Cuộc chiến thị phần máy chơi game

quan03

Trần Anh Quân
Sega và Nintendo từng làm mưa làm gió thế kỷ trước, nhưng sớm nhường lại hào quang cho Playstaion và Xbox trên thị trường máy chơi game hiện đại.

Khi những chiếc máy chơi game console đầu tiên ra mắt thị trường vào năm 1972, nhiều nhà phát triển đã nhìn ra tiềm năng của thị trường về một loại hình giải trí chưa từng xuất hiện. Các nhà sản xuất đua nhau phát triển máy chơi game cầm tay và dùng nhiều chiến lược tiếp thị để dìm đối thủ xuống, chủ yếu tập trung vào quảng cáo bộ xử lý trung tâm. Nhiều tờ báo trong giai đoạn này dùng từ "console war" để miêu tả về sự cạnh tranh giành thị phần. Chỉ đến khi hai "ông kẹ" Sega và Nintendo xuất hiện, cuộc chiến mới bước vào thời kỳ căng thẳng nhất.

Sega và Nintendo - hơn thập kỷ so kè

Sega và Nintendo không phải cặp kỳ phùng địch thủ duy nhất trong lịch sử cạnh tranh của các hãng máy chơi game song là ví dụ tiêu biểu nhất cho cụm từ "console war" được truyền thông sử dụng trong những năm cuối của thập niên 80, đầu 90.

Nintendo là ông lớn từ Nhật Bản, phát hành máy chơi game tên Famicon đầu tiên vào ngày 15/7/1983, thuộc thế hê game 8-bit. Trùng hợp là cùng ngày hôm đó, Sega cũng quyết định gia nhập thị trường trò chơi điện tử khi giới thiệu SG-1000. Sự xuất hiện của hai cái tên mới được đánh giá giúp hồi sinh thị trường game đang trong giai đoạn suy thoái do sự trỗi dậy của máy tính cá nhân. Giai đoạn khởi phát, Nintendo vượt lên dẫn trước khi Famicon trở thành máy game bán chạy nhất Nhật Bản chỉ sau một năm. SG-1000 lại không mấy thành công về thương mại.

Máy chơi game NES. Ảnh: Pexels

Máy chơi game NES. Ảnh: Pexels

Thừa thắng, Nintendo cải tiến thiết bị với quyết tâm Mỹ tiến năm 1985. Hãng sản xuất tinh chỉnh Famicon theo thiết kế của một đầu máy video game, đặt tên là "Nintendo Entertainment System" hay được biết đến với tên gọi NES. Sega cũng không đứng yên trên cuộc đua tiến ra thị trường quốc tế. Nhà sản xuất này giới thiệu hệ thống mới mang tên Sega Master System, vượt trội hơn NES về mặt phần cứng. Tuy nhiên, thành công về mặt thương mại chưa gọi tên Sega. Doanh số Sega Master System là 13 triệu chiếc, trong khi NES đạt 62 triệu, trong đó hơn 50% từ thị trường Bắc Mỹ.

Lý do Nintendo thành công giai đoạn này nằm ở việc họ không còn tự làm game mà gật đầu cho các đơn vị khác thiết kế, sản xuất và cung cấp trò chơi cho NES. Trong số này có nhiều trò kinh điển như Super Mario Bros, Legend of Zelda, Metroid và Mega Man. Tạp chí Computer Gaming World khi đó mô tả Nintendo là "cơn sốt toàn cầu" và "một sự kiện bất bình thường". Công ty của Nhật chiếm đến 65% thị phần trong năm 1987. Sự xuất hiện của Super Mario Bros và nhiều game huyền thoại đã hun đút lại tình yêu trò chơi điện tử trên toàn cầu sau cơn suy thoái do có quá nhiều game rác phát hành.

Nhưng thế thống trị của Nintendo không duy trì được lâu.

Để đòi lại thị phần, David Rosen - Đồng sáng lập Sega quyết tâm tạo ra một sản phẩm đỉnh cao. Ông và cộng sự dành nhiều tháng trời nghiên cứu chiếc máy chơi game 16-bit đầu tiên. Máy có đồ họa cải tiến, âm thanh, hình ảnh và sức mạnh đều vượt trội so với hệ game 8-bit của Nintendo. Điều Rosen cần làm là khiến người Mỹ biết đến sản phẩm này. Ông đặt cái tên Genesis vì nghĩ đủ hay và tượng trưng cho sự tái sinh của Sega, sau đó mang ra thế giới năm 1989.

Nước đi tiếp theo của Rosen là bổ nhiệm Michael Katz vào ghế Giám đốc điều hành. Nhiệm vụ của Katz là tạo ra một chiến dịch nhằm nhấn chìm Nintendo. Katz nhanh chóng đã mang chiến dịch "Genesis làm những điều Nintendo không làm" đến giới truyền thông. Chiến dịch nhấn mạnh những gì Genesis đem lại là trải nghiệm điện tử chân thật, vượt xa hệ thống 8-bit.

Sega chuyển hướng từ làm trò chơi cho trẻ em sang thanh thiếu niên bằng các quảng cáo truyền hình kích động, theo hướng nhạc rock, đầy giật gân. Katz kể trên tờ The Guardian: "Tôi đi xem những ai đang chơi điện tử và nhận ra Genesis có mặt ở mọi góc phố. Người chơi không phải là những cậu bé mà là thanh thiếu niên. Họ đến vì chúng tôi có những trò hay nhất".

Katz cũng quyết tâm cùng EA giành giật ngôi sao bóng đá Joe Montana để tạo ra game Joe Montana Football. Thương vụ chiêu mộ Montana cũng được Nintendo tham gia. Đích thân chủ tịch Nintendo Mỹ - Howard Lincoln trực tiếp đấu thầu. Nhưng Katz cùng EA là người thắng. "Chúng tôi chiến thắng với vài trăm nghìn USD. Điều đó thật đáng mừng và cho thấy Sega dần có sức hút", Katz nói.

Nhiều nhà phê bình khen ngợi Genesis. Sản phẩm thành công lớn về mặt thương mại, bán được hơn 30 triệu chiếc trên toàn thế giới. Mẫu máy được công nhận là một trong những hệ thống trò chơi điện tử tốt nhất của Sega và "là cách mạng hóa ngành công nghiệp bảng điều khiển".

Nhưng, vấn đề vẫn còn. Nintendo có một biểu tượng lớn là hình tượng Mario. Sega cần phải tạo ra một nhân vật có tính biểu tượng để vượt mặt đối thủ. Họa sĩ của công ty là Naoto Ohshima đã đưa ra ý tưởng về một con nhím xanh mang giày đỏ, sở hữu siêu tốc độ. Sau đó, Sonic The Hedgehog ra đời, trở thành đối trọng của Mario.

Máy chơi game SNES. Ảnh: Pexels

Máy chơi game SNES. Ảnh: Pexels

Để đáp trả, Nintendo rất nhanh sau đó đã phát hành các sản phẩm mới là Super Nintendo Entertainment System (SNES) - một máy chơi game cao cấp hơn NES. SNES nổi bật với đồ họa, âm thanh và sức mạnh xử lý được cải thiện, đồng thời có nhiều loại trò chơi hơn. Gã khổng lồ cũng thỏa thuận với các nhà phát triển bên thứ ba để tạo ra các trò chơi độc quyền cho SNES. Hãng cũng gia nhập thị trường máy chơi game cầm tay với việc phát hành Game Boy vào năm 1989, nhanh chóng trở thành sản phẩm bán chạy và bù đắp thiệt hại do mất quyền thống trị thị trường vào tay Sega.

Năm 1992, Nintendo thừa nhận họ không còn ở thế thống trị do Genesis được bán với mức giá rẻ, nhiều game hơn so với SNES. Ông lớn buộc phải giảm giá thiết bị để bằng đối thủ. Lần đầu tiên, hãng này tụt lại phía sau trong cuộc chiến thị phần.

Ba năm sau đó, cả hai hãng vẫn tiếp tục những màn so kè và "không ai chịu thua ai". Hai gã khổng lồ tranh giành nhiều tựa game đỉnh bấy giờ để quyết tâm lập thế thống trị. Nhưng, cuộc đua song mã chấm dứt khi có "kẻ thứ ba" chen ngang - Sony.

Sự trỗi dậy của máy chơi game thế hệ mới

Tháng 12/1994, Sony Computer Entertainment giới thiệu máy chơi game PlayStation. Sản phẩm tiên tiến hơn SNES và cũng có nhiều loại trò chơi hơn. Sony đã tận dụng lợi thế của công nghệ mới, bao gồm cả CD-ROM, để tạo ra những trò chơi phức tạp hơn những trò chơi có sẵn trên SNES.

PlayStation đến Mỹ vào tháng 9/1995, doanh số bán hàng của trong hai ngày đầu tiên đã vượt quá số lượng Saturn (thế hệ máy kế nhiệm của Genesis) đã bán được trong năm tháng trước đó. Điều này khiến Sega thiệt hại nặng do Saturn được đầu tư mạnh.

Với Nintendo, họ bỏ qua giai đoạn game 32 bit để phát hành máy chơi game 64 bit, có đồ họa 3D. Nhưng, thiết kế kiểu cũ khiến không gian lưu trữ bị hạn chế. Hậu quả là nhà phát triển của tựa game đình đám Final Fantasy đã quyết định bắt tay với PlayStation để tận dụng không gian rộng lớn của đĩa quang. Sự có mặt của Final Fantasy giúp Sony chiếm thị phần, trực tiếp đẩy Nintendo và Sega ra khỏi cuộc cạnh tranh. Sega rời mảng kinh doanh phần cứng vào năm 2001 để tập trung vào sản xuất phầm mềm. Nintendo cũng chọn hướng phát triển riêng để tránh cạnh tranh với những ông lớn mới nổi.

Sự xuất hiện của PlayStation mở ra một thời kỳ mới cho máy chơi game.

Sự xuất hiện của PlayStation mở ra một thời kỳ mới cho máy chơi game.

Đối thủ của PlayStation xuất hiện vào năm 2001. Đó là Xbox của Microsoft. Ông lớn công nghệ xây dựng Xbox như một máy tính cá nhân chạy Windows và công nghệ DirectX. Sản phẩm ban đầu không cạnh tranh tốt với PlayStation 2, chỉ bán được khoảng 24 triệu chiếc trên toàn thế giới so với 155 triệu chiếc của đối thủ.

Bốn năm sau, Xbox 360 được trình làng, cạnh tranh trực tiếp với PlayStaytion 3 với mức giá rẻ hơn. Hai thế hệ này tập trung vào khả năng hiển thị hình ảnh chất lượng cao. Nhiều người gọi đây là cuộc chiến "kẻ tám lạng người nửa cân" khi doanh số không có nhiều khác biệt. Xbox 360 bán được 84 triệu bản, PS3 là 87 triệu bản.

Mãi đến năm 2013, cả hai mới tung ra thế hệ kế nhiệm lần lượt là PS4 và Xbox One. Cả hai đều sử dụng CPU và GPU của AMD, ổ cứng HDD 500GB, đều có Wi-Fi, Etherner và hỗ trợ độ phân giải 4K. Đáng tiếc, do sự chuyển đổi kiến trúc CPU nên cả PS4 và Xbox One đều không hỗ trợ game của các đời máy trước

Năm 2020 là dòng PS5 và Xbox X. Những dòng máy chơi game gần đây không có quá nhiều khác biệt về mặt công nghệ, cấu hình. Đồ họa game gần như đã đạt đến đỉnh cao. Máy tích hợp thêm các dịch vụ trực tuyến hợp thời để thu hút người dùng. Tuy nhiên, thế thống trị vẫn thuộc về PlayStation.

Xbox nỗ lực cạnh tranh với PS nhưng bất thành. Ảnh: Pexels

Xbox nỗ lực cạnh tranh với PS nhưng bất thành. Ảnh: Pexels

Theo thống kê của Statista, đến năm 2022, PlayStation của Sony chiếm đến 87,79% thị trường máy console toàn cầu, con số của Xbox là 12,15%. PS 2 là máy bán chạy nhất lịch sử với hon 150 triệu bản, xếp sau là PS4 với 112 triệu.

So với những thiết bị đầu tiên, máy game console lúc này đạt đỉnh cao công nghệ với kho game khổng lồ. Máy chơi game không đơn thuần là "trò chơi dành cho trẻ em" mà làm say mê cả người trưởng thành. Cuộc cạnh tranh khốc liệt dài 4 thập kỷ của các hãng sản xuất dẫn đến kết quả: người dùng hưởng lợi, ngành game ngày càng bùng nổ, trở thành công cụ giải trí cho mọi người.
 
Bên trên