone gập, đã nộp đơn phá sản.


Ngày 9/6, Tòa án Nhân dân Trung cấp Thâm Quyến thông báo đã thụ lý vụ phá sản của công ty công nghệ Royole Thẩm Quyến. Royole đã nộp đơn xin phá sản từ ngày 15/5. Các chủ nợ sẽ phải khai báo yêu cầu bồi thường trước 30/8, sau đó có phiên họp đầu tiên ngày 13/9 trước sự chứng kiến của tòa án.


Smartphone FlexPai của Royole. Ảnh: Trusted Reviews


Smartphone FlexPai của Royole. Ảnh: Trusted Reviews


Theo Passionate Geekz, động thái mới của Royole được xem như dấu chấm hết cho startup từng tạo dấu ấn lớn với loạt thiết bị màn hình gập, trong đó có điện thoại FlexPai giá 1.300 USD vào năm 2018 và được xem là smartphone gập đầu tiên trên thế giới được thương mại hóa.

Thông tin Royole phá sản đã xuất hiện từ tháng 3, nhưng công ty phủ nhận vào ngày 1/4, nhấn mạnh mọi hoạt động kinh doanh vẫn bình thường. Người đại diện nói tin đồn xuất phát từ nhóm nhân viên cũ - những người đang kiện công ty liên quan đến tranh chấp quyền chọn cổ phiếu.

Thần tốc thành kỳ lân

Royole được thành lập năm 2012 bởi một nhóm người từng theo học ngành kỹ thuật tại Đại học Stanford, đứng đầu là Bill Liu, hay Liu Zihong, khi đó 26 tuổi. Công ty đặt trụ sở ở cả California và Thâm Quyến, nhưng hoạt động chủ yếu tại Trung Quốc. Đây cũng là nơi hãng đặt khuôn viên sản xuất rộng hơn 40.000 mét vuông, phục vụ chế tạo màn hình gập và các sản phẩm khác như cảm biến dùng cho giao diện người - máy và linh kiện cho thiết bị thông minh.

Hai năm sau khi thành lập, Royole cho ra đời màn dẻo 0,01 mm kèm cảm biến linh hoạt mỏng nhất thế giới. Năm tiếp theo, công ty giới thiệu Royole X - hệ thống âm thanh 3D giải trí tương tự kính thực tế ảo tích hợp màn hình cong đầu tiên. Sau đó, công ty tiếp tục ra bảng điều khiển ôtô thiết kế cong. Đến 2017, Royole giới thiệu RoWrite, sổ viết tay thông minh đầu tiên.

Năm 2018, Royole thu hút giới công nghệ khi trình làng FlexPai, smartphone gập đầu tiên, trước các "ông lớn" như Samsung, Huawei cũng đang có kế hoạch bán sản phẩm tương tự. Cơ chế gập của thiết bị uốn cong từ trong ra ngoài thay vì gập vào trong như Galaxy Fold. Tháng 3/2022, FlexPai thế hệ hai ra mắt.

Cùng năm 2018, Trung tâm Đổi mới Airbus Trung Quốc (ACCIC) công bố hợp tác với Royole nhằm đưa màn hình linh hoạt lên máy bay với mục tiêu cải thiện độ an toàn trong cabin và tăng cường tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, tiến độ dự án không được đề cập cho đến nay.

Sau khi FlexPai thế hệ đầu được giới thiệu, Royole hợp tác với Louis Vuitton để phát triển dòng túi xách "Canvas of the Future" tích hợp màn hình linh hoạt. Túi xuất hiện tại buổi trình diễn Cruise 2020 của Louis Vuitton ở New York.

Với những thành tựu của mình, Royole nhận nhiều giải thưởng quốc tế như Red Dot Awards và International Design Awards vì những đổi mới công nghệ và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Công ty cũng được tạp chí Twice vinh danh ở giải thưởng VIP Award 2018.

Từ khi thành lập, công ty đã được các quỹ danh tiếng như IDG Capital, AMTD Group và Knight Capital đổ tiền thông qua nhiều vòng tài trợ. Theo PanDaily, Royole là một trong những kỳ lân phát triển nhanh nhất trên thế giới. Đến năm 2020, họ được định giá 6 tỷ USD trước khi dự kiến IPO, trở thành niềm tự hào về công nghệ của Trung Quốc.

Cú trượt dốc

Theo Passionate Geekz, Royole bắt đầu gặp khó khăn tài chính trong giai đoạn 2017-2020, khi công ty đạt doanh thu 500 triệu nhân dân tệ (69 triệu USD) nhưng lỗ hơn 3 tỷ nhân dân tệ (414 triệu USD).

Năm 2020, Royole vẫn cố gắng IPO trên STAR Market của Thượng Hải, đồng thời chạy đua một ghế vào Ban Đổi mới Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Cả hai mục tiêu đều không thành công. Tháng 2/2021, Royole chủ động rút đơn đăng ký niêm yết.

Khoảng 10 tháng sau khi hủy IPO, có thông tin Royole trì hoãn việc trả lương cho nhân viên trong nhiều tháng vì kinh doanh thua lỗ và dòng tiền eo hẹp. Liu đã tổ chức một cuộc họp ngày 30/11/2021 để cập nhật tình hình tài chính của công ty, nói đang "trong quá trình huy động vốn" và dự kiến nhận được tiền vào tháng 12 cùng năm.

Đầu tháng 4, khi Royole phủ nhận tin đồn phá sản, dữ liệu trên cổng thông tin Tianyancha cho thấy họ có khoản nợ vượt 3 tỷ nhân dân tệ (414,9 triệu USD). Kỳ lân một thời này cũng đối mặt với lệnh cưỡng chế tài sản từ hàng chục chủ nợ. Hai công ty con Royole Electronics và Royole Display cũng nợ hàng trăm triệu USD.

Trang Yicai Global nhận định Royole đang trong quá trình phá sản chỉ sau 12 năm thành lập dù nắm nhiều công nghệ cốt lõi là lời cảnh tỉnh cho startup công nghệ khi phát triển quá nhanh và những cạm bẫy phải đối mặt. Việc sở hữu các công nghệ hàng đầu chưa chắc là yếu tố giúp đảm bảo sự thành công lâu dài.

Bảo Lâm
 
Bên trên