Cuộc đua 6G đang diễn ra thế nào

TRUONGTRINH

Well-known member
Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu đã bắt đầu chạy đua 6G và đặt cược vào công nghệ kết nối thế hệ mới này.


"Sự phát triển 6G toàn cầu đã chuyển từ hình thành ý tưởng sang giai đoạn đột phá về công nghệ. Các bước tiến của AI, kết nối vạn vật... là trọng tâm nghiên cứu của 6G", Chen Xiaochen, Phó giám đốc chi nhánh phía Nam của Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, nói trong sự kiện công nghệ ngày 9/7 tại Thâm Quyến.

Công nghệ 6G được kỳ vọng là nền tảng cho một kỷ nguyên thông minh, nơi AI và robot trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống. Dù vậy đến nay, thế giới chưa thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật và tần số hỗ trợ 6G. Ông Xiaochen cho rằng mỗi quốc gia sẽ lựa chọn những lĩnh vực tiềm năng để phát huy thế mạnh của mình.

Trung Quốc đi đầu

Theo Techsciresearch, Trung Quốc đang tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ 6G. Ngày 11/7, truyền thông nước này đưa tin các nhà nghiên cứu đã thiết lập mạng thử nghiệm thực địa 6G đầu tiên trên thế giới. Thử nghiệm đã chứng minh khả năng truyền dẫn của 6G có thể hoạt động trên hạ tầng 4G hiện có.

Sina dẫn lời nhóm nghiên cứu từ Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh rằng mạng 6G của họ được cải thiện gấp 10 lần về những chỉ số truyền thông quan trọng, như vùng phủ sóng, hiệu năng và khả năng kết nối. Mạng lưới sẽ đóng vai trò là nền tảng hỗ trợ các nghiên cứu lý thuyết và là nền tảng ban đầu để tiếp tục phát triển công nghệ 6G.

Theo Xinhua, Trung Quốc đang nỗ lực thương mại hóa 6G vào năm 2030, trong khi các tiêu chuẩn 6G dự kiến được thiết lập ngay trong năm 2025.


Người dùng tham quan mô hình công nghệ 5G và 6G tại WMC 2023 ở Thượng Hải hồi tháng 6. Ảnh: ChinaDaily


Biển hiệu chỉ dẫn tới khu trải nghiệm mạng 6G tại sự kiện MWC 2023 ở Tây Ban Nha. Ảnh: Lưu Quý


Mỹ đã sẵn sàng

Là quốc gia tiên phong trong đổi mới công nghệ, Mỹ không đứng ngoài cuộc đua 6G. Tại nước này, 6G được khởi xướng bởi các công ty công nghệ lớn, các trường đại học và được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ.

Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã mở các băng tần sóng "terahertz", mở đường cho các bên thử nghiệm 6G. Những nhà mạng lớn như AT&T, Verizon và Next G Alliance đều đang nghiên cứu, góp phần định hình tương lai 6G trong nước. Mỹ kỳ vọng công nghệ kết nối mới sẽ đưa Internet di động và điện toán đám mây thành những dịch vụ phổ biến trên toàn cầu.

Các nhà hoạch định chính sách cũng đề xuất chính phủ tăng phổ tần cho đổi mới mạng không dây. Trong đó có việc áp phí cao hơn cho những phổ tần nhàn rỗi, tăng cường ưu đãi cho những phổ tần sử dụng hiệu quả.

Hàn Quốc đầu tư 200 triệu USD

Là một trong những quốc gia triển khai 5G sớm và nhanh nhất, Hàn Quốc cũng cho thấy tham vọng trong cuộc đua 6G. Các tập đoàn lớn như Samsung và LG đã bắt đầu xây dựng nền tảng cho 6G. Chính phủ cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 200 triệu USD để nghiên cứu và phát triển 6G.

Bộ Khoa học Công nghệ Hàn Quốc kỳ vọng các băng tần 6G do họ đề xuất có thể trở thành tiêu chuẩn toàn cầu. Tại Hội nghị vô tuyến điện thế giới (WRC) do Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức ở Dubai tháng 12/2023, chất lượng ba dải tần do quốc gia này đưa ra vượt qua 23 phổ tần của các nước khác. Dù bắt đầu nghiên cứu về 6G muộn hơn Trung Quốc và Mỹ, Hàn Quốc lạc quan về kế hoạch sớm ra mắt 6G vào 2026.

Nhật Bản muốn sửa luật

Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu 6G từ 2020 và đặt mục tiêu triển khai 6G vào năm 2030. Chính phủ nước này cũng phân bổ một phần trong quỹ trị giá 9,6 tỷ USD để hỗ trợ phát triển thế hệ mạng không dây tiếp theo. Đảng cầm quyền đang có kế hoạch sửa đổi luật để đẩy nhanh các nghiên cứu và phát triển, loại bỏ rào cản pháp lý cản trở khả năng cạnh tranh toàn cầu của các công ty.

Hồi tháng 5, nhóm các công ty viễn thông Nhật Bản gồm Docomo, NTT, NEC Corporation, và Fujitsu, tuyên bố đã phát triển thành công thiết bị không dây 6G tốc độ cao có thể truyền dữ liệu ở tốc độ 100 Gbps qua khoảng cách 100 m, nhanh gấp hàng chục lần so với 5G.

Châu Âu gấp rút chạy đua

Liên minh châu Âu (EU) cũng không đứng ngoài ngoài cuộc đua 6G và đã có một số sáng kiến quy mô lớn như chương trình Horizon Europe nhằm thúc đẩy đổi mới và nghiên cứu. Nokia, trụ sở ở Phần Lan, đang dẫn đầu trong phát triển 6G thông qua Hexa-X - dự án lớn của châu Âu về nghiên cứu công nghệ 6G.

Thông qua những chương trình như Horizon Europe và Viện Đổi mới và Công nghệ châu Âu (EIT), EU đang tài trợ cho các dự án nghiên cứu, hợp tác với các học viện, ngành công nghiệp và chính phủ các nước để phát triển tiêu chuẩn cho 6G. Đức cũng đã khởi động dự án 6G vào năm 2020 với nguồn tài trợ từ chính phủ.

Việt Nam tham gia nghiên cứu 6G

Đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra mục tiêu cho ngành Viễn thông Việt Nam là "trong nhóm đầu về phát triển mạng 5G, 6G của thế giới". Để làm được điều đó, Việt Nam đã khởi động nghiên cứu 6G, bên cạnh việc phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc. Cục Viễn thông cho biết Ban chỉ đạo 6G cũng được thành lập và Việt Nam là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới có ban chỉ đạo này.

Mục tiêu được đặt ra là tần số 6G có thể được cấp phép vào năm 2028, trước khi tiến tới thương mại hóa. Các công ty Việt Nam cũng đang nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, 6G, thiết bị truyền dẫn, thiết bị đầu cuối.


Minh họa về công nghệ 6G. Ảnh: IC/ChinaDaily


Minh họa về công nghệ 6G. Ảnh: IC/ChinaDaily


6G có thể khiến viễn thông thế giới phân cực

6G là thế hệ công nghệ kết nối tiếp theo của 5G, ước đạt tốc độ một terabit/giây. Có nghĩa, trung bình mỗi giây, người dùng có thể tải 142 giờ nội dung video ở độ phân giải cao nhất. Theo các chuyên gia, 6G không dừng lại ở kết nối vạn vật mà còn có thể kết nối nhận thức với trí tuệ nhân tạo, xây dựng thế giới số song song với thế giới thật.

Trong khi đó, mạng 5G vẫn chưa được triển khai ở nhiều nước, nhưng một số nhà mạng đã bắt đầu thương mại hóa 5G Advance (5.5G) trong năm nay. Xét về tốc độ, 5.5G đạt tốc độ tải xuống 10 Gb/giây, tải lên 1 Gb/giây, phục vụ cho các dịch vụ mới như XR và 3D không cần kính. 5.5G có thể hỗ trợ 100 tỷ kết nối, gấp 10 lần 5G.

FT nhận định công nghệ 6G khi định hình có thể dẫn đến hai kịch bản. Những đột phá của Trung Quốc có thể khiến các quốc gia phương Tây bắt tay nhau để xây một chuẩn riêng đủ mạnh và phổ biến. Còn nếu không thể hợp tác, họ phải chấp nhận 6G của Huawei và các công ty Trung Quốc, thay vì loại bỏ như đang làm với mạng 5G.

Giới quan sát cho rằng cuộc đua này có thể khiến thế giới phân cực về viễn thông, từ đó dẫn đến sự ra đời của các tiêu chuẩn 6G khác nhau. Điểm mấu chốt ở đây là điện thoại 6G dành cho người dùng Mỹ có thể không tương thích với mạng 6G của Trung Quốc và ngược lại, từ đó làm chậm tốc độ thông tin liên lạc toàn cầu
 
Bên trên